Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2013 chiều 29/3, Người phát ngôn của Chính phủ , Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giải đáp nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam trả lời các câu hỏi của báo chí.
Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã điểm lại các nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013 diễn ra từ ngày 28 -29/3, trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, các định hướng điều hành trong thời gian tới.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Điều đáng mừng, đúng như chúng ta định hướng, quyết tâm từ năm ngoái là làm sao năm nay, tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn. Qua 3 tháng, dù có nhiều khó khăn, đặc biệt có nghỉ tết dài, tăng trưởng đã cao hơn cùng kỳ năm trước, 4,89% so với 4,75%. Tuy rằng, mức tăng cao hơn không nhiều nhưng lạm phát đã được kiềm chế, quý I CPI thấp hơn so với cùng kỳ.
Điều đó đúng như dự báo tình hình có tốt hơn nhưng mức độ không nhiều, nếu chúng ta không quyết tâm mạnh mẽ hơn, thì chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm sẽ không dễ dàng.
Mặc dù, GDP tăng nhưng theo dõi kỹ bảng cân đối thì sản xuất nông nghiệp và công nghiệp thấp hơn cùng kỳ, dịch vụ tăng cao hơn. Đáng lưu ý, nông nghiệp, từ mấy năm nay là chỗ dựa vững chắc, thì bây giờ bắt đầu bộc lộ nhiều khó khăn, có khó khăn do thời tiết, do thị trường; công nghiệp, xây dựng cũng tương tự. Tong bức tranh tốt chúng ta phải nhìn ra những điểm hạn chế để chú ý trong điều hành.
Tín hiệu đáng mừng nữa là xuất khẩu vẫn tăng, năm ngoái xuất khẩu tăng chủ yếu là khối đầu tư nước ngoài, còn khối doanh nghiệp trong nước không những không tăng mà thậm chí còn giảm, nhưng quý I vừa qua cho thấy kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã có tăng trưởng. Cộng thêm với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp năm ngoái phải dừng hoạt động do khó khăn thì năm nay qua theo dõi, qua nộp thuế thì trên 60% đã quay trở lại hoạt động. Nhưng cũng có điều đáng lo là số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng không nhiều, số lượng doanh nghiệp mới lâm vào khó khăn, đình trệ sản xuất còn lớn. Nhìn tổng thể lại chúng ta có những tín hiệu mừng xen lẫn những bất cập, đòi hỏi chúng ta phải rất nỗ lực.
Điều hành trong năm tiếp tục bám sát mục tiêu đề ra, chúng ta không thể chủ quan với điều hành tiền tệ, tài khoá, giá cả bởi lạm phát luôn có nguy cơ tăng nhanh trở lại. Đặc biệt là liên quan đến điều hành một số chính sách về giá.
Chính phủ đã thảo luận, thống nhất giao cho các bộ, ngành tiếp tục để kỳ tới đây sẽ có những giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ hơn về thuế. Chúng ta có Nghị quyết 02, đã ra một số chính sách giảm, giãn, miễn một số sắc thuế.
Chính phủ tiếp tục giao các bộ, ngành, tiếp tục nghiên cứu các biện pháp tháo gỡ khó khăn như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT, vừa bảo đảm cân đối ngân sách, không để tăng thâm thủng ngân sách nhưng cơ bản nhất là phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, không chỉ ngay lúc khó khăn này mà cả môi trường đầu tư kinh doanh nói chung của Việt Nam.
Về tiền tệ, tín dụng, qua quá trình kiên trì thực hiện các giải pháp đồng bộ về kiềm chế lạm phát, chúng ta có cơ sở yêu cầu các ngân hàng giảm tiếp lãi suất. Chính phủ đã thảo luận và kiên định mục tiêu này làm sao để lạm phát về mức bình thường để chi phí vốn cho doanh nghiệp ở mức bình thường. Tất nhiên chi phí vốn chỉ là một phần trong chi phí nhưng chúng ta rất khó cạnh tranh nếu doanh nghiệp nước ngoài chỉ chịu lãi suất vốn 5-6% trong khi chúng ta chịu lãi suất vốn mười mấy phần trăm thậm chí 20%.
Chính phủ nhấn mạnh NHNN không chỉ hạ lãi suất huy động mà điều quan trọng cuối cùng là lãi suất cho vay. Đồng bộ với các giải pháp đó, làm sao không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mà quan trọng hơn là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn không chỉ năm nay mà từ nay về sau. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế, để tái cơ cấu đi vào từng doanh nghiệp, từng địa bàn, từng chính sách cụ thể.
Chính phủ cũng bàn về đề án thành lập công ty quản lý tài sản của NHNN, đây là một trong nhiều công cụ giải quyết nhanh nợ xấu. Qua quá trình thảo luận, Chính phủ tiếp tục giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với NHNN làm rõ thêm một số vấn đề. Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua về nguyên tắc nhưng còn nhiều quy định cụ thể chưa tạo được lòng tin của ngay trong các thành viên Chính phủ rằng khi đề án này được phê duyệt, nghị định được ban hành, công ty này ra đời thì nợ xấu của doanh nghiệp sẽ được giải quyết. Theo dự thảo đề án, hiện mới nằm ở mức xử lý nợ giữa các ngân hàng nên các Bộ phải làm việc tiếp với NHNN. Và Chính phủ giao cho các bộ làm việc tích cực để nghị định về công ty này sớm được ban hành để góp phần xử lý nợ.
Tuy nhiên, không chỉ chờ công ty này ra đời thì nợ mới được xử lý mà hiện vẫn đang được xử lý, và cũng không thể mong rằng công ty này ra đời thì tất cả nợ sẽ được xử lý ngay. Đây cũng chỉ là một trong các giải pháp góp phần xử lý nợ xấu.
Sau đó, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của báo chí
PV Minh Hường, VTV: Theo thông cáo báo chí của Bộ Tài chính hôm qua về điều chỉnh giá xăng dầu, liên Bộ cho biết giá trong nước đang thấp hơn các nước từ 2.000-5.000 đồng một lít. Nhiều người cho rằng, đó là lý do để Chính phủ cho điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều người dân băn khoăn phải chăng cơ quan chức năng không kiểm soát được buôn lậu xăng dầu nên đẩy việc tăng giá xăng dầu lên người dân hay không?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Chúng ta đã nhiều lần bàn về giá xăng dầu. Hiện các Bộ đang điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84- quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục… để điều chỉnh tăng hay giảm giá xăng dầu. Hôm qua liên Bộ đã thống nhất điều chỉnh theo tinh thần Nghị định này và có thông cáo gửi báo chí. Tôi thấy có một lý do là giá xăng dầu thấp hơn các nước có cùng biên giới. Nhưng đó chỉ là một dẫn chiếu để thấy giá bán xăng dầu tại Việt Nam đang thấp hơn giá cơ sở và thấp hơn các nước, không phải lý do chính tăng giá xăng dầu. Đương nhiên khi giá thấp hơn các nước thì tình trạng buôn lậu xăng dầu sẽ tăng và cơ quan chức năng sẽ phải tích cực chống buôn lậu.
Lý do chính là giá thấp hơn giá cơ sở, nếu duy trì giá cũ thì quỹ bình ổn giá sử dụng hết, không còn công cụ nào hỗ trợ, chỉ còn cách lấy ngân sách để bù, nhưng chúng ta đã thống nhất nguyên tắc là không thể bao cấp mãi giá các mặt hàng thiết yếu mà phải dần tiến tới theo thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tôi xin chia sẻ thêm, hôm nay là ngày 29/3, cách đây hơn 1 tháng, ở thời điểm cuối tháng 2, rất nhiều báo đã rút tít: Không thể không tăng giá xăng dầu. Lúc đó, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập một cuộc họp, mặc dù Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có đủ căn cứ và sự cần thiết để tăng giá xăng dầu nhưng để phục vụ bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và quan trọng là không gây thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng đã quyết định chưa tăng giá. Đến nay, trước tình hình quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết khả năng, mặc dù giá xăng dầu thế giới có đi xuống nhưng giá bán xăng dầu vẫn thấp hơn nên cần điều chỉnh. Tôi nhắc lại: không phải vì chống buôn lậu mà tăng giá xăng.
Tôi xin nói thêm, giá xăng thế giới tăng giảm ngoài lý do biến động chính trị bất thường thì cũng có quy luật. Ngay tại cuộc họp tháng trước, các Bộ đã dự liệu từ giữa tháng 3 trở đi, khi thời tiết qua mùa đông, giá xăng dầu sẽ không tăng cao nữa, nếu không cho tăng ở thời điểm giá xăng dầu thế giới đang đỉnh điểm mà đợi khi giá xăng dầu thế giới có biểu hiện đi xuống mới tăng thì truyền thông có thể sẽ suy diễn không đúng do không hiểu hết. Báo chí nên tìm hiểu kỹ để tuyên truyền đúng. Điều quan trọng nhất là phải công khai minh bạch tất cả các yếu tố, quỹ bình ổn có bao nhiêu, từng doanh nghiệp sử dụng bao nhiêu, giá nhập khẩu, giá thế giới là bao nhiêu... Liên Bộ đã báo cáo Chính phủ rằng về cơ bản các thông tin đó đã được công khai. Tại cuộc họp báo hôm nay có đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, đề nghị các Bộ kiểm soát chặt chẽ việc công khai mọi yếu tố cho nhân dân được biết.
Chính phủ khẳng định: Điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định, bảo đảm an ninh năng lượng và vì lợi ích chung của nền kinh tế xã hội, của đất nước chứ không vì lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
PV Nghĩa Nhân, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh: Khi liên Bộ quyết định tăng giá có nhiều ý kiến cho rằng tăng giá quá cao, cao nhất trong những lần tăng giá, phải chăng đây là sự điều hành giật cục, kìm hãm quá dài rồi tăng quá cao. Trong phiên họp, Chính phủ có thảo luận về vấn đề này hay không?
Thứ hai về vấn đề xử lý xe không chính chủ, liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng tạm dừng xử phạt. Gần đây Bộ Công an ban hành Thông tư 11 và 12, một là hướng dẫn xử phạt trong vi phạm giao thông trong đó có hành vi không sang tên đổi chủ, hai là hướng dẫn đăng ký xe cho thuận tiện hơn, và Bộ Tài chính cũng có Thông tư về giảm lệ phí trước bạ. Vấn đề báo chí nêu lên là một Thông tư thủ tục đăng ký xe tương đối mở, thời hạn đến cuối năm 2014 mới kết thúc trong khi nội dung Thông tư cũng quy định xử phạt ngay trong khi đăng ký lại xe, nếu phát hiện xe không chính chủ. Bất cập là vừa nới ra lại dùng biện pháp xử phạt để siết vào, như vậy có ổn không?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Về xăng dầu, như tôi nói ban đầu, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84, liên Bộ được trao thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định rất nghiêm ngặt. Nếu theo quy định của Nghị định thì từ tháng trước, giá xăng đã tăng. Còn biên độ tăng lớn hay giật cục hay không thì Bộ Tài chính sẽ giải đáp cụ thể hơn để các nhà báo thấy rõ.
Một thời gian dài, chúng ta bao cấp nhưng hiện điều chỉnh theo lộ trình giá thế giới, trừ một vài nước đặc biệt, còn lại cơ bản theo giá thị trường. Khi đó, chúng ta điều hành hoàn toàn theo giá thị trường thì lúc giá thế giới lên thì chúng ta tăng, lúc giá thế giới xuống thì chúng ta giảm.
Khi giá giảm thì mọi người vui vẻ nhưng nếu giá tăng thì sẽ phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, đến sản xuất. Do đó, Chính phủ mới đưa ra những giải pháp điều hành giá tiến dần đến giá thị trường.
Đối với câu hỏi thứ hai, từ năm 1995, xuất phát từ điều lệ an toàn giao thông đường bộ, chúng ta đã quy định việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông nếu phương tiện không phải là chính chủ. Tới năm 2005, có nhận thức lại là vẫn phải quy định nghĩa vụ đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đối với những động sản theo quy định Bộ luật dân sự, mà Bộ luật dân sự quy định những động sản phải đăng ký biển số quốc gia. Chúng ta nhận thức lại phải chuyển đối tượng xử phạt sang chủ phương tiện.
Cách đây mấy tháng khi Nghị định 71 ra đời, báo chí góp ý rất nhiều, mới thấy rằng bản thân Nghị định vẫn theo đúng tinh thần đó nhưng lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn không đúng tinh thần như vậy, xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông về nguồn gốc phương tiện giao thông mà mình đang điều khiển và việc đó đã được chấn chỉnh. Có nghĩa việc quy định các phương tiện giao thông cơ giới, cụ thể là ô tô, xe máy (phương tiện tác động nhiều đến người dân) được quy định bởi Bộ luật dân sự là cần thiết. Đây là tài sản có giá trị nên giúp người dân bảo vệ quyền sở hữu chính đáng của mình thì phải đăng ký.
Thứ hai, phương tiện giao thông là nguồn gây hậu quả liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Phương tiện giao thông có thể là phương tiện thực hiện các hành vi phạm tội khác nên phải đăng ký, nhưng từng thời kỳ thì khác nhau. Trước đây xe đạp phải đăng ký nhưng sau đó đã bãi bỏ, có thể đến lúc nào đó chúng ta sẽ quy định lại.
Khi cần đăng ký chính chủ thì đương nhiên phải đi kèm với chế tài xử phạt và việc xử phạt vi phạm phải đúng đối tượng là phải xử phạt chủ phương tiện chứ không phải người điều khiển.
Thứ hai việc xử phạt đó có thể nằm trong Nghị định này, Thông tư kia, tùy từng lúc, từng nơi nhưng phải được quy định trong hệ thống pháp luật. Chính phủ chỉ đạo điều quan trọng nhất Bộ Công an, Bộ Tài chính phải có biện pháp cụ thể để giải quyết thực trạng nhiều năm nay chúng ta buông lỏng quản lý lĩnh vực này.
Theo thông tin chưa đầy đủ, chúng ta có trên 10 triệu xe máy không chính chủ do rất nhiều quy định bất cập trước đây và bây giờ chúng ta phải có giải pháp để tạo điều kiện cho người dân khắc phục những lỗi này, mà những lỗi này do hai phía, trong đó, có một phía do quy định của chính chúng ta.
Bộ Tài chính, Bộ Công an đã có những đề xuất từ ý kiến nhân dân, báo chí, như giảm phí, thuế khi đăng ký lại, hay đơn giản hóa thủ tục. Nhưng để thực hiện đối với cả chục triệu phương tiện thì cần có thời gian. Tuy nhiên, cũng phải có chế tài, đặc biệt phải tuyên truyền để những phương tiện mới, những lỗi mới không tái phạm.
Báo chí cần phân tích để người dân đồng thuận, cùng thực hiện chủ trương. Chúng ta phải thực hiện quy định nhưng tuyệt đối không được gây khó khăn cho nhân dân.
Chúng tôi được biết sau khi báo chí nêu, lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đã có trao đổi, hai Bộ đang tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi và khi hai Bộ trình lên, Chính phủ sẽ xem xét với tinh thần là quản lý tốt xã hội nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khắc phục tồn tại trong nhiều năm trước đây.
Hiện dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến nhân dân. Báo chí có rất nhiều bài phân tích. Những ý kiến đó sẽ được trân trọng tiếp thu.
Tôi xin nói rõ có một phần do phía người dân nhưng cũng có một phần do chính sách của Nhà nước.
Phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc họp báo.
PV Nghĩa Nhân: Tôi muốn nói rõ hơn, khi phát sinh những vướng mắc trong xử phạt xe không chính chủ, Thủ tướng có chỉ đạo tạm dừng nội dung xử phạt và yêu cầu các Bộ ra thông tư gỡ vướng. Nhưng trong thời gian gỡ vướng, từ nay đến hết năm 2014 thì vẫn có thể áp dụng Thông tư vừa ban hành là xử phạt khi phát hiện vi phạm trong quá trình đăng ký lại. Ở đây dẫn tới việc chúng ta đang cố gắng thuyết phục người dân đăng ký lại, nhưng cũng đồng thời chúng ta giơ một cái gậy ra để nói rằng nếu phát hiện ra vi phạm chúng tôi sẽ phạt, như vậy nghe có vẻ không ổn lắm?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Đương nhiên là không ổn lắm khi có hơn 10 triệu phương tiện giao thông đang vi phạm (quy định về đăng ký sở hữu phương tiện). Chúng ta phải tính giải pháp sao cho không phải một lúc xử lý hết ngay các vi phạm mà mọi người dân phải có ý thức chuyển đổi sở hữu phương tiện. Quan điểm của Chính phủ là như vậy và Bộ Công an đã dừng ngay việc dừng phương tiện giao thông để kiểm tra xe chính chủ. Đối với các điểm đăng ký xe, Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra xem xe có chính chủ hay không.
Theo chúng tôi, Bộ Công an cần thiết phải có biện pháp nhắc nhở đi kèm với chế tài. Văn phòng Chính phủ đã chuyển thông tin báo chí nêu tới Bộ Công an để nghiên cứu, chỉ đạo các lực lượng chức năng. Lãnh đạo Bộ Công an cũng khẳng định quán triệt tinh thần như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là chúng ta vừa ra những chế tài để hướng người dân khắc phục tồn tại, đồng thời không để phát sinh những lỗi mới và tạo điều kiện để người dân đăng ký.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu thủ tục thuận lợi, chi phí không đáng kể thì ai cũng muốn đăng ký phương tiện thuộc sở hữu của mình, nhưng khó là rất nhiều phương tiện qua tay nhiều chủ. Điều này đòi hỏi phải có quá trình xử lý nhưng quan trọng là để làm sao không tái phạm mới.
PV Minh Phương, Báo Tin Tức: Xin chào Bộ trưởng. Tôi đến từ Báo Tin tức. Tôi xin hỏi 2 câu. Thứ nhất, Bộ trưởng đánh giá tác động của CPI tháng tới như thế nào sau việc tăng giá xăng dầu. Về thời điểm tăng giá, có thể việc tăng là hợp lý, nhưng thời điểm hiện nay giá thế giới đang giảm, thì việc tăng lúc này có hợp lý không?
Thứ hai là về việc đấu thầu vàng. Hôm qua (28/3) mặc dù NHNN cho rằng đấu thầu vàng là thành công, tuy nhiên sự tham gia của các doanh nghiệp không được hào hứng lắm. Thế thì trong thời gian tới thì NHNN có cái điều chỉnh, giải pháp ra sao vì giá sàn đưa ra lại cao hơn giá vàng giao dịch trên thị trường, và căn cứ giá tham chiếu là của ngày hôm trước thì có hợp lý không ạ? Tôi xin hết.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Đối với câu hỏi thứ nhất về ngân hàng, đây là một câu hỏi rất cụ thể. Đại diện Ngân hàng nhà nước có mặt tại đây sẽ trao đổi thêm với bạn. Chính phủ không can thiệp trực tiếp vào từng phiên đấu giá, giá tham chiếu bao nhiêu.
Đối với câu hỏi thứ hai về tác động của tăng giá xăng dầu đến CPI, đương nhiên khi tăng giá xăng dầu, bao giờ các Bộ, bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng làm việc để đánh giá nếu tăng như vậy thì dự kiến ảnh hưởng đến CPI là bao nhiêu. Và thậm chí còn đánh giá rõ là ảnh hưởng vòng 1 là bao nhiêu %, còn lại vòng 2, vòng 3 là bao nhiêu %. Tất cả những vấn đề đó các cơ quan chức năng sẽ tính toán kỹ.
Tôi xin nói thêm, có những vấn đề tính toán như vậy nhưng thực tế còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có các bạn báo chí đang ngồi đây.
Câu hỏi của các bạn là khi giá thế giới bắt đầu xuống, việc chúng ta tăng giá có hợp lý không, tôi đã trả lời gián tiếp ở câu trả lời đầu tiên. Tháng trước, liên Bộ Tài Chính – Công Thương đã trình Tổ điều hành giá để tăng và báo chí lúc đó cũng đã viết là không thể không tăng được nữa rồi, nhưng lúc đó do phải bình ổn giá, tháo gỡ khó khăn, không dồn thêm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã quyết định là không tăng. Còn bây giờ, khi đến thời điểm phù hợp, chúng ta sẽ tăng giá.
PV Xuân Tùng, Báo VnMedia: Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất rút quy định xử phạt với xe “không chính chủ” trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt nhưng Bộ Công an đã ban hành Thông tư 11, 12 quy định xử phạt từ 15/4 tới đây. Quan điểm của Chính phủ thế nào và Bộ trưởng có ủng hộ việc rút quy định này ra khỏi dự thảo Nghị định hay không?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Câu hỏi này đã được giải đáp trong câu trả lời trước của tôi. Những hành vi như vậy phải được quy định trong hệ thống pháp luật, có thể nằm ở Luật, Nghị định, Thông tư này hay Luật, Nghị định, Thông tư khác. Khi xây dựng các Luật, Nghị định, Thông tư phải tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải thành lập ban soạn thảo gồm Bộ đầu mối và các bộ khác cùng tham gia, vì có rất nhiều vấn đề không chỉ liên quan đến một bộ mà liên quan đến nhiều bộ, ngành như vấn đề đang đề cập vừa liên quan đến Bộ Giao thông vận tải ở góc độ công tác bảo đảm an toàn giao thông, vừa liên quan đến Bộ Công an ở góc độ bảo vệ quyền sở hữu phương tiện và trách nhiệm khi người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm pháp luật.
Các đại diện bộ, ngành cùng bàn bạc, thống nhất, tất cả các ý kiến của các bộ, ngành trong ban soạn thảo sẽ được tổng hợp lại, đồng thời tiếp thu ý kiến của nhân dân, gồm cả các ý kiến trên báo chí. Tất cả các ý kiến đó đều được trân trọng tiếp thu và Chính phủ sẽ thảo luận, bỏ phiếu tập thể khi xây dựng Nghị định.
Tôi nhắc lại: Dù Nghị định này hay Nghị định khác thì hành vi đó cũng phải được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý. Bộ Giao thông vận tải đề xuất rút quy định đó ra không có nghĩa là hành vi đó không bị xử lý nữa mà các bộ, ngành liên quan nếu đồng ý rút ra thì phải đặt quy định xử lý hành vi đó vào một văn bản quy phạm pháp luật khác.
PV Thế Dũng, Báo Người lao động: Vừa qua có việc tàu của Trung Quốc nổ súng bắn cháy ca bin tàu cá của Việt Nam. Xin hỏi Bộ trưởng, quan điểm của Chính phủ đối với việc bảo vệ và hỗ trợ ngư dân tới đây sẽ như thế nào?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Xin cám ơn bạn. Vụ việc đó báo chí đã nêu, các cơ quan chức năng cụ thể ở đây là Bộ Ngoại giao đã có ý kiến chính thức. Việt Nam phản đối các hành động vi phạm không những chủ quyền của Việt Nam mà vi phạm nguyên tắc luật pháp quốc tế, vi phạm thỏa thuận DOC về ứng xử trên Biển Đông và tính vô nhân đạo của những hành vi như vậy.
Chúng ta đã có ý kiến, Bộ Ngoại giao đã có ý kiến chính thức đề nghị phía Trung Quốc điều tra và xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi như vậy, không để ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa hai nước và hòa bình trong khu vực.
Chính phủ đã có nhiều chủ trương hỗ trợ nông dân nói chung, trong đó những người trồng lúa, nuôi cá, làm diêm nghiệp, ngư nghiệp. Những rủi ro khi bà con đánh bắt trên biển rất nhiều, có những cái do thiên nhiên nhưng có những cái do hành vi mà bạn đã đề cập đến gây nên. Chủ trương chung của Chính phủ là sẽ tích cực hỗ trợ nhân dân tiếp tục khai thác nguồn lợi chính đáng của chúng ta.
Bà con ngư dân rất cực khổ, gặp rủi ro nhiều. Chính phủ đã giao cho các cơ quan chức năng xem xét, đề xuất tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa, vững chắc hơn nữa để bà con ngư dân tiếp tục phát triển nghề của mình. Nhiều vùng, nếu bỏ lưới thì bà con không biết làm gì để sống. Đây là nghề kiếm sống nhiều đời. Chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ.
PV Anh Vũ, Báo Thanh Niên: Tôi xin chuyển câu hỏi tới Bộ Tài chính về giá xăng, phương châm điều hành của CP đảm bảo lợi ích 3 nhà:người dân – doanh nghiệp – nhà nước, thì vừa rồi doanh nghiệp đã được khôi phục lợi nhuận định mức, thuế vẫn ở mức 12% trong khi giá xăng tăng ở mức rất là cao. Vậy trước khi chúng ta tăng giá có tính đến quyền lợi của người dân hay không, có thể kéo giảm thuế xuống một chút để giá xăng đỡ tăng cao quá như vậy hay không?
Câu hỏi thứ hai xin gửi tới Bộ trưởng về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 6% thì dự thảo thông tư Ngân hàng Nhà nước không quy định người thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội mà chỉ quy định hai hình thức là thuê và thuê mua. NHNN và Bộ Xây dựng đã có kiến nghị với Chính phủ sẽ bổ sung điều khoản này, vậy Chính phủ có quan điểm thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Quan điểm của Chính phủ là sửa các quy định cần thiết để người dân được vay vốn mua nhà, chứ không phải người dân chỉ vay vốn để thuê nhà. Và thời hạn nên kéo dài và thứ ba Chính phủ yêu cầu NHNN có phương án cụ thể để đảm bảo thời hạn vay với lãi suất tối đa là như vậy, có thể sẽ xuống, để tạo điều kiện cho người mua nhà.
PV Lê Thanh, Báo Tuổi trẻ TPHCM: Quyết định điều chỉnh giá xăng dầu chiều qua có nhiều ý kiến chuyên gia và giới báo chí cho rằng đây là quyết định gây ngỡ ngàng, bởi trong lúc giá xăng dầu thế giới giảm thì chúng ta điều chỉnh tăng hơn 1.400/lít. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý không chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng vì để sử dụng 1 lít xăng người tiêu dùng phải trả 10.000 đồng và thêm 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng và các khoản thuế khác. Tôi rất mong Bộ Tài chính lý giải và bình luận ra sao về vấn đề này? Tôi muốn chia sẻ thêm là Chính phủ yêu cầu điều hành giá xăng dầu minh bạch, công khai tuy nhiên mỗi lần điều chỉnh tăng hoặc giảm thì Bộ Tài chính có thông tin về giá cơ sở ra sao, trong nước tăng hay giảm so với giá thế giới. Về quỹ bình ổn mà người dân đóng góp thì chưa một lần nào Bộ Tài chính công khai một cách chính thức.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Tôi thấy Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi liên quan đến giá xăng dầu khá đầy đủ. Tôi chỉ xin trả lời bổ sung thêm câu hỏi của Báo Tuổi trẻ và Thanh niên.
Về câu hỏi của Báo Thanh niên: Quan điểm điều hành của Chính phủ và liên bộ Tài chính-Công thương là luôn xác định và cân nhắc các lợi ích và hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Khi đề xuất bất kỳ phương án nào về điều hành giá xăng dầu cũng đã tính toán rất kỹ đến lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
Trong lần điều chỉnh này tại sao lại điều chính với mức như đã thông báo, ví dụ như xăng là 1.430đ/lít. Qua tính toán và theo công thức tính giá cơ sở tại Thông tư 234, với lần điều chỉnh này, dừng sử dụng quỹ bình ổn vì quỹ bình ổn đã hết. Tính toán đủ chi phí của xăng dầu thì kết quả là giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành, cụ thể với mặt hàng xăng là 1.430 đồng/lít, dầu diezel là 362đ/lít, dầu hỏa 480đ/lít, dầu mazut 807đ/kg. Đấy chính là chênh lệch giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành trước thời điểm 20 giờ ngày 28/3. Liên bộ đã quyết định đề xuất phương án là điều chỉnh giá đúng bằng chênh lệch giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành.
Về thuế nhập khẩu có tính đến hay không khi điều chỉnh lần này thì tôi xin trả lời là Liên bộ đã tính đến, với thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 12%, dầu diezel 8%, dầu hỏa và dầu mazut 10%, thì xuất thuế nhập khẩu này so với barem thuế đang thấp hơn, theo quy định là đối với giá xăng dầu như hiện nay thì Nhà nước có khả năng áp thuế đến 20%.
Đối với câu hỏi của Báo Tuổi trẻ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đã trả lời rất rõ ràng.
Riêng về câu quỹ bình ổn giá chưa được công khai và mong muốn điều hành minh bạch, công khai thì trong quá trình điều hành giá xăng dầu, Liên bộ Tài chính-Công Thương luôn luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tuy nhiên chúng tôi xin ghi nhận ý kiến này và trong thời gian tới sẽ làm sao công khai minh bạch để các cơ quan báo chí và nhân dân giám sát, đóng góp ý kiến để việc điều hành giá xăng dầu được sát hơn.
PV Việt Anh, Báo Gia đình Xã hội: Mới đây Bộ Tư Pháp đã khẳng định sẽ không xây dựng mới bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân mà sẽ sử dụng dữ liệu từ kho của Bộ Công An, cụ thể là sẽ dùng chung số ID. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là hiện nay một số cơ quan khác từ lâu đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân khá là đầy đủ.
Tôi xin đơn cử là từ năm 1997, khi đó Chính phủ Hoàng gia Na Uy đã hỗ trợ chúng ta khoảng hơn 7 triệu krone, khi đó chúng ta đã tiến hành thí điểm trên 3 tỉnh để có được cơ sở dữ liệu như hiện nay. Chỉ khác là khi đó Ủy ban Quốc gia về Dân số Kế hoạch hóa Gia đình có bổ sung thêm vấn đề kế hoạch hóa gia đình thôi, thậm chí họ cũng làm cả một kho tàng ID với hơn 200 triệu mã số ID mà Bộ Công an sắp tới sẽ triển khai. Đặt ra câu hỏi là liệu có sự lãng phí khi chúng ta đã có những dữ liệu rồi mà không sử dụng, bây giờ khi xây dựng mới thì có lãng phí hay không, Chính phủ có cân nhắc hay không? Xin cảm ơn.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Cảm ơn bạn. Đúng như bạn nói, việc xây dựng hệ thống, tạm gọi là mã số định danh đã được nghiên cứu từ lâu. Vừa qua có câu chuyện giữa Bộ Công an và Bộ Tư Pháp, báo chí đã phản ánh nhiều.
Quan điểm của Chính phủ là: Chúng ta hướng tới xây dựng một hệ thống mã số định danh, không chỉ đơn thuần liên quan đến dân cư.
Tôi lấy ví dụ thế này, mã số này đúng ra không chỉ liên quan đến công dân, mà còn liên quan đến cả mã số điện thoại, mã biển số xe, chứng minh thư nhân dân, sau này có thẻ tín dụng, mỗi một cái là một mã số, mỗi ngành một mã số.
Một điều quan trọng là tiến tới chúng ta phải xây dựng được một hệ thống mã chung, để mỗi người sinh ra có một mã số của mình.
Nhưng như tôi đã nói ở trên, nó không chỉ liên quan đến người dân, mà nếu xử lý tốt cả hệ thống thì sẽ còn liên quan đến một loạt các hệ thống mã số khác tầm quốc gia, phục vụ tốt cho việc quản lý bằng điện tử.
Riêng đối với hệ thống số liên quan đến công dân, cũng không đơn thuần chỉ là liên quan đến Bộ Công An và Bộ Tư Pháp.
Chúng ta khi sinh ra là được khai sinh, do Bộ Tư Pháp thực hiện, trước đây thực hiện việc này là Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa Gia đình, một cơ quan ngang bộ nhưng bây giờ đã sáp nhập.
Nhưng với hệ thống mã mà chúng ta hướng tới, là ngay khi đó, người y tá, hộ sinh đã có thể lập tức có những thông tin ban đầu liên quan đến cháu bé, có sức khỏe bình thường không, nhóm máu gì… như vậy là liên quan ngay đến ngành Y tế. Sau này khi cháu bé đi học, sẽ liên quan đến nhà trường, học bạ điện tử. Khi hết 14, sang 15 tuổi sẽ có chứng minh thư nhân dân. Rồi bắt đầu có thu nhập cá nhân, có mã số thuế. Ai làm công chức sẽ có hồ sơ công chức, Đảng viên sẽ có hồ sơ Đảng viên, nếu ai vi phạm pháp luật sẽ có hồ sơ phạm tội. Khi lập gia đình sẽ có đăng ký kết hôn… Cuối cùng đến lúc mất đi là thủ tục khai tử của Bộ Tư Pháp. Nhưng vẫn chưa hết, vì còn liên quan đến thừa kế. Nếu có tác phẩm nghệ thuật thì 50 năm sau khi chết vẫn còn liên quan.
Như vậy đây là hệ thống phải dùng chung, cả hệ thống, tất cả các bộ ngành, cơ quan chức năng phải cùng làm, cùng sử dụng, không thể cát cứ được. Có thể có một số việc cụ thể hay do một số phát ngôn cụ thể đã dẫn tới sự hiểu nhầm là Bộ Công An làm một hệ thống riêng, Bộ Tư pháp làm một hệ thống riêng. Tôi khẳng định là Chính phủ không chỉ đạo như vậy, và hiện nay các Bộ cũng không làm như vậy.
Tôi cũng xin nói thêm đây là việc rất khó khăn, không hề đơn thuần là đưa ra một hệ thống đánh số bình thường. Nếu chúng ta tiến hành đồng bộ và dùng chung cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, và cũng không chỉ riêng cơ quan nhà nước mà cả các doanh nghiệp nữa, tiến tới khi bạn thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, ký các hợp đồng với các công ty .. cũng dựa trên hệ thống này thì bạn sẽ thấy đây là việc rất lớn, và chúng ta phải rất kiên trì, tiến hành một cách khoa học.
Tôi cũng xin nói thêm, tất cả những nghiên cứu từ năm 1990 mà bạn dẫn chứng cụ thể là Na Uy đã tài trợ 7 triệu krone thì với một đất nước, để làm một hệ thống như vậy, không chỉ tốn kém chi phí, mà còn cần nhiều nguồn lực rất lớn khác, còn phải làm rất lâu dài.
PV Bích Diệp, Báo Dân Trí: Việc thành lập công ty AMC (Công ty quản lý tài sản) đang được các Bộ và NHNN bàn bạc, chưa quyết định sẽ thành lập lúc nào?. Xin hỏi trong cuộc họp thường kỳ tháng này, các thành viên Chính phủ có dự kiến thời điểm ra đời của công ty và NHNN liệu có thể chia sẻ thêm một số thông tin ban đầu về công ty này hay không?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng này, Chính phủ đã dành riêng một mục bàn về công ty này vì đây là công ty đặc biệt, nếu thành lập một công ty bình thường thì không xử lý được nợ xấu.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao NHNN dự thảo một Nghị định của Chính phủ về công ty này. Trong phiên họp lần này, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận và thấy còn nhiều điểm cần yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, NHNN bàn bạc, thống nhất thêm để giải đáp một số câu hỏi mà các thành viên Chính phủ đặt ra.
Như tôi nói ban đầu, một trong những quan tâm của nhiều thành viên Chính phủ là theo dự thảo hiện nay thì Công ty này ra đời phần nhiều mới dừng lại ở mức xử lý nợ giữa các ngân hàng với nhau, nhưng điều mà xã hội quan tâm là tác động của nó tới nợ giữa doanh nghiệp và ngân hàng như thế nào. Do đó, cần làm rõ thêm, chỉnh sửa, bổ sung một số quy định trong dự thảo.
Đây là Nghị định của Chính phủ nên chắc chắn từ nay tới kỳ họp Chính phủ tháng 4/2013 (cuối tháng 4/2013) chưa thể ban hành được, trong thời gian đó các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thiện thêm dự thảo để trình Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013.
Theo Chinhphu.vn
Theo baoxaydung.com.vn