Việt Nam là nước nhiệt đới nắng lắm gió nhiều nhưng trong phòng vẫn dùng nhiều điều hòa nhiệt độ và ánh sáng đèn. Vì vậy, việc thay đổi tư duy về thiết kế, xây dựng các mô hình tòa nhà xanh là việc làm cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Trong những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của gần 800 đô thị trên cả nước đã và đang làm tăng phát thải khí nhà kính, cộng với việc thiếu công nghệ và nguồn vốn đầu tư cho công trình xanh (CTX), thiếu các công nghệ sản xuất, các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường… luôn là những khó khăn khiến chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư tiết kiệm năng lượng (TKNL) “xanh hóa” cho công trình của mình. Chính vì vậy, việc từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh việc phát triển các CTX, đầu tư cho TKNL hiệu quả là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Thất thoát năng lượng từ chính công trình
Các công trình trong tương lai cần có cách tiếp cận để xây dựng những tiêu chuẩn đồng thời có những thiết kế đáp ứng yêu cầu mới. |
Theo bà Wendy Werner - Giám đốc Chương trình tư vấn cải thiện môi trường đầu tư của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, những năm qua Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa cao, các công trình xây dựng, nhà cao tầng mọc lên như “nấm sau mưa”. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển đó cũng kéo theo nhiều hậu quả, gây những ảnh hưởng bất lợi đến môi trường sinh thái. Không chỉ là công trình đô thị đơn thuần mà vô hình chung chúng còn là những “máy nghiền” tiêu tốn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, phát thải nhiều khí nhà kính. Vì vậy, nếu không tính đến việc TKNL và sự tác động của môi trường khi thiết kế đối với các công trình xây dựng, thì các hoạt động xây dựng sẽ còn tiếp tục góp phần làm nhiệt độ trái đất tăng nhanh, gây các hậu quả nghiêm trọng về sau.
Ngành Xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng nhiều nhất ở Việt Nam, chiếm tới 36% tổng năng lượng điện tiêu thụ của cả nước. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ giúp các chủ công trình giảm được chi phí vận hành, đồng thời góp phần vào tiến trình tăng trưởng kinh tế thải ít các-bon. Phân tích tại 8 tòa nhà điển hình TKNL tại Việt Nam cho thấy, việc chú trọng đầu tư các giải pháp TKNL tại tòa nhà có thể mang lại lợi nhuận đáng kể cho chủ đầu tư, nhưng vấn đề này vẫn chưa được đầu tư thích đáng.
Theo kết quả khảo sát gần đây của Bộ Xây dựng và Trung tâm TKNL Hà Nội, TP.HCM đối với trụ sở cơ quan hành chính, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí chiếm trên 70% tổng năng lượng; đèn chiếu sáng chiếm 10%; các thiết bị khác như máy móc văn phòng, thang máy, máy bơm nước chiếm khoảng 20%... Có thể chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng lãng phí hiện nay ở các tòa nhà là do việc lắp đặt hệ thống điều hòa không khí không phù hợp; lớp vỏ công trình có thiết kế và vật liệu không đảm bảo yêu cầu TKNL…
Cũng theo thống kê này, tổng năng lượng tiêu thụ cho các công trình xây dựng chiếm từ 40 - 70% năng lượng cung cấp cho đô thị, trong đó, các công trình tòa nhà cao tầng như khách sạn, tòa nhà thương mại… tiêu thụ từ 35 - 40%.
Tòa nhà xanh
Hiện tại, vấn đề TKNL tại các DN còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt chưa có một quy chuẩn quốc gia để đo lường cụ thể khái niệm “Tòa nhà xanh”. Tại nhiều nước phát triển như Mỹ hay châu Âu có quy định rõ ràng về các chỉ số tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà và từ đó xác định ra những yếu tố lãng phí cần giảm thiểu.
Tại Việt Nam, một tòa nhà để đáp ứng tiêu chí “Xanh”, theo đại diện phụ trách Nhóm giải pháp tòa nhà Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, nhất định cần trang bị hệ thống vận hành tòa nhà thông minh, tiết kiệm (BMS hoặc iBMS). Hệ thống này giúp đánh giá mức độ tiêu thụ điện năng khi vận hành, kết nối và đồng bộ hóa các modules trong tòa nhà trên cùng một hệ thống, từ đó giúp chủ đầu tư hoặc đơn vị quản trị dễ dàng vận hành, lập kế hoạch khai thác và tiết giảm lượng điện năng lãng phí của tòa nhà theo từng thời điểm và suốt vòng đời của công trình.
Điều này thể hiện ngay trong khâu thiết kế công trình, các chuyên gia nên quan tâm tính đến khả năng khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên - môi trường, tận dụng tối đa điều kiện khí hậu cảnh quan tự nhiên, nhất là phát huy sự thông gió tự nhiên và tận dụng ánh sáng tự nhiên. Nên ưu tiên sử dụng VLXD phù hợp với khí hậu nhiệt đới và thân thiện với môi trường (vật liệu không nung). Sử dụng cây xanh để làm giảm nhiệt độ và làm sạch không khí đối với công trình xây dựng cũng là một biện pháp TKNL hiệu quả. Đặc biệt, việc “xanh hóa” các công trình có thể giúp tiết kiệm tới 30 - 40% năng lượng cho các công trình mới và 15 - 25% năng lượng cho các công trình đang hoạt động…
Bên cạnh đó, việc tạo ra một cơ sở dữ liệu công trình xanh cũng như một nơi giao lưu trao đổi kiến thức thông tin giữa các bên liên quan là rất cần thiết. Bởi việc hệ thống hóa các thông tin về các CTX, TKNL sẽ giúp các kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư… có thể tiếp cận dễ dàng tới các thông tin này để thiết kế, triển khai công trình xây dựng TKNL. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm thế nào có thể thu thập được những thông tin cần thiết để đưa vào cơ sở dữ liệu cũng như thể hiện các thông tin nhằm đạt được hiệu quả mong muốn.
Ngày 15/11/2013, Bộ Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” chính thức có hiệu lực, thay cho Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam QCXDVN 09:2005. Bộ quy chuẩn mới được đánh giá là một bước hoàn thiện chính sách về quản lý năng lượng trong các công trình xây dựng hiện nay. Theo Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng), những điều chỉnh quan trọng của bộ quy chuẩn mới là tập trung đưa ra những quy định kỹ thuật bắt buộc tuân thủ cho các công trình dân dụng (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại, dịch vụ, chung cư) có tổng diện tích sàn từ 2.500m2 trở lên. Bộ Quy chuẩn mới đơn giản, dễ sử dụng và người dùng ít phải tính toán, tra cứu hơn… góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm chi phí năng lượng, giảm áp lực lên đường dây truyền tải điện quốc gia, xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường. |
Linh Anh
Theo