(Xây dựng) - Đó là một trong những nội dung quan trọng tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, diễn ra vào chiều ngày 20/7/2016.
Tại phiên họp, các thành viên của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nghe báo cáo tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2016, dự kiến kế hoạch năm 2017 và tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp và một số dự án trên địa bàn tỉnh.
Năm 2016, Vĩnh Phúc có 28 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã từ năm 2015 chuyển sang và 24 xã đăng ký mới. Đến nay, ngoài xã Tiền Châu, thị xã Phúc Yên đang hoàn thiện hồ sơ đạt chuẩn, 27 xã còn lại tuy đã hoàn thành từ 11 tiêu chí trở lên, song vẫn còn 12 tiêu chí chưa đạt, trong đó, nhiều tiêu chí có tỷ lệ xã chưa đạt cao như: Giao thông, y tế, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa… Nguyên nhân dẫn đến tiến độ xây dựng nông thôn mới đang bị chậm lại là do phân bổ vốn chưa kịp thời; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; một số xã khó đạt tiêu chí văn hóa.
Về nguồn vốn, UBND tỉnh đã phân bổ hơn 451 tỷ đồng cho các huyện để cấp cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Tuy nhiên đến nay, cấp huyện chưa phân khai chi tiết được vì đang rà soát lại các dự án đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn của các địa phương, còn 15 xã chưa được bố trí kinh phí theo cơ chế của HĐND tỉnh; 17 xã chưa hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng… Khắc phục những khó khăn, tồn tại này, 6 tháng cuối năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tập trung huy động tối đa các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; giải quyết dứt điển bồi thường, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện 12 tiêu chí chưa đạt ở 27 xã đăng ký hoàn thành năm 2016.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến từ nay đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh có 4 huyện, thành, thị có khả năng đạt chuẩn, 4 trong 5 huyện còn lại đều khó có khả năng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, trong khi đối chiếu các quy định của T.Ư, để trở thành tỉnh nông thôn mới, Vĩnh Phúc cần 8 huyện, thành, thị đã đạt chuẩn. Xuất phát từ tình hình thực tiễn, Sở đề nghị tỉnh xem xét, điều chỉnh mục tiêu phấn đấu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự ủng hộ của người dân. Để có thể vừa xây dựng vừa giữ vững các tiêu chí đã đạt cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giúp các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Về điều chỉnh mục tiêu phấn đấu tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, ông Trì giao Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát kỹ khả năng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đề xuất UBND tỉnh kế hoạch giãn thời gian hoàn thành. Bên cạnh đó, cần xem xét, điều chỉnh một số hạng mục đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế.
Về tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án khu công nghiệp Thăng Long III; tiến độ triển khai các dự án phục vụ khu du lịch Tam Đảo I, Tam Đảo II; chủ trương, chính sách và tiến độ triển khai thu hút đầu tư đối với Dự án đầu tư khu du lịch đô thị sinh thái FLC An Tường - Vĩnh Thịnh và Dự án nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Vineco Tam Đảo, ông Trì, nhấn mạnh: Đây đều là những dự án trọng điểm có ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI của tỉnh, do vậy rất cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị. Để các dự án được triển khai đúng tiến độ, bên cạnh việc tập trung quyết liệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, các sở, ngành, địa phương có dự án cần phát huy vai trò tiên phong, đi đầu của MTTQ, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng để cùng vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu đúng mục đích, ý nghĩa và lợi ích của từng dự án, từ đó tích cực tham gia hưởng ứng.
Văn Nhất
Theo