- Đơn vị kiểm định xây dựng chưa nhận được yêu cầu trưng cầu giám định
- Quảng Bình: Sập mái hiên công trình, 2 người thương vong
(Xây dựng) - Vụ việc sập mái hiên trong quá trình đổ bê-tông công trình nhà ở tư nhân, làm 1 người chết và 1 người bị thương vào trưa 30/3 tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới, chủ đầu tư và UBND phường Nam Lý đã không lập báo cáo hiện trạng sự cố, gửi đến cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong vòng 24h. Chỉ khi báo chí phản ánh trực tiếp cho chính quyền thành phố, sự việc mới được biết đến.
Nơi xảy ra sự cố và vị trí nạn nhân bị tử vong.
Vẫn chưa nhận được báo cáo sự cố
Lãnh đạo UBND TP Đồng Hới cho hay: "Tính đến thời điểm này (chiều 01/4), chúng tôi chưa nhận được thông tin hay báo cáo sự cố sập công trình nào từ phía UBND phường Nam Lý và chủ đầu tư công trình nhà ở trên đề cập đến vụ tai nạn lao động xảy ra trưa 30/3 tại số nhà 15, ngõ 43, đường Tôn Đức Thắng. Chỉ khi phóng viên phản ánh trực tiếp thì UBND TP Đồng Hới mới biết đến. Chúng tôi đã lập tức chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị xác minh, qua đó xác nhận đúng là có sự vụ. Mức độ sự cố nghiêm trọng vì đã có thợ tử vong cho thấy công tác quản lý Nhà nước cấp cơ sở còn chỗ trống và thiếu sót".
Chủ đầu tư công trình nhà ở này là ông Hồ Trọng Sơn (thường trú tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), được phép thi công công trình với tổng diện tích sàn là 257,6m2, theo giấy phép xây dựng số 110/GPXD do UBND TP Đồng Hới cấp. Khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư đã không thông báo đến UBND phường Nam Lý kịp thời vì lúc này trụ sở UBND phường đóng cửa, nghỉ ngày thứ 7.
Trưa ngày 01/4, ông Hoàng Ngọc Đan - Phó Chủ tịch UBND TP Đồng Hới đã chỉ đạo trực tiếp đối với UBND phường Nam Lý về việc xử lý sự cố công trình sau cấp phép. Giao Phó Chủ tịch phường Nam Lý chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý đô thị tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã đến UBND phường Nam Lý để nắm bắt sự việc. Ông Tưởng Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND phường (phụ trách lĩnh vực xây dựng) thông tin: Công trình nhà ở này được cấp phép xây dựng ngày 30/01/2019, tiến hành xây dựng mới. Trong quá trình thi công, nhóm thợ đổ ban công vào lúc 11h30 ngày 30/3, thì sự cố công trình đã xảy ra; làm anh thợ điện nước Lê Quang Hiếu (SN 1975, trú tại xã Đồng Sơn, TP Đồng Hới) tử nạn, cùng đó, một thợ xây tên Tài (SN 1964) bị vùi ép trong khối bê-tông, đã được cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế, đang có dấu hiệu hồi phục. Về phía chính quyền phường Nam Lý, chỉ đến 18h cùng ngày mới nhận được tin báo từ chủ đầu tư về vụ tai nạn.
UBND phường Nam Lý đang khẩn trương lập báo cáo hiện trạng sự cố.
Cùng đó, phường Nam Lý cũng thừa nhận đã không báo cáo cho lãnh đạo UBND TP Đồng Hới. Tính đến nay, đã hơn 48 tiếng sau sự cố công trình, bản báo cáo sự cố công trình đang khẩn trương được lập để trình lãnh đạo TP Đồng Hới và Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình.
Như vậy, chính quyền cơ sở đã chậm chạp trong việc thực hiện Điều 23, báo cáo nhanh sự cố công trình xây dựng tại Thông tư 26/2016/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Mất an toàn lao động
Khi được đề nghị đánh giá mức độ vi phạm vụ việc, ông Nguyễn Quốc Tăng - Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Đồng Hới cho biết: Chủ đầu tư và UBND phường Nam Lý đã vi phạm Điều 47, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý và bảo trì chất lượng công trình, tại Điểm 1 và Điểm 2, Điều 47: Báo cáo sự cố công trình xây dựng:
Cụ thể: Ngay sau khi xảy ra sự cố, bằng phương pháp nhanh nhất chủ đầu tư phải báo cáo tóm tắt về sự cố cho UBND cấp xã nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình, UBND cấp xã ngay sau khi nhận được thông tin phải báo cáo cho UBND cấp huyện và cấp tỉnh về sự cố.
Trong vòng 24h kể từ khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư báo cáo về sự cố bằng văn bản tới UBND cấp huyện và UBND cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố. Đối với tất cả các loại sự cố, nếu có thiệt hại về người thì chủ đầu tư gửi báo cáo cho Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Hiện Phòng Quản lý đô thị đang đợi UBND phường gửi hồ sơ báo cáo hiện trạng sự cố. Tuy vậy, theo giám sát và nắm bắt, cho thấy nguyên nhân gây ra vụ tai nạn này xuất phát từ việc sập hệ thống giàn giáo khi ban công đang được đổ bê-tông, gây mất an toàn lao động. Hơn nữa, sự vụ diễn ra vào trưa ngày thứ 7 nên việc thông báo từ địa phương đã chậm trễ, nếu không được phản ánh trực tiếp, có thể vụ việc đã bị “ỉm” thông tin.
Sự cố công trình gây tai nạn lao động là những rủi ro không mong muốn trong ngành xây lắp, việc mất an toàn lao động đồng nghĩa với đau thương, mất mát cho đội thợ thi công. Công trình nhà ở này hiện đã được UBND phường Nam Lý yêu cầu tạm dừng thi công để xử lý sự cố, làm rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu thi công.
Tuy vậy, sự bất thường này của chủ đầu tư tạo áp lực cho chính quyền địa phương, đồng thời gây ra khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan ngôn luận trong việc nắm bắt sự vụ…
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Nhất Linh
Theo