Thứ năm 18/04/2024 18:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vợ chồng công nhân vật lộn với giấc mơ an cư

08:55 | 18/11/2020

Nhiều cặp vợ chồng công nhân do thu nhập thấp, chỉ đủ trang trải qua ngày, nên phần lớn họ chẳng dám nghĩ tới tương lai với một mái nhà riêng tại gần nơi mình đang làm việc. Nhưng cũng có người luôn mơ về một căn nhà cho gia đình bé nhỏ của mình.

vo chong cong nhan vat lon voi giac mo an cu
Chị K chơi cùng con trong căn phòng trọ tối tăm, ẩm thấp. Ảnh: Bảo Phương

Sẽ về quê vì giấc mơ nhà xa vời

Trưa ngày 14.11, nhiều căn phòng trọ công nhân (CN) tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) vẫn đóng cửa im ỉm. Người thì vẫn đi làm, người được nghỉ thì chọn cách ngủ vùi để bù lại những ngày làm việc mệt mỏi. Thi thoảng mới có phòng trọ mở cửa.

Tại phòng trọ của mình, chị Bùi Thị K đang chơi cùng con trai mới 8 tháng tuổi, cạnh đó là mẹ của chị từ quê lên trông cháu. Mẹ chị K đang xem phim từ chiếc điện thoại di động thông minh (smartphone). Đây dường như là phương tiện giải trí duy nhất của gia đình bởi phòng không lắp tivi. Căn phòng trọ khá chật chội, tối tăm, nhưng không bật đèn để tiết kiệm điện. Phòng trọ này không có nhà vệ sinh khép kín, người thuê trọ phải dùng nhà vệ sinh chung.

Thấy tôi giới thiệu là phóng viên tìm hiểu cuộc sống CN, chị K lúc đầu khá ngần ngại, nhưng sau đó cũng đồng ý để tôi vào trò chuyện.

Chị K đang làm CN tại một công ty điện tử tại Bắc Ninh, còn chồng chị cũng làm CN nhưng ở Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long. Hằng ngày, chị K đi bộ gần 1km để ra đường chính bắt xe đưa đón của công ty đến nơi làm việc. Thời gian gần đây, do cầu Thăng Long sửa chữa, xe phải đi đón CN ở một khu vực khác nữa nên mất nhiều thời gian hơn, chị K phải dậy từ hơn 5 giờ sáng để kịp đến công ty lúc 7 giờ.

“Trước đây, thu nhập của tôi là 10 triệu đồng/tháng. Nhưng để có mức thu nhập khá cao này, tôi phải tăng ca nhiều. Nói cách khác, so với công sức bỏ ra, thì mức thu nhập đó vẫn chưa tương xứng, chưa kể môi trường làm việc ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hiện nay, do đang làm việc theo chế độ nuôi con nhỏ, làm ít giờ hơn, nên thu nhập của tôi chỉ còn khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong đó, lương cơ bản là 5,1 triệu đồng và một số loại phụ cấp” - chị K chia sẻ.

Chồng chị đã làm CN lâu năm nên mức thu nhập được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Để có mức thu nhập này, hằng ngày anh phải tăng ca 4 giờ. Khi được hỏi liệu có dành dụm được với mức thu nhập như trên, chị K cho hay: Nếu chưa có con thì vợ chồng vun vén, chắt bóp chi tiêu, còn dành dụm được chút đỉnh. Còn khi có con, không để dành được đồng nào vì nuôi con rất tốn kém, hơn nữa, còn phát sinh nhiều khoản chi khác.

Chị K liệt kê những khoản chi của gia đình: “Một tháng, tiền để nuôi con là 4 triệu đồng; tiền thuê nhà, điện nước 1,5 triệu đồng; tiền ăn của cả gia đình khoảng 3-4 triệu đồng (ông bà thường xuyên gửi thực phẩm lên nên vợ chồng chị đỡ đi khoản chi này); tiền xăng xe của chồng 200.000-300.000 đồng; các khoản tiền lặt vặt khác…”.

Phép tính trên của chị K chưa bao gồm những việc đột xuất như: Con, bản thân hay bố mẹ ốm đau; quê có đám hiếu, hỉ… Nhiều khi có việc cần đến tiền, chị phải vay mượn người thân, họ hàng để tiêu tạm, chờ đến khi có lương thì trả.

Chị K bảo, nếu thu nhập đủ để chị có thể mua nhà tại Hà Nội, hai vợ chồng chắc chắn sẽ gắn bó ở đây lâu dài, còn nếu về quê thì mọi thứ phải bắt đầu lại. “Nhưng việc mua được nhà là một giấc mơ xa vời. Vì vậy, vợ chồng tôi dự định chỉ tha hương một thời gian nữa, khi nào con học lớp 1 thì sẽ trở về quê”- chị K tâm sự.

Lúc đó, gia đình chị sẽ ở tạm cùng mẹ chồng (bà đang sống một mình) rồi hy vọng lúc đó sẽ dành dụm đủ tiền để cất một ngôi nhà mới. Chị dự định tiếp tục làm CN vì theo tìm hiểu của chị, các KCN tỉnh Phú Thọ (quê chồng) đang phát triển nên “chắc là sẽ có nhiều việc cho mình lựa chọn”.

Mơ về ngôi nhà riêng

Anh Thắng (30 tuổi, quê Thanh Hoá) đang là CN ở Công ty Sản xuất linh kiện ôtô Denso Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội). Anh rời quê lên Thủ đô lập nghiệp rồi trở thành CN từ năm 23 tuổi. Nhiều năm làm việc không ngơi nghỉ, anh Thắng mới dám lập gia đình vì đã có khoản tiền tích cóp. Để có được khoản tiền tiết kiệm, suốt 7 năm làm CN, anh Thắng cho biết, anh hạn chế những cuộc đi chơi tụ tập với bạn bè. Thay vào đó, 2 năm đầu là những đêm tăng ca chân tay đau rã rời, ngủ gục trong giờ làm bị tổ trưởng mắng, thức khuya tăng ca khiến sức khoẻ đi xuống rõ rệt.

Nếu người ta đi nước ngoài mong về một miền đất hứa có tiền về quê xây nhà cao thì đối với anh Thắng cũng vậy, Hà Nội lúc đó là mảnh đất mưu sinh màu mỡ để “nuôi” ước mơ. Hiện anh Thắng cùng vợ đang thuê trọ tại thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Hai vợ chồng thuê 2 gian phòng thông nhau thành một căn phòng rộng hơn, có tivi và điều hoà. Tuy nhiên, đối với anh Thắng, đó chỉ là cuộc sống tạm bợ, vì anh luôn ước mơ mua được căn nhà. “Hiện mục tiêu duy nhất của tôi là mua được nhà, rồi mới tính tới chuyện con cái” - anh Thắng nói.

Anh tiết lộ, hai vợ chồng đã có một khoản tiền để dành, bây giờ quan trọng chỉ là tìm được căn ưng ý. Anh Thắng cũng từng đi xem các khu nhà ở xã hội gần KCN Thăng Long nhưng mọi thứ đều còn xa đối với tầm với của anh. “Có thể chúng tôi sẽ không mua được nhà ở xã hội. Nhưng sẽ tìm cách khác để mua được nhà” - anh Thắng cho hay.

Anh Thắng chia sẻ, nếu mua nhà, anh và vợ phải vay nợ thêm. Cuộc sống cũng sẽ áp lực hơn nhiều vì suốt ngày lo “cày cuốc” trả nợ. Nhưng xa quê đi làm, anh muốn được an cư lạc nghiệp. Anh nói, nhiều người nhất là CN, lên thành phố làm gì dám mơ có căn nhà cho riêng mình, nhưng với anh thì khác: “Chăm chỉ, tiết kiệm, có mục tiêu là sẽ làm được”.

Theo ĐỖ PHƯƠNG - BẢO HÂN/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load