(Xây dựng) - Tại dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội Lào, Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP (VNCC) được lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ Xây dựng tín nhiệm giao nhiệm vụ là đơn vị tư vấn lập dự án và thiết kế xây dựng. Đoàn kết, đồng lòng, sáng tạo và nhiệt tình công việc, VNCC đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức, hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án.
Nhiệm vụ nhiều thách thức
Có thể nói, tư vấn lập dự án và thiết kế xây dựng công trình Nhà Quốc hội Lào là một trong những nhiệm vụ nhiều thách thức nhất mà VNCC từng đảm nhiệm.
Thách thức đầu tiên là ở chính tầm quan trọng đặc biệt của công trình. Nhà Quốc hội Lào là quà tặng của Đảng Cộng sản Việt Nam tặng đất nước và Nhân dân Lào, là biểu tượng mới cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa hai nước Việt Nam và Lào. Yêu cầu được đặt ra đối với công trình là rất cao. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith sau này đúc kết ngắn gọn là “Công trình 4 nhất”: Hiện đại nhất, phù hợp với bản sắc Lào nhất, vốn đầu tư lớn nhất, vững chắc nhất.
Thách thức thứ hai là công trình phải được thiết kế và xây dựng hoàn thiện với các yêu cầu cao nhất về chất lượng, áp dụng tiêu chuẩn cao nhất, tiên tiến, đồng thời đảm bảo yêu cầu về tính mỹ thuật mà cụ thể là sử dụng các hoa văn họa tiết tinh sảo của dân tộc Lào.
Phòng họp chính với sức chứa hơn 500 chỗ, bên cạnh việc đảm bảo công năng phục vụ cho các đại biểu với các yêu cầu đặc biệt về tầm nhìn, âm thanh, ánh sáng, còn là nơi thể hiện bản sắc văn hóa của đất nước Lào, với nội thất trang trí đa hoa văn ở cả các diện tường, vòm trần.
Thách thức thứ ba là do tính chất đặc thù của dự án, Nhà Quốc hội Lào có 2 đơn vị tư vấn thiết kế cùng song hành. Một bên là tư vấn thiết kế của Lào, Công ty Archineer Associates Co. Ltd, chịu trách nhiệm thiết kế ý tưởng và thiết kế kỹ thuật.
Một bên là tư vấn Việt Nam, Liên danh Tổng công ty VNCC - Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC), chịu trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khảo sát địa chất, triển khai thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán xây dựng. Trong đó, VNCC thực hiện phần thiết kế kiến trúc, kết cấu và nội thất, CDC thực hiện phần thiết kế cơ điện. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, VNCC đã đứng ra là người tổ chức phối hợp 3 bên, nhất là trong việc tiếp quản thiết kế kỹ thuật từ tư vấn Lào.
Và cũng như các đơn vị cùng tham gia xây dựng dự án, VNCC đối diện với nhiều khó khăn như công trình xây dựng ở nước ngoài, khoảng cách về địa lý lớn, phải di chuyển nhiều; Công trình vừa được thiết kế, vừa thi công để đảm bảo tiến độ rất gấp; Giữa 2 nước có sự khác nhau về các quy định pháp luật quản lý đầu tư xây dựng, về phương thức triển khai dự án, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng; Giữa các KTS, kỹ sư Việt Nam 2 nước có rào cản về ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa giao tiếp…
Hơn nữa, khi dự án bắt đầu bước vào giai đoạn hoàn thiện cũng là lúc đại dịch Covid - 19 bùng phát, rồi kéo dài, tác động khó lường đến hoạt động sản xuất, ảnh hướng đến việc đi lại giữa 2 nước. Công tác phối hợp, giám sát tác giả vì thế gặp nhiều khó khăn.
Nâng tầm thiết kế
Trước thách thức nói trên, VNCC đã hành động như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ? ThS.KTS Nguyễn Huy Khanh - Chủ nhiệm lập dự án và thiết kế công trình nhà Quốc hội Lào, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty VNCC, chia sẻ: Nhà Quốc hội Lào là công trình có tính chất đặc biệt, ngoài việc phải đảm bảo yêu cầu cao về kỹ - mỹ thuật, còn phải thể hiện quyền lực và sự uy nghiêm của Quốc hội Lào…
Nhận thức rõ sự phức tạp của nhiệm vụ, lãnh đạo cùng lực lượng các KTS và kỹ sư của VNCC vào việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. VNCC đã chủ động áp dụng những kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn đúc rút từ những dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam trước đây như Nhà Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trụ sở Bộ Công an, Bảo tàng Hà Nội… vào dự án này.
Ngay khi bắt đầu triển khai nhiệm vụ tại dự án, cuối năm 2017 đầu năm 2018, VNCC đã cử nhiều lượt đoàn cán bộ sang tìm hiểu hiện trạng khu đất, môi trường tự nhiên, các công trình lân cận, cùng những giá trị lịch sử cốt lõi của Nhà Quốc hội Lào…
Khi tiếp nhận hồ sơ ý tưởng và thiết kế kỹ thuật từ tư vấn Lào, VNCC với kinh nghiệm của mình, đã chủ động nghiên cứu phương án triển khai, đồng thời phân tích, đề xuất các giải pháp kiến trúc, kết cấu, cơ điện với phía bạn, nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng thiết kế, chất lượng hoàn thiện và tiện nghi cho công trình, tạo thuận lợi cho công tác thi công và lắp đặt thiết bị công nghệ…
Cụ thể, VNCC đã 21 lần gửi văn bản yêu cầu bổ sung làm rõ thông tin tới phía bạn Lào; đề xuất điều chỉnh 95 nội dung thiết kế cho phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng của cả hai nước. Trong đó có việc đề xuất mở rộng thêm khu vực sảnh chính - lối vào và sử dụng các họa tiết hoa văn truyền thống Lào cho các bước cột, cửa sổ, cửa đi..., nhằm tăng mức độ hoành tráng, trang trọng và tạo sự khác biệt cho Nhà Quốc hội Lào so với Nhà Quốc hội của các nước trên thế giới.
VNCC đồng thời đề xuất giải pháp thiết kế hệ kết cấu công trình nhằm tăng cường độ bền chịu lực, độ ổn định và sử dụng vật liệu an toàn, hiệu quả, bền vững. Tất cả các cấu kiện bê tông cốt thép và kết cấu thép đều đã được kiểm tra và tính toán lại để đảm bảo phù hợp theo quy chuẩn, tiêu chuẩn được thống nhất giữa 2 nước.
Hơn thế, các giải pháp thiết kế của VNCC rất chú trọng những yếu tố tiết kiệm chi phí đầu tư, thuận lợi cho thi công, giúp đẩy nhanh tiến độ, để sớm đưa công trình vào sử dụng.
Trong suốt quá trình tham gia dự án, VNCC thường xuyên cử cán bộ có mặt tại công trường để trực tiếp phối hợp với tư vấn thiết kế Lào và giám sát tác giả, xử lý vướng mắc.
Khi dịch Covid - 19 bùng phát, VNCC tăng cường thêm các cuộc họp trực tuyến với các đơn vị tư vấn thiết kế nước bạn, tư vấn thẩm tra và thẩm định dự toán để trao đổi, giải quyết những vấn đề về chuyên môn, qua đó báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh…
Ứng dụng thành công mô hình BIM
Tại dự án Nhà Quốc hội Lào, VNCC đã thí điểm ứng dụng mô hình thông tin xây dựng công trình - BIM vào quá trình thiết kế, thi công và quản lý dự án. Phạm vi áp dụng BIM bao gồm xuất bản hồ sơ, kiểm tra phương án thiết kế, phối hợp xử lý xung đột thiết kế trên 3D, kiểm soát khối lượng tự động, mô phỏng quá trình thi công, thông tin thiết bị bàn giao và phục vụ bảo hành công trình…
Việc áp dụng BIM sâu và ở phạm vi rộng đã góp phần tạo hiệu quả công việc như đẩy nhanh thiết kế và rút ngắn thời gian phối hợp đáng kể; chất lượng, độ chính xác của thiết kế được nâng cao; công tác giám sát tác giả thuận lợi do các vấn đề vướng mắt phát sinh được xử lý nhanh chóng; công tác kiểm soát khối lượng và thông tin kỹ thuật của vật liệu cũng được cải thiện rõ rệt; công tác nghiệm thu và bảo hành, bảo trì trong quá trình sử dụng công trình diễn ra một cách tự động và thuận tiện…
KTS Nguyễn Huy Khanh chia sẻ: Để thực hiện thành công, trọn vẹn việc ứng dụng BIM trong dự án có độ phức tạp như Nhà Quốc hội Lào, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ VNCC- CDC, tư vấn thiết kế Việt Nam còn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, gồm BQLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, tổng thầu Binh Đoàn 11, tư vấn giám sát IBST cùng các đơn vị chuyên môn, cơ quan quản lý phía Lào...
Nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phát huy hết khả năng, với quyết tâm cao nhất, tập thể cán bộ KTS và kỹ sư của VNCC đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả cho công trình. VNCC tự hào góp phần đưa dự án Nhà Quốc hội Lào về đích đúng hẹn, đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đúng cam kết của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân Lào.
Minh Hằng
Theo