Thứ sáu 19/04/2024 09:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vùng Đông Nam bộ: Dân khốn đốn vì nạn lừa đảo dự án đất nền

14:29 | 05/03/2020

Ít nhất, 6 vụ án liên quan tới các dự án đất nền “ma” bị nhiều khách hàng tố cáo và cơ quan chức năng các địa phương vào cuộc trong vòng 2 năm trở lại đây. Những địa phương xảy ra các vụ việc như TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều người lao vào những dự án “ma” vì thiếu hiểu biết và hám lợi; và cũng còn do chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thiếu can thiệp kịp thời...

vung dong nam bo dan khon don vi nan lua dao du an dat nen
Hiện trạng dự án Khu dân cư Đá Bạc - Châu Đức (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) mà phóng viên ghi nhận được. Ảnh: P.V

Chiêu bài nhu cầu đầu tư lớn, cơ hội sinh lợi cao

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), các dự án đất nền “ma” tập trung nhiều tại TPHCM và một số tỉnh Đông Nam bộ như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương trước hết vì nhu cầu đất nền tại khu vực này rất lớn. Thị trường có nhu cầu thì tất yếu dẫn đến nguồn cung. Tuy nhiên theo ông, nhu cầu mua để ở thực sự chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là mua để đầu tư, lướt sóng. Yếu tố tác động thứ hai là qui hoạch hạ tầng kéo theo sự kì vọng dẫn đến các cơn sốt đất nền. Đơn cử dự án sân bay Long Thành, nhà đầu tư kỳ vọng dẫn đến bao đợt sốt đất nền tại khu vực xung quanh. Mặt khác theo ông Châu, những nghiên cứu từ nhiều quốc gia cho thấy, đất đai cách trung tâm thành phố lớn và kinh tế sôi động như TPHCM với các cự ly 15km - 20 - 30 - 50km… đều có những tiềm năng nhất định về đầu tư sinh lợi.

Dưới góc nhìn của một luật sư, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - cho rằng, người dân ở khu vực Đông Nam Bộ có điều kiện kinh tế, việc tham gia kinh doanh bất động sản cũng mang đến lợi nhuận lớn, không ít người giàu lên nhờ buôn bán đất đai cho nên rất dễ tạo ra những cơn sốt đất. Theo dõi thông tin về một số dự án đất nền “ma” trong thời gian qua, luật sư Hậu phân tích rằng, những dự án có yếu tố lừa đảo này luôn chọn những thời điểm đang có nhu cầu cao, thậm chí xảy ra cơn sốt và cùng với đó vẽ ra những tiềm năng tươi đẹp đồng thời áp dụng chiêu thức kinh doanh cam kết lợi nhuận rất hời cho những người mua ban đầu.

Nhà đầu tư hám lợi, địa phương buông lỏng…

Trong các vụ án liên quan đến dự án đất nền “ma”, vụ việc bị lật tẩy sau khi đã có rất nhiều khách hàng, nhà đầu tư trở thành nạn nhân của những Cty bất động sản có dấu hiệu lừa đảo, từ địa ốc Alibaba (TPHCM, BR-VT), địa ốc Bình Dương City Land (Bình Dương), Angel Lina (TPHCM) cho đến Hoàng Kim Land (TPHCM), Hưng Thịnh Phát (Phan Thiết), địa ốc Hưng Phú (BR-VT)… Một chiêu thức quen thuộc của những doanh nghiệp địa ốc dạng này được ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Văn phòng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khu vực miền Nam - cho biết: “Họ thường tổ chức mạng lưới nhân viên sale, môi giới riêng tuy nhiên cũng có huy động thêm những người thân quen, bạn bè... đến tham gia các sự kiện để tạo hiệu ứng đám đông nhằm gây tiếng vang”.

Theo ông Hùng, nhiều nhà đầu tư lao vào những dự án “ma” vì thiếu hiểu biết và hám lợi song cũng phải thấy rằng, nhiều vụ việc kéo dài từ năm này sang năm khác phương thức kinh doanh đất nền “ma” như kiểu đa cấp và số nạn nhân lên đến hàng ngàn… còn có phần nguyên nhân do chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng can thiệp chưa kịp thời. Từ đó, các doanh nghiệp trên cứ làm tới và khách hàng lại càng lao vào “giao trứng cho ác”.

Luật sư Hậu phân tích, sự hám lợi nhưng lại không tìm hiểu rõ pháp lý của dự án, không am tường luật pháp về đất đai đã khiến hàng ngàn nhà đầu tư trở thành “vật thế thân” cho những người mua trước đó muốn thoát ra đồng thời cũng kiếm được lợi nhuận. Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Hậu cho rằng, hiện các thông tin công bố về quy hoạch, thông tin cảnh báo từ phía chính quyền địa phương còn ít, chưa thường xuyên và kịp thời. Người dân càng mù tịt về thông tin quy hoạch, tình trạng pháp lý của dự án thì càng dễ gặp rủi ro trong đầu tư đất nền.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM: “Tôi đã đọc nhiều hợp đồng do các khách hàng của những dự án “ma” mang tới và thấy rằng, những doanh nghiệp có yếu tố lừa đảo đã lách luật kinh doanh bất động sản và vin vào Luật Dân sự để soạn ra các hợp đồng như hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng hứa mua hứa bán. Trong khi đó, người dân thì không hiểu rõ, đến khi có trục trặc xảy ra thì mới hỡi ôi tất cả những loại hợp đồng đó đều bị vô hiệu vì dự án “ma” vi phạm pháp luật, thành ra nhà đầu tư “tiền mất tật mang”. Theo tôi, vấn đề pháp lý của những loại hợp đồng này cần phải điều chỉnh để hoàn thiện theo hướng chặt chẽ để bảo vệ khách hàng”. Thế Lâm (ghi)

Theo THẾ LÂM/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load