Trên thực tế, chuyện không đúng giờ, lề mề vẫn diễn ra khá phổ biến trong đời sống xã hội. Phải chăng người Việt không biết quý thời gian?
"Dân tộc mọi rợ"
ThS Trần Văn Phương, cán bộ nghiên cứu và giảng dạy Bộ môn Văn hóa đã trích dẫn câu nói của người Đức khi bàn đến thói lề mề, không đúng giờ của người Việt: "Một dân tộc không đúng giờ là một dân tộc mọi rợ". Đối chiếu với tình hình thực tế ở Việt Nam, vị thạc sĩ văn hóa này cười cười, lắc đầu: "Nếu chiểu theo câu này thì hẳn ối người Việt sẽ tự ái, thậm chí phản ứng một cách cực đoan rằng người Đức quy chụp. Song cái gì cũng có lý của nó".
Ảnh minh họa.
Ông Phương diễn giải từ những ví dụ điển hình trong cuộc sống: Cuộc họp bắt đầu từ 9h nhưng giấy mời ghi từ 8h30 để "trừ hao" thời gian chuẩn bị, một nhóm bạn hẹn nhau đi ăn lúc 19h tối nhưng có người đến muộn cả tiếng... Thói lề mề, không đúng giờ thậm chí trở thành thói quen của một bộ phận dân cư, không kể thành phần xã hội, trình độ dân trí, tuổi tác. Điều đáng nói, nó được xã hội chấp thuận, thừa nhận như một lẽ đương nhiên. Bằng chứng là những người sai hẹn nhưng vẫn có thể được bỏ qua, thông cảm và cứ thế mà... sai hẹn hết lần này đến lần khác.
Còn PGS.TS Ngô Văn Giá, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thì kể: Trước, tôi có đọc được một thông tin rằng các sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở phương Tây như Nga, Đức, Mỹ, Pháp... tưởng rằng sống mười năm, hai mươi năm ở đó thì họ đã có được tác phong công nghiệp, nhưng không phải, người Việt vẫn cứ lề mề, vẫn cao su thời gian, không đúng giờ trong các cuộc họp, hội nghị, buổi gặp mặt... Rõ ràng, đó là căn tính (tính gốc) của người Việt rồi.
Không quý thời gian vì tính giờ theo canh
Cắt nghĩa cho việc vì sao người Việt lề mề, không đúng giờ, PGS.TS Ngô Văn Giá lý giải: Căn nguyên đầu tiên là đời sống của văn minh nông nghiệp. Người Việt tính nhịp đi của vũ trụ theo mùa nên rất đủng đỉnh: "Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè...".
Ngay cả động tác tát nước cũng rất nhẹ nhàng: "Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi"... Nhịp điệu của nông nghiệp là thong dong, chậm rãi, phía trước không ai chờ, phía sau không ai thúc. Thành thử ra việc đo, cảm nhận thời gian theo mùa (với những người đánh cá là mùa con nước, người làm ngư nghiệp là mùa trăng, còn người miền núi là mùa rẫy) nên với người Việt, thời gian rất dài và không có gì phải vội cả. Chính vì cảm thức thời gian theo mùa nên con người đủng đỉnh là tất yếu, là cái gốc, trở thành tâm thức bám rễ vô cùng sâu xa và bền bỉ trong tính cách người Việt.
Khi tiếp cận văn hóa phương Tây, có hai chuyện quan trọng nhất được du nạp là ý thức cá nhân và đô thị hóa. Mà đã là ý thức cá nhân và đô thị hóa thì không có chỗ cho sự lề mề. Phải cho đến tận những năm 30 của thế kỷ XX, người Việt mới lần đầu tiên biết đo thời gian bằng giây, bằng phút: "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm". Nhưng số người có được cảm thức này rất nhỏ nên không thể kéo cả xã hội đi theo nhịp ấy được, nên sức trì kéo của truyền thống và sức trì kéo phần lớn của cảm thức nông nghiệp vẫn còn duy trì đến hôm nay và chưa khắc phục được là bao.
ThS Trần Văn Phương phân tích thêm: Chính vì tập quán sản xuất nông nghiệp mà người Việt tính thời gian theo canh khắc, tiếng gà, bóng nắng, theo mùa, theo buổi chứ không thể chính xác như phương Tây khi họ nghĩ ra chiếc đồng hồ đo chính xác giờ, phút, giây. Đó là lý do để người Việt sử dụng thời gian mang tính ước lượng, bê trễ, không đúng giờ, không biết quý trọng từng phút thời gian.
PGS.TS Ngô Văn Giá: Người Việt lề mề, không đúng giờ vì tính trách nhiệm kém.
Không đúng giờ vì tính trách nhiệm kém
Một nguyên nhân khác dẫn đến tính lề mề của người Việt được PGS.TS Ngô Văn Giá chỉ ra là có nguồn gốc từ chính thời bao cấp. Ông phân tích: "Thời đó, cái gì cũng vào hợp tác xã nên người ta có tâm lý dựa dẫm và ỷ lại, không ai có trách nhiệm vào việc mình tham gia vì cái gì cũng của tập thể. Vì thế nó rơi vào tình trạng gian dối, kẻng báo đến giờ thì đủng đỉnh mà đi, hết giờ về, làm thì qua loa chiếu lệ, "rong công, phóng điểm". Tất cả những cái đó chính là đồng lõa với nhịp điệu nông nghiệp truyền đời từ xưa đến nay, nó níu kéo làm người Việt Nam lề mề, chậm chạp, không có trách nhiệm với công việc của mình.
Bởi nếu có trách nhiệm thì người ta phải làm cho kỳ được, cho tốt hơn và đương nhiên, họ cần thời gian, biết quý trọng thời gian chứ. Nhưng đằng này thời bao cấp càng làm cho thói lề mề thêm nặng nề. Cái đáng lo là cả xã hội như vậy nên họ dễ dàng chấp thuận, bỏ qua cho những ai sai hẹn. Còn nếu người nào đúng hẹn, nhanh nhẹn có nghĩa là đi ngược lại với số đông, sẽ bị cho là... không bình thường.
Cũng vì thiếu trách nhiệm nên ở Việt Nam có thói quen là khi nhận được lời mời, giấy mời của ai thì không bao giờ người ta xác nhận lại thông tin. Thành thử người mời thì không thể biết được rằng khách có đến hay không, thậm chí là có đến nhưng đến muộn hơn bình thường. Rõ ràng, trách nhiệm đối với bản thân và trách nhiệm đối với người khác của người Việt là không cao".
Lý giải nguyên nhân của việc người Việt không có tính trách nhiệm cao, PGS.TS Ngô Văn Giá cho rằng, đó là do ảnh hưởng của văn hóa làng, tính bản vị cục bộ theo kiểu làng tôi hơn làng anh, con gà tức nhau tiếng gáy. Ý thức cá nhân (là sự tự ý thức về mình và có trách nhiệm đối với cộng đồng) của người Việt chưa phát triển. Người ta chỉ nghiêng về phía đòi hỏi người khác chứ không có ý thức đòi hỏi về mình, yêu cầu người khác phải thế này thế nọ nhưng với mình thì lại có sự dễ dãi. Vậy thì làm sao mong sự phát triển được. Đó là nguyên nhân của việc người Việt không đúng hẹn, lề mề.
Hậu quả của tính lề mề, không biết quý trọng thời gian được các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng thật khó để đo đếm. Chỉ biết rằng, trong bối cảnh hội nhập thì nó ảnh hưởng đến không chỉ thanh danh cá nhân mà còn là thanh danh của cả dân tộc.
Theo ThS Trần Văn Phương thì hiện nay, nhiều người tiếp cận với văn minh đô thị, họ đã dần từ bỏ được thói lề mề này nhưng số lượng đó vẫn chưa đủ để tạo ra sự thay đổi cho cả xã hội. Đó phải là một quá trình lâu dài, bền bỉ và đương nhiên, sẽ có những cái giá phải trả cho sự lề mề, không đúng giờ này. Cái giá ấy là nhãn tiền, như việc đứa trẻ nói dối khi đi học muộn vì sự lề mề của cha mẹ hoặc của chính nó, lâu dần sẽ tạo thành thói quen để không dám sống thật với mình...
"Có hai điều tôi cảm thấy rất xấu hổ. Ấy là ngày ở Mát-xcơ-va, khi làm thủ tục tại sân bay, trong khi các cửa dành cho các quốc tịch khác xếp hàng ngăn nắp, trật tự thì cửa dành cho người Việt rất nhốn nháo, lộn xộn. Thứ hai là khi đi máy bay, nhiều người không tắt điện thoại, khi máy bay vừa đáp xuống thì đã mở điện thoại nói oang oang. Đó là thói tùy tiện, thiếu trách nhiệm với người xung quanh.
PGS.TS Ngô Văn Giá
Theo