Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh mua vào cổ phiếu Việt Nam giữa lúc thị trường có nhịp điều chỉnh khi áp lực chốt lời/bớt lỗ gia tăng trước ngưỡng 1.100 điểm của chỉ số VN-Index.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 6/12, đa số cổ phiếu điều chỉnh giảm giá, qua đó kéo VN-Index có lúc giảm 15 điểm. Tuy nhiên, sức mua mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài đã đưa VN-Index giảm nhẹ hơn sau đó.
Tới 9h52 sáng 6/12, VN-Index giảm 5,6 điểm xuống ngưỡng 1.087 điểm. Giao dịch khá mạnh, đạt hơn 4.100 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua vào mạnh một số cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép… như: Chứng khoán SSI (SSI), Chứng khoán VnDirect (VND), Vietcombank (VCB), HDBank (HDB), VIBBank (VIB); Vingroup (VIC), Nam Long (NLG), Đất Xanh (DXG), DIC Corp. (DIG), Kinh Bắc (KBC), Hòa Phát (HPG)…
Trong 5 phiên liền trước, khối ngoại mua ròng gần 8.700 tỷ đồng, trung bình khoảng 1.740 tỷ đồng/phiên. Trong phiên 5/12, nhóm này vẫn mua ròng hơn 1.300 tỷ đồng. Khối ngoại đã có tổng cộng 11 phiên mua ròng liên tiếp.
Trong phiên trước đó, thị trường hồi phục mạnh mẽ và đã lên sát mốc 1.100 điểm. Thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể khi giá trị giao dịch trên HOSE chạm ngưỡng 20.974 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán tối 6/12 đón nhận tin tích cực khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng thêm 1,5-2%, qua đó có thể tăng quy mô tín dụng cho nền kinh tế thêm 156.000-200.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 24% từ đáy. Do vậy, áp lực bán chốt lời/bớt lỗ liên tục ở mức cao trong vài phiên gần đây. Áp lực bán chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước và được hấp thụ phần lớn bởi các nhà đầu tư nước ngoài và một phần tổ chức trong nước.
Áp lực bán chốt lời gia tăng sau khi VN-Index tăng 24% kể từ đáy sáng 16/11. (Ảnh: Hoàng Hà) |
Việc nới room tín dụng được đánh giá là tích cực đối với thị trường chứng khoán.
Theo NHNN, tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cải thiện hơn.
Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ,... các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Thống đốc cũng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các TCTD yên tâm hơn khi cấp tín dụng.
Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Đây là những giải pháp linh hoạt trong tình hình hiện nay. Thời gian tới, NHNN sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.
Tình hình vĩ mô của Việt Nam gần đây khá tốt. Lạm phát được duy trì ở mức thấp, tỷ giá USD/VND giảm nhanh. Đầu tư FDI vào Việt Nam tích cực. Thông tin mới nhất cho thấy, LG muốn đầu tư thêm 4 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đà tăng điểm vẫn duy trì sức mạnh và giúp thị trường tiến sâu hơn về gần mốc 1.100 điểm của VN-Index. Với tín hiệu nguồn cung vẫn có duy trì khá lớn, có khả năng VN-Index sẽ tiếp tục bị cản tại vùng 1.100 điểm và lùi bước để cân bằng trạng thái sau nhịp tăng nhanh.
Còn theo Chứng khoán Agriseco, VN-Index có thể biến động giằng co trong các phiên tới, dao động quanh vùng 1.080-1.110 điểm.
Chứng khoán SHS cho rằng, thị trường sẽ phải đối diện với các ngưỡng cản tiếp theo trong quá trình hồi phục hiện tại, trước mắt là ngưỡng 1.150 điểm.
Theo Mạnh Hà/Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn-index-6-12-gap-kho-truoc-nguong-1-100-diem-2088160.html