Thứ sáu 29/03/2024 08:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vĩnh Phúc: Từng bước hoàn thiện hạ tầng khung đô thị theo hướng hiện đại

19:51 | 20/12/2021

(Xây dựng) – Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng có nhiều đột phá, thay đổi về tư duy, cách làm. Nguồn lực đầu tư được tập trung cho các công trình thuộc hạ tầng khung đô thị, phúc lợi xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đến nay cơ sở hạ tầng của Vĩnh Phúc từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng Vĩnh Phúc đạt chuẩn đô thị loại I trong tương lai.

vinh phuc tung buoc hoan thien ha tang khung do thi theo huong hien dai
Một góc đô thị Phúc Yên.

Quy hoạch đi trước

Để phát triển kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch phải đi trước một bước để chủ động trong quản lý quá trình xây dựng, thu hút đầu tư và khai thác giá trị của đất, những năm qua Vĩnh Phúc đã tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng, các quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch xây dựng chi tiết... từng bước nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch và thực hiện đầu tư theo quy hoạch.

Tháng 10/2011, đồ án Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích tự nhiên khoảng 318,60km2; quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 1 triệu dân. Đây là một đồ án lớn, có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển đô thị nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung; là cơ sở định hướng phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc phù hợp với phát triển quy hoạch vùng Thủ đô. Từ năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục đồ án quy hoạch phân khu theo Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc tại Quyết định số 1860/QĐ-UBND ngày 03/8/2012, gồm 15 phân khu.

Vĩnh Phúc đã thực hiện các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 kiến trúc cảnh quan các trục không gian Bắc – Nam; quy hoạch các đô thị loại IV; các quy hoạch vùng phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp… tạo các điểm nhấn trong kiến trúc đô thị lõi Vĩnh Phúc trong tương lai như phương án kiến trúc 3 công trình Đài PT-TH tỉnh; Thư viện tỉnh, Trung tâm triển lãm các thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh…

Từng bước hoàn thiện khung hạ tầng đô thị

Sau 25 năm tái lập, hệ thống cơ cở hạ tầng thiết yếu của tỉnh đặc biệt là hệ thống giao thông, thuỷ lợi và thông tin liên lạc đã được cải thiện một cách rõ rệt. Nhiều lĩnh vực hạ tầng vượt trội so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận.

Năm 2017, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, những năm qua, cùng với tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã huy động 56,7 nghìn tỷ đồng cho xây dựng cơ bản, chiếm khoảng 66% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Giai đoạn 2017 - 2020, dự kiến nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản từ ngân sách tỉnh khoảng 30%, từ ngân sách Trung ương khoảng 3%, nguồn vốn ODA khoảng 7%, theo hình thức PPP khoảng 16% và từ nguồn doanh nghiệp khoảng 44%.

Trong đó, vốn đầu tư cho hệ thống giao thông và dự án hạ tầng sản xuất chiếm 34%, dự án hạ tầng xã hội chiếm 31% trên tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng của tỉnh giai đoạn 2017-2020.

Từ việc tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch, ưu tiên nguồn vốn, sau gần 4 năm triển khai Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 cơ bản được triển khai theo đúng kế hoạch với nhiều công trình, dự án đầu tư được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiều công trình đang tiếp tục được triển khai xây dựng, tạo dấu ấn mới cho hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc những năm tiếp theo như: Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh); Dự án cầu Đầm Vạc hay các dự án được xã hội hóa đầu tư như: Dự án cấp nước sạch Đức Bác; Dự án nạo vét hồ Đầm Vạc; Dự án cầu vượt đường sắt đường Nguyễn Tất Thành; Bệnh viện sản nhi; Bệnh viện Đa khoa tỉnh...

vinh phuc tung buoc hoan thien ha tang khung do thi theo huong hien dai
vinh phuc tung buoc hoan thien ha tang khung do thi theo huong hien dai
Đô thị Vĩnh Yên nhìn từ trên cao.

Hạ tầng giao thông đô thị của tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang được đầu tư xây dựng. Khi mới tái lập, các tuyến đường quốc lộ chủ yếu là đá răm, cấp phối đến nay đều được nhựa hóa 100%, ngoài ra tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua tỉnh với 3 điểm lên/xuống đã và đang là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Các tuyến đường tỉnh khi mới tái lập chất lượng rất kém, các tuyến huyện lộ đều là đường cấp phối xuống cấp nghiêm trọng, đến nay đã cứng hóa đạt 100% và các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp. Các tuyến giao thông nông thôn năm 1997 mới cứng hóa đạt 2,6% đến nay đã kiên cố hóa đạt 95% và giao thông nội đồng cứng hóa đạt 65%. Các tuyến giao thông quan trọng đã được hình thành, nâng cấp và mở rộng như: Đường từ cầu Bì La đi Lập Thạch; Đường Hợp Thịnh - Đạo Tú; Hợp Châu - Đồng Tĩnh; Văn Quán đi Sông Lô; Tây Thiên - Tam Sơn; Đường nối từ đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đi Tây Thiên; Đường Tây Thiên - Bến Tắm; Đường vành đai 3; Đường QL2 đi cầu Phú Hậu; Mở rộng cầu Bì La… Các tuyến đường hướng tâm cơ bản đã hoàn thành. Nhiều tuyến đường nội thị chính thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên và nhiều tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ,… đã được đầu tư, cải tạo nâng cấp đạt chất lượng tốt. Ngoài ra, hệ thống giao thông tĩnh như các bến xe, điểm đỗ xe buýt được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển.

Về hệ thống cấp điện, hệ thống chiếu sáng, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ gia tăng cường độ và mức độ chiếu sáng tại các đường phố chính cũng như những khu nhà ở, ngõ xóm; Xây dựng tuyến đường dây, trạm biến áp mới tại các khu công nghiệp chuẩn bị đi vào hoạt động; Nâng cấp hệ thống đường dây, trạm biến áp cũ tại các khu công nghiệp đang hoạt động và các điểm du lịch có mật độ khách cao như Tây Thiên, Tam Đảo.

Bên cạnh đó, hạ tầng cấp nước đô thị tập trung cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước tập trung xã Như Thụy, huyện Sông Lô; Cải tạo, mở rộng mạng lưới cấp nước khu vực Phúc Yên, Bình Xuyên – khu vực lõi của đô thị Vĩnh Phúc; Xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên xã tại các huyện: Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Lập Thạch và Tam Dương; Xây dựng nhà máy nước Đức Bác từ 150.000m3 lên 500.000m3/ngày đêm, nhà máy nước sông Hồng công suất 29.000m3/ngày đêm, nhà máy nước sông Lô công suất 16.000m3/ngày đêm.

Hệ thống hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đang từng bước được đầu tư xây dựng. 100% các khu công nghiệp đi vào hoạt động đều có hệ thống thoát nước thải riêng và nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định. Dự án thu gom và xử lý nước thải khu vực thành phố Vĩnh Yên với công suất 5.000m3/ngày đêm từng góp phần xử lý một phần lượng nước thải sinh hoạt tại thành phố...

Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư hoàn thiện trong đó nhiều dự án lớn, trọng điểm không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân mà còn tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc như: Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh; Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc; khu công viên giải trí thành phố Vĩnh Yên; khu công viên cây xanh các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc; nâng cấp, sửa chữa hạ tầng các khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải; đường giao thông kết hợp đê ngăn nước Đầm Vạc; cầu Đầm Vạc; hệ thống chiếu sáng Quốc lộ 2B,… Cơ sở hạ tầng đô thị từng bước được hoàn thiện, thành phố Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, đáng sống đang dần hiện hữu.

Với sự ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại và đồng bộ đã, đang và sẽ giúp Vĩnh Phúc tạo được các lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo tiền đề để trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỉ XXI. Nhờ vậy đến nay, toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh, thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và các đô thị khác thuộc các huyện, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 46%.

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load