(Xây dựng) - Vụ thảm sát 4 người ở bản Phồng (xã Tam Hợp, Tương Dương,Nghệ An) đã dần đến hồi kết. Cái ác sẽ phải trả giá một cách nghiêm minh trước pháp luật để cuộc sống trở về bình yên như vốn có…Thế nhưng câu hỏi vì sao một thanh niên người dân tộc thiểu số vẫn được bà con dân bản đánh giá là ngoan, hiền lại nỡ ra tay thực hiện tội ác đến tận cùng một cách man rợ như thế đã thôi thúc chúng tôi ngược rừng trở lại…
Xa xôi Tam Hợp
Từ TP Vinh, ngược Quốc lộ 7A khoảng 200km, thị trấn Hòa Bình, thủ phủ của huyện Tương Dương đã thấp thoáng hiện ra trước mắt.
Những cơn mưa rừng đầu mùa khiến cho con đường độc đạo nối thị trấn Hòa Bình vào xã Tam Hợp trở nên khó đi và nguy hiểm. Quãng đường từ thị trấn vào đến Tam Hợp là 27km, trong đó có 10km đường nhựa là Quốc lộ 7A, còn lại 17 km phải hoàn toàn cắt rừng. 17km thôi, nhưng để vào được xã Tam Hợp, phải đi mất gần 2 tiếng đồng hồ.
Nhà của gia đình Vi Văn Hai.
Đường vào Tam Hợp trước đây chỉ là con đường mòn do người dân và thú rừng đi lại mà thành. Mãi sau này, khi cánh buôn gỗ từ Lào về qua cửa khẩu phụ Tam Hợp-Viêng thoong (Lào) phát hiện ra đây là con đường ngắn nhất để đưa gỗ về xuôi, thì đường đã được đắp bồi và mở rộng ra để phục vụ cho hàng trăm chuyến xe Ca-Mát. Và cũng từ đó, những cái chết, những vụ lật xe xuống vực sâu trên cung đường này vẫn là câu chuyện nóng hổi thách thức cánh tài xế.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ, chênh vênh đèo cao, vực thẳm, xe vượt qua những cánh rừng thấp thoáng lán trại “xàm năm” của dân bản để đưa chúng tôi vào đến trung tâm xã Tam Hợp.
Tam Hợp có 5 bản, 468 hộ, 2.142 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc anh em sinh sống là người Thái, người Mông và Tày Pọong. Cuộc sống bà con chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và nương rẫy, chăn nuôi trâu bò, lợn gà theo phong tục thả rông nên hiệu quả kinh tế không cao. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thế nhưng nhân dân Tam Hợp một lòng đoàn kết để xây dựng đời sống ngày một ấm no hơn. Các điểm trường được mở, học sinh được vận động bám lớp, giáo viên không quản ngại khó khăn để “cõng” cái chữ đến từng bản làng. Y tế cũng được chú trọng, công tác thăm khám, chữa bệnh cho bà con được chính quyền phối hợp với đồn Biên phòng thực hiện tốt.
Cuộc sống thường nhật của người dân bản Phồng
Cũng vì thế nên ở Tam Hợp, an ninh trật tự được đảm bảo, dân làng sống yên vui, hòa thuận. Anh Nguyễn Anh Minh, Chủ tịch UBND xã cho biết, những mâu thuẫn với nhau của người dân đều được hòa giải ở thôn bản. Tam Hợp từ trước đến nay không xảy ra án mạng hoặc đâm chém do thù oán cá nhân cho đến ngày xảy ra vụ thảm sát ở bản Phồng.
“Vi Văn Hai, nghi can gây ra vụ thảm sát được dân bản đánh giá là người có tính tình hiền lành, không gây gổ với ai, không nghiện ma túy, không nghiện rượu, thậm chí không hút thuốc”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, ông Lo Đình Núi cho biết thêm.
Tội ác không dung và nỗi đau người ở lại
Dù không muốn, cũng phải nhắc lại vụ thảm sát xảy ra vào ngày 2/7/2015 tại bản Phồng. Trong khi đi đánh cá, một người dân phát hiện racả nhà anh Lo Văn Thọ gồm 4 người là anh Thọ, bà Dương mẹ anh Thọ, chị Yến và cháu Chung là vợ và con trai anh Thọ bị giết chết, thi thể nằm rải rác quanh khu vực lán trại của gia đình.
Vụ án gây rúng động dư luận.17 ngày đêm băng rừng phá án, cơ quan chức năng đã truy bắt được nghi can gây ra vụ thảm sát. Một lần nữa dư luận lại bàng hoàng bởi nghi can không phải ai xa lạ, mà chính là Vi Văn Hai (còn gọi là Vi Văn Mằn), một thanh niên trong bản Phồng.
Theo chân cán bộ xã, chúng tôi có mặt tại bản Phồng khi cơn mưa rừng bắt đầu nặng hạt.
Những ngôi nhà nhỏ của người Tày Pọong nằm nép dưới tán cây bình yên hiện ra trước mắt.Dân bản và những đứa trẻ chơi đùa ven đường dường như đã quá quen với khách lạ kể từ khi xảy ra vụ thảm sát.
Ông Vi Văn Tiệp, bố của Vi Văn Hai
Con đường đất nhỏ lầy lội dẫn chúng tôi đến nhà của bị can Vi Văn Hai. Trong ngôi nhà bằng gỗ trống hoác tứ phía, ông Vi Văn Tiệp, cha của Vi Văn Hai đang thực hiện nghi lễ “cúng bàn thờ” của người Tày Pọong. Mẹ Vi Văn Hai, bà Vi Thị Thẩm ngồi đờ đẫn ở góc giường. Bên bếp lửa đã tàn, chị Vi Thị Nguyệt, vợ của bị can Hai đang bồng con gái mới 7 tháng tuổi có cái tên rất đẹp: Vi Mỹ Khánh.
Bằng thứ tiếng phổ thông bập bõm xen lẫn với tiếng Tày Pọong, ông Tiệp và bà Thẩm đau đớn nói về đứa con trai của mình. Trong gia đình 6 miệng ăn, Hai là lao động chính, là người lên rẫy kiếm tiền về nuôi cả nhà. Mùa nào thứ đó, hết mùa ong đến mùa săn thú, bắt tắc kè rồi theo đám bạn đi đốn gỗ thuê Vi Văn Hai đều không nề hà. Nhà nghèo, học đến hết lớp 5 thì Hai bỏ học. Năm ngoái Hai lấy vợ. Chị Vi Thị Nguyệt sinh năm 1994, hơn chồng 1 tuổi, cũng người bản Phồng. Đầu năm chị Nguyệt sinh cháu Khánh, căn nhà nhỏ tuy khó khăn nhưng luôn vang lên tiếng cười đùa.
Ông Tiệp cho biết, ông chính là người làm mối cho vợ chồng anh Thọ, chị Yến lấy nhau. Với người Tày Pọong, ông mối được coi trọng và xem như là người trong nhà, vì thế, Vi Văn Hai gọi anh Thọ chị Yến là anh chị. Hai nhà ở gần nhau, nên mối quan hệ càng gần gũi hơn.
Từ năm ngoái đến nay, gia đình ông Tiệp gặp phải nhiều điều không may mắn. Tháng 8/2014, con trâu to nhất bản Phồng của ông tự nhiên lăn đùng ra chết. Bán tống bán tháo, rồi vay mượn của bà con dân bản vợ chồng ông mua một con trâu khác để về làm ruộng. Mới mua được ba ngày, con trâu mới cũng chết nốt. Nhà còn mỗi con lợn và 1 con bò đang thả trong rừng. Một ngày con bò cũng bỏ đi mất…Bà Thẩm thở hắt: “Còn một con lợn đang ở ngoài lán. Từ khi thằng Hai bị bắt, cả nhà ốm liệt giường, không ai lên lán trại, có khi con lợn cũng chết nốt rồi…”.
Bà Vi Thị Thẩm, mẹ của Vi Văn Hai.
Người đàn bà già trước tuổi với vẻ mặt đau đớn luôn miệng hờ con. Trong mắt bà, Vi Văn Hai là đứa con siêng năng, hiền lành dễ bảo. Không rượu chè, không cờ bạc, không gây gỗ với ai, có ngờ đâu…“Thằng Hai hắn bị bắt đi rồi, tiền cũng theo hắn đi rồi, không có ai làm việc để nuôi vợ con hắn nữa…Cha mẹ thì sức yếu, em hắn thì còn nhỏ…!”, bà Thẩm nói xong nằm gục xuống góc giường.
Trong lòng mẹ, bé Vi Mỹ Khánh ngước đôi mắt tròn to lạ lẫm nhìn khách. Bé còn quá nhỏ để hiểu hết những giọt nước mắt đang chảy dài trên má người mẹ trẻ. Khi cơ quan chức năng tìm ra con dao gây án và đưa Vi Văn Hai ra Công an huyện để di lý xuống tỉnh phục vụ công tác điều tra, chị Vi Thị Nguyệt đã ngất xỉu vì đau đớn. Chị không tin là người chồng đầu ấp tay kề siêng năng thương vợ thương con lại gây ra tội ác tày trời như thế.Người vợ mới 20 tuổi đời thẫn thờ nhìn ra ngoài ô cửa nhỏ khi những đám mây rừng sà xuống, buông mịt mờ trênđỉnh núi ven bản.
Chị Vi Thị Nguyệt, vợ của Vi Văn Hai và con gái
Nhà của gia đình anh Lo Văn Thọ chỉ cách nhà Vi Văn Hai 3 ngôi nhà. Từ khi vợ con và cháu bị sát hại, ông Lo Văn Bình, cha của anh Thọ được bà con dân bản cất cho một ngôi nhà gỗ nhỏ gần người em trai để tiện bề chăm sóc. Ông Bình năm nay đã hơn 80 tuổi. Nỗi mất mát quá lớn phút chốc đè sập lên tấm thân già nua đơn chiếc. Anh Thọ là con trai duy nhất của gia đình, Thọ lấy vợ, chị Yến sinh được cháu Chung là con trai, ông bà mừng hơn bắt được vàng, đâu ngờ…Dù được người em dâu tận tình chăm sóc, thế nhưng tâm trí của ông Bình vẫn chưa trở lại bình thường. Ông thức trắng đêm, và khi chợp mắt được thì lại mơ thấy vợ con hiện về. “Ta thấy vợ về đứng trước giường, đầu không ngoảnh lại, ta hỏi thì không trả lời…Rồi mơ thấy con trai đầu trắng toát đang lội suối tìm thằng cháu Chung…” ông Lo Văn Bình đau xót kể lại.
Ông Lo Văn Bình
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, ông Lo Đình Núi cho biết, sau khi sự việc xảy ra, xã cũng đã có hỗ trợ cho chị Nguyệt, vợ của Vi Văn Hai số tiền 1 triệu đồng để nuôi con nhỏ. Riêng ông Lo Văn Bình, ngoài hỗ trợ của xã, lãnh đạo UBND huyện cũng đã quan tâm hỗ trợ tiền và chỉ đạo làm lại ngôi nhà cho ông Bình kiên cố hơn để ổn định cuộc sống.
Vĩ thanh
Chúng tôi rời bản Phồng, rời Tam Hợp với nhiều nỗi ưu tư trĩu nặng. Mưa vẫn rơi rả rích trên những tán rừng hoang lạnh…Phía sau, bản Phồng đã xa xôi hút mắt. Cái ác sớm muộn cũng phải trả giá để cuộc sống này bình yên hơn, thế nhưng những hệ lụy mà nó để lại thì nặng nề vô cùng. Vi Văn Hai kể từ khi vung con dao lênlà đã tự mình tước đi quyền được sống ấm êm, quyền được thương yêu bên cạnh người thân trong ngôi nhà của mình. Nhưng rồi cha mẹ, em trai, đặc biệt là người vợ trẻ mới 20 tuổi đờivà đứa con gái bé bỏng mới 7 tháng tuổi sẽ sống như thế nào trong quãng đời còn lại?
Nguyễn Anh Tuấn
Theo