(Xây dựng) – Đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy tăng trưởng, giảm nghèo và cải thiện đời sống của người dân sẽ tiếp tục là mục tiêu được các quốc gia châu Á (trong đó có cả Việt Nam) tập trung hướng tới trong tầm nhìn đến năm 2030.
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tới năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển sẽ vượt 22,6 nghìn tỷ USD (tương đương 1,5 nghìn tỷ USD) mỗi năm. Nếu tính cả chi phí giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, các số liệu ước tính tăng lên hơn 26 nghìn tỷ USD, tương đương 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm. Đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng của châu Á, báo cáo này tập trung vào cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, viễn thông, nước và vệ sinh.
Việc đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, giao thông, viễn thông và nước sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng, giảm nghèo và cải thiện đời sống của người dân. Tính đến nay, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn sự thiếu hụt đáng kể về cơ sở hạ tầng, với hơn 400 triệu người vẫn thiếu điện, 300 triệu người chưa được tiếp cận nước an toàn và khoảng 1,5 tỷ người không được tiếp cận điều kiện vệ sinh cơ bản. Nền kinh tế trong khu vực thiếu các công trình cảng, đường sắt và đường bộ tương xứng, có thể giúp kết nối hiệu quả hơn tới các thị trường lớn hơn ở trong nước và toàn cầu.
Châu Á đang phát triển nên sẽ cần đầu tư 26 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2030, tương đương 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm, nếu khu vực muốn duy trì đà tăng trưởng, xóa nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nếu không tính chi phí giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, nhu cầu vốn sẽ là 22,6 nghìn tỷ USD, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm. Các khoản đầu tư lớn nhất là 14,7 nghìn tỷ USD cho năng lượng và 8,4 nghìn tỷ USD cho giao thông. Đầu tư trong lĩnh vực viễn thông sẽ là 2,3 nghìn tỷ USD, còn nước và vệ sinh có mức chi phí là 800 tỷ USD trong cả giai đoạn.
Khi tính cả các chi phí giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu, Đông Á sẽ chiếm 61% nhu cầu cơ sở hạ tầng tính tới năm 2030. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ trên GDP, khu vực sẽ vượt tất cả các tiểu vùng khác, với nhu cầu đầu tư chiếm tới 9,1% GDP.
Trong chính sách hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, mọi sự hỗ trợ của ADB đều nằm trong khuôn khổ Chiến lược Đối tác Quốc gia, tập trung hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư và cải cách chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường. Thúc đẩy tạo việc làm và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính bao trùm toàn diện trong cung cấp hạ tầng và dịch vụ, cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Đặng Hữu Cự, cán bộ phụ trách Quan hệ đối ngoại của ADB cho rằng: “Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng mà ADB hỗ trợ cũng là những dự án mà phía Chính phủ Việt Nam yêu cầu và nằm trong danh mục các dự án ưu tiên mà Chính phủ đã phê duyệt. Cơ quan ADB và các Bộ, ngành, địa phương cùng thảo luận và hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng các dự án sẽ được ADB tài trợ. Các chính sách hỗ trợ tài chính nói chung là việc Việt Nam sẽ “tốt nghiệp” vốn vay ưu đãi từ ADB cũng như Ngân hàng Thế giới”.
Cũng theo ông Đặng Hữu Cự, mối liên hệ tương quan giữa đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế cũng theo logic này thì hiệu quả của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có mối liên hệ mật thiết đến chất lượng tăng trưởng.
Nhìn chung, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng được các tổ chức quốc tế tài trợ hay trong khuôn khổ hợp tác song phương đều phát huy hiệu quả đầu tư vì Chính phủ đã xem xét rất kỹ trước khi phê duyệt vốn vay đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả trong các dự án thì cần xem xét các thứ tự ưu tiên trong mối tương quan với vốn ngân sách hạn hẹp cho đầu tư công, triển khai các dự án đúng tiến độ, tránh làm chậm tiến độ dự án sẽ làm đội vốn và làm chậm tác động tích cực của dự án đến những người được hưởng lợi và tăng cường tính công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu, mua sắm cho dự án.
Hà Đào
Theo