Thứ năm 28/03/2024 21:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Giải mã kênh đầu tư trong bối cảnh hiện nay

09:24 | 30/09/2022

(Xây dựng) - Việc nhận diện xu hướng và cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng được nhiều người quan tâm hơn. Tuy nhiên, nên lựa chọn kênh đầu tư nào trong bối cảnh hiện nay, từ cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, vàng, USD, gửi tiết kiệm… Giới phân tích đánh giá, trong các kênh đầu tư nói trên, hấp dẫn dòng tiền nhất trong ngắn hạn và dài hạn vẫn là bất động sản.

Nhận định được đưa ra tại Tọa đàm "Giải mã các kênh đầu tư hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay" do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 29/9, tại Hà Nội.

giai ma kenh dau tu trong boi canh hien nay
Tọa đàm giải mã các kênh đầu tư hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay cùng các chuyên gia.

Với sự góp mặt của các chuyên gia tài chính, bất động sản, cùng sự có mặt của lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản, đông đảo các nhà đầu tư, giới phân tích đánh giá, trong các kênh đầu tư nói trên, hấp dẫn dòng tiền nhất cả trong ngắn hạn và dài hạn vẫn là bất động sản, trong đó nổi bật là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng khi hưởng lợi tuyệt đối từ sự bật tăng trở lại của lượng khách du lịch nói riêng và ngành Du lịch nói chung.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đóng góp khoảng 13,67% GDP, cùng với công nghiệp, thương mại - dịch vụ, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp… làm nên những trụ cột phát triển của đất nước. Với tầm nhìn dài hạn và chiến lược phát triển thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2030 - 2045, thị trường bất động sản Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển bùng nổ và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn số 1 bởi những lý do sau:

Việt Nam có môi trường chính trị - xã hội ổn định, an toàn; đà phục hồi tích cực của kinh tế và các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch. Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh với mức tăng trưởng GDP dự kiến 6,5 - 7% trong giai đoạn 2022 - 2025 và có thể đạt 7 - 7,5% giai đoạn 2025 - 2030 (cao hơn mức 6%/năm giai đoạn 2011 - 2020).

Nhu cầu và khả năng chi trả cho bất động sản sẽ ngày càng tăng nhờ tốc độ đô thị hóa; sự gia tăng thu nhập và tầng lớp trung lưu. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam có thể đạt 12.000 USD/người, mức của nước có thu nhập cao sau khoảng 22 - 25 năm tới. Đây là thời điểm bùng nổ của thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản Việt Nam có vai trò quan trọng đối với quá trình đô thị hóa, tuy nhiên, vẫn chưa phát huy hết vai trò và tiềm năng này của thị trường, khiến cho mức độ đô thị hóa còn tương đối thấp (khoảng 41%, tháng 6 năm 2022) so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới (69 - 80%).

Bên cạnh đó, môi trường pháp lý là yếu tố không thể thiếu khi ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản vận hành minh bạch, chuyên nghiệp hơn. Nhất là quá trình hoàn thiện pháp lý từ việc sửa một loạt các Luật cho thị trường đang được gấp rút thực hiện đồng bộ.

Hệ thống kết cấu hạ tầng (đặc biệt các công trình trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các đường vành đai 4, 5 Thành phố Hà Nội, vành đai 3, 4 Thành phố Hồ Chí Minh, sân bay Long Thành, hệ thống đường bộ và cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long và tương lai là đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang trình Bộ Chính trị phê duyệt) sẽ ngày càng hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ.

Nhìn vào tiềm năng và cơ hội của thị trường bất động sản, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, kênh đầu tư hàng đầu có tiềm năng sinh lời hiệu quả và khả năng bứt tốc trong tương lai là bất động sản. Trong đó, bất động sản nhà ở là phân khúc hấp dẫn nhất. Khi quá trình đô thị hóa tăng nhanh thì nhu cầu nhà ở cũng gia tăng rất cao. Chỉ đến khi đa số người dân đều sống ở đô thị thì phân khúc bất động sản nhà ở mới có thể đi ngang.

"Với mức tài chính 3-5 tỷ đồng, nhà ở vẫn là kênh đầu tư tối ưu", ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, bất động sản nghỉ dưỡng cũng là kênh đầu tư hấp dẫn, sau phân khúc nhà ở. Tuy nhiên, tiềm năng sinh lời cần xem xét ở các khu vực đáp ứng các điều kiện như giao thông, thời tiết, hạ tầng, đặc biệt cần lưu ý đến yếu tố thuận lợi về thời tiết để có thể kinh doanh 4 mùa.

Khi nêu quan điểm về xu hướng đầu tư cùng những dự báo về triển vọng của các sản phẩm trong các phân khúc bất động sản, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, nhiều nhà phát triển bất động sản hiện nay đang quan tâm và lựa chọn đầu tư vào bất động sản du lịch. Nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cũng tăng cao. Sống xanh, sống khỏe, sống nhân văn, cá tính trở thành xu hướng. Xu hướng đó rất phù hợp với cuộc cách mạng bất động sản hiện nay. Không chỉ sau đại dịch Covid-19, nhu cầu liên quan đến chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng mới tăng cao mà còn do thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng cao lên, dẫn đến nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cũng mạnh theo.

giai ma kenh dau tu trong boi canh hien nay
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là kênh hấp dẫn.

Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, giá trị bất động sản trên thị trường đang được gia tăng nhờ hạ tầng ngày càng được đầu tư phát triển, tạo kết nối các vùng kinh tế, liên vùng kinh tế... Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguồn cung kéo theo giá bất động sản tăng cao.

Nhận định về các khu vực đầu tư hấp dẫn hiện nay, trên cương vị người môi giới, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, nhà đầu tư nên lựa chọn đầu tư tại các khu vực có quy hoạch chất lượng, được đầu tư bài bản, giá đang ở mức thấp, dư địa còn lớn sẽ tạo ra giá trị tăng trưởng bất động sản cao sau này.

Kiến Tài

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load