Tuần 18-22/4 thị trường chứng khoán khó có thể nhanh chóng bứt phá để hướng đến các vùng giá cao hơn mà khả năng sẽ cần lùi về các vùng giá thấp để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
(Ảnh minh họa/Vietnam+) |
ÔXeng Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho hay tiếp nối tâm lý tiêu cực từ tuần trước đó (do những dư âm của sự việc liên quan tới lãnh đạo Công ty Tân Hoàng Minh, Tập đoàn FLC), thị trường chứng khoán vẫn chịu áp lực bán mạnh tại một số nhóm cổ phiếu dẫn dắt, như bất động sản, ngân hàng.”
Do đó, VN-Index chưa thể thoát khỏi xu hướng giảm, cả tuần mất 1,6% (so với cuối tuần trước) về mức 1.458,6 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index và UPCOM-Index cùng chung xu hướng, đóng của lần lượt tại 416,7 điểm (-3,6%) và 112,4 điểm (-1,3%).
Thanh khoản sụt giảm
Vấn đề ở tuần này, theo ông Hinh là thanh khoản trên thị trường bị sụt giảm. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn đi xuống 20,8% (so với tuần trước), đạt mức 25.058 tỷ đồng/phiên.
Tuy nhiên, ông Hinh chỉ ra tín hiệu tích cực trong tuần là việc khối ngoại đảo vị thế sang mua ròng 795 tỷ đồng trên sàn HoSE và 47 tỷ đồng tại sàn HNX, song họ duy trì bán ròng 23 tỷ đồng trên UpCoM.
Về diễn biến giao dịch, các nhóm cổ phiếu đã có sự phân hóa khá rõ nét. Trong bối cảnh thị trường đi xuống, một số ngành duy trì được sự tăng giá ấn tượng, như nhóm cổ phiếu bán lẻ, dệt may, thủy sản, phân bón, cao su, bảo hiểm và cảng biển.
Cổ phiếu bán lẻ chứng kiến lực cầu tốt khi các doanh nghiệp bán lẻ được kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục cải thiện trong những quý tiếp theo của năm nhờ sức cầu tiêu dùng phục hồi. Các cổ phiếu tiêu biểu trong ngành đều tăng giá ấn tượng, như MWG (+6,8%), FRT (+11,4%) và DGW (+5,8%).
Diễn biến giao dịch theo ngành (ngày 11-15/4):
(Nguồn: SHS) |
Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm cũng có một tuần giao dịch tích cực. Dòng tiền của nhà đầu tư dịch chuyển vào nhóm này với kỳ vọng doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng trong thời gian tới, các mã tiêu biểu MIG (+8,6%) và BVH (+5,2%).
Song ở chiều hướng ngược lại, hai nhóm ngành trụ cột của thị trường là ngân hàng và bất động sản lại có một tuần hoạt động kém khả quan. Đây là yếu tố chính kéo các chỉ số chứng khoán giảm điểm.
Việc Chính phủ có những động thái chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản thời gian gần đây đã khiến dòng tiền rời bỏ nhóm cổ phiếu bất động sản, kéo nhiều mã cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, như VHM (-5,3%), NVL (-1,5%), DIG (-17,1%) và DXG (-6,3%). Và, nhóm ngành ngân hàng cũng bị liên lụy khi áp lực bán chủ động gia tăng để hạ tỷ trọng ký quỹ, kéo theo nhiều mã cổ phiếu ngân hàng giảm điểm, như VCB, BID, TCB, MBB…
Dòng tiền “do dự”
Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội nhấn mạnh, “thị trường ghi nhận thêm một tuần giao dịch ảm đảm với việc chỉ số VN-Index (-1,6%) giảm tuần thứ hai liên tiếp. Mặc dù chỉ giao dịch 4 phiên song tính trung bình từng phiên và thanh khoản khớp lệnh trên thị trường đều đi xuống, điều này thể hiện việc dòng tiền vẫn đang do dự ở thời điểm hiện tại.”
Với diễn biến hiện tại, theo ông Thắng tuần giao dịch tiếp ngày 18-22/4, thị trường khó có thể nhanh chóng bứt phá để hướng đến các vùng giá cao hơn mà khả năng sẽ cần lùi về các vùng giá thấp để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
“Nếu cầu bắt đáy là đủ tốt thể hiện qua việc thanh khoản được cải thiện thì VN-Index có thể hồi phục trở lại. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư đã tham gia mua vào (phiên 13/4 khi thị trường kiểm định ngưỡng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm) có thể tiếp tục nắm giữ và gia tăng tỷ trọng nếu một lần nữa VN-Index kiểm chứng lại vùng này,” ông Thắng khuyến nghị.
Bên cạnh đó, ông Hinh nhận định đà giảm điểm của thị trường tuần qua một phần đến từ tâm lý thận trọng của giới đầu tư trong bối cảnh rủi ro thị trường gia tăng, làm hụt lực cầu trên thị trường. Hơn nữa, dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ khi các cơ quan quản lý nhà nước đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đặc biệt đối với những giao dịch bất thường.
Và, đà giảm giá mạnh của cổ phiếu đầu cơ đã kích hoạt làn sóng “giải chấp” tại các cổ phiếu này và để duy trì tỷ lệ an toàn tài sản đảm bảo, nhiều nhà đầu tư phải bán một số cổ phiếu khác trong danh mục. Điều này dẫn đến việc bán ra không chỉ nằm trong nhóm cổ phiếu đầu cơ, mà đã lan ra một số nhóm cổ phiếu đại chúng, như ngân hàng, thép, chứng khoán.
Ông Hinh cho rằng động thái siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ và thông tin về một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý đã có tác động tâm lý tiêu cực đến một bộ phận nhà đầu tư và kích hoạt đà bán ra, qua đó khiến các chỉ số chứng khoán điều chỉnh ngắn hạn. Tuy vậy, những động thái quyết liệt trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng của Chính phủ trên thị trường chứng khoán, bất động sản là hết sức cần thiết nhằm chấn chỉnh thị trường và phòng ngừa những rủi ro lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Do đó về dài hạn, điều này sẽ giúp thanh lọc thị trường, đưa thị trường tài chính và bất động sản Việt Nam hoạt động minh bạch, hiệu quả, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô trong nước.
“Đây không phải là lần đầu tiên thị trường có những đợt giảm điểm mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, qua mỗi lần giảm đó thị trường đều hồi phục và thiết lập những đỉnh cao mới. Các quý tới, nền tảng kinh tế vĩ mô nếu vẫn được cải thiện tích cực, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022, thị trường chứng khoán không có lý do phải quá bi quan về triển vọng của cả năm nay. Với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, việc điều chỉnh ngắn hạn lại là cơ hội để mua vào cổ phiếu tốt với giá hấp dẫn hơn và chờ đợi thời điểm những yếu tố cơ bản cải thiện được phản ánh vào giá cổ phiếu,” ông Hinh trao đổi.
Về kỹ thuật, theo ông Hinh chỉ số VN-Index hiện tại vẫn trong xu hướng đi ngang từ đầu năm trong vùng 1.440-1.530 điểm. Trong ngắn hạn, thị trường chưa thoát khỏi xu thế trên. Vì vậy, các nhà đầu tư cần ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, hạn chế sử dụng "đòn bảy" và chủ động hạ tỷ trọng ký quỹ xuống mức an toàn để tránh lâm vào tình trạng buộc phải bán ra (margin call) dẫn tới những thiệt hại không đáng có.
“Về nhóm ngành, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên nhóm cổ phiếu được hưởng lợi trong bối cảnh hiện tại như giá hàng hóa tăng cao (như xuất khẩu thủy sản, dệt may, đồ gỗ), môi trường lãi suất tăng ( như bảo hiểm), bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và logistic. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng đang giảm về vùng định giá hấp dẫn hơn và có thể mua tích lũy dần,” ông Hinh nói./.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)