Thứ ba 15/10/2024 06:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Vĩnh Phúc: Tiến trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

09:57 | 05/05/2017

(Xây dựng) - Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 03/12/2012 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV về xây dựng, phát triển và quản lý đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 là Nghị quyết hết sức quan trọng, đầu tiên của tỉnh về lĩnh vực xây dựng, phát triển và quản lý đô thị kể từ khi tỉnh được tái lập (01/01/1997); là nền tảng quan trọng cho công tác xây dựng, phát triển và quản lý đô thị Vĩnh Phúc; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển, nâng cấp các đô thị trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát triển đô thị nhanh và bền vững

Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, có diện tích tự nhiên 1.236,5 km2; dân số 1,048 triệu người, có 9 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện với 137 xã, phường, thị trấn). Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, trong hành lang hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, gắn liền với chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông. Ngoài tầm quan trọng về vị trí như trên, Vĩnh Phúc còn có tài nguyên đất đai phong phú thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp, kết cấu hạ tầng và đô thị, các dịch vụ du lịch, vận tải… cũng như các dịch vụ khác gắn với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước cùng với tiềm năng lớn để phát triển du lịch ở khu vực Tam Đảo, Tây Thiên, Đầm Vạc nơi có các di tích lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp của thiên nhiên và nhiều tài nguyên du lịch phong phú khác nên đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, năm 2012 toàn tỉnh Vĩnh Phúc mới có 14 đô thị các loại (1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V), dân số đô thị 284,8 nghìn người, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt 23% thấp hơn mức trung bình của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, chất lượng cuộc sống của người dân đô thị chưa thực sự được cải thiện, nâng cao. Việc xây dựng, phát triển và quản lý đô thị mới tập trung chủ yếu tại TP Vĩnh Yên, TX Phúc Yên và một số đô thị vệ tinh lân cận, còn lại chưa phát triển để có thể đảm nhiệm vai trò là điểm tựa tạo ra sức hút và sức lan tỏa phát triển đô thị trên toàn tỉnh. 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm của đô thị Vĩnh Phúc còn nhiều hạn chế. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, sự nỗ lực phấn đấu của DN và nhân dân trong tỉnh, sau gần 5 năm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 03-NQ/TU đã đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể: Giai đoạn từ 2012 - 2015: Đã nâng cấp TP Vĩnh Yên thành đô thị loại II; TX Phúc Yên thành đô thị loại III; 12 thị trấn hiện có là đô thị loại V gồm Hợp Hòa, Tam Sơn, Hoa Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Thổ Tang, Tứ Trưng, Yên Lạc, Hương Canh, Gia Khánh, Thanh Lãng và Tam Đảo. Các đô thị trên đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; UBND tỉnh đã có quyết định công nhận cho 10 đô thị loại V, gồm: Hợp Châu (huyện Tam Đảo), Đạo Đức, Quất Lưu, Bá Hiến (huyện Bình Xuyên); Tam Hồng (huyện Yên Lạc); Thượng Trưng, Tân Tiến (huyện Vĩnh Tường); Hợp Thịnh, Kim Long (huyện Tam Dương); Sơn Đông (Lập Thạch). Đến năm 2015, mạng lưới đô thị trên toàn tỉnh đã được mở rộng tổng cộng 24 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại II và 22 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 33% tương đương mức trung bình cả nước; dân số đô thị đạt 352 nghìn người. Trong năm 2016 và quý I/2017 đã đầu tư một số công trình kết cấu hạ tầng đô thị tại TP Vĩnh Yên và TX Phúc Yên theo quy hoạch; tại huyện Bình Xuyên và huyện Vĩnh Tường đã được đầu tư thêm các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội để từng bước đáp ứng các tiêu chí đô thị loại IV. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã nông thôn đã được tăng cường như xã: Nguyệt  Đức, Tây Thiên, Vàng, Hợp Lý, Hải Lựu, Đức Bác, Lãng Công, Văn Quán, Bàn Giản và Xuân Lôi. Tuy nhiên, đến nay các xã này chưa đạt đủ các tiêu chí để công nhận là đô thị loại V. Hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch chung đô thị 1/5000 để làm cơ sở thực hiện đầu tư theo các tiêu chí đô thị loại V đối với 5 xã: Hoàng Đan, Đại Đình, Nguyệt Đức, Xuân Lôi, Đức Bác, theo kế hoạch của Nghị quyết đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc phân loại đô thi loại V đối với các xã nêu trên. Trong năm 2017, tỷ lệ đô thị hóa đã đạt 34%; dân số đô thị đạt 362 nghìn người.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Để cải thiện môi trường đầu tư tỉnh đã tập trung vào khâu cải cách thủ tục hành chính, đây được coi là khâu đột phá của những năm qua. UBND tỉnh đã thành lập Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư là cơ quan chuyên trách tổ chức các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Thành lập Ban GPMB và Phát triển quỹ đất cấp tỉnh; ban hành chính sách hỗ trợ công nghiệp phụ trợ; xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ đạo thu hồi đất đã giao cho Tập đoàn Compal tại KCN Bá Thiện để giao cho BQL các KCN quản lý; điều chỉnh quy hoạch của KCN Bình Xuyên II để kêu gọi thu hút Tập đoàn Sumitomo vào đầu tư... Vì vậy, thu hút đầu tư đã đạt được kết quả khả quan, đã có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực tỉnh đang chú trọng như lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất ôtô - xe máy; sản xuất VLXD… Một số nhà đầu tư có năng lực đã đăng ký đầu tư tại tỉnh như: Cty TNHH Shindoh Vina (Hàn Quốc), và một số nhà đầu tư của Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử và sắp tới đây là Sumitomo, SunGroup; VID Group; Vingroup; Bitexco, Vigracera... đây là kết quả quan trọng để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp trong giai đoạn tới.

Bên canh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt công tác vận động thu hút các dự án ODA; tổ chức hàng trăm buổi làm việc với các đối tác và các cơ quan Trung ương. Kết quả, đến nay có 3 dự án được nhà tài trợ chấp thuận bằng văn bản, với tổng số vốn được vay 345,7 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc triển khai thực hiện 6 dự án ODA.

5 năm qua, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 53,4% năm 2012 lên 61,97% vào năm 2016; khu vực dịch vụ có xu hướng giảm từ 33.1% năm 2012 xuống còn 27,78% năm 2016;  tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 13.5% năm 2012 xuống còn 10,25% năm 2016.

Phát triển kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật

Về phát triển nhà ở: Giai đoạn 2012-2017 đã phát triển thêm được 21 dự án phát triển nhà ở. Đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 62 dự án phát triển nhà ở bao gồm dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị. Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới khoảng 5,6 triệu m2 nhà ở với diện tích bình quân đạt 21m2/người (gồm nhà ở theo dự án và do người dân tự xây). Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 18 dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận đầu tư với tổng diện tích đất là 34,74ha, với 7.633 căn, trong đó đã đưa vào sử dụng 5 dự án nhà ở xã hội với quy mô là 1.012 căn. Về nhà ở cho người có công: UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở với tổng cộng là 2974 hộ; đến nay đã hỗ trợ được 2357 hộ, đạt khoảng 80% so với kế hoạch. Về nhà ở cho người nghèo: UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở vay vốn với tổng cộng là 1381 hộ; đến nay đã hỗ trợ được 79 hộ/257 hộ năm 2016, đạt khoảng 30% so với kế hoạch.

Về xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật: Đã và đang đầu tư được 3 tuyến đường vành đai: Đường vành đai 1, đoạn Nguyễn Tất Thành - Lam Sơn, đường Yên Lạc - Vĩnh Yên; đường vành đai 2, đoạn đường Hương Canh - Tân Phong, QL2 vòng tránh Hương Canh, đoạn đường Tôn Đức Thắng (Vĩnh Yên - TL302; đường vành đai 3, đoạn QL2C (đoạn từ QL2 - Bình Dương); Đường KCN Bình Xuyên (QL2 - Tỉnh lộ 310); Đường Hợp Thịnh - Đạo Tú đã cơ bản hoàn thành và thông tuyến giai đoạn 1. Đã đầu tư và đưa vào sử dụng một số tuyến hướng tâm sau: QL2 Đoạn Vĩnh Yên - Nội Bài; QL2C đi Tuyên Quang; QL2C đi Sơn Tây: Cải tạo, nâng cấp QL2C và cầu Vĩnh Thịnh; QL2B: Cải tạo, nâng cấp QL2B - cơ bản đã thực hiện xong đến xã Hợp Châu (km9); Tỉnh lộ 305 (Quán Tiên - Cầu Bến Gạo; Đường Tôn Đức Thắng kéo dài (địa phận huyện Bình Xuyên) và Đường Nguyễn Tất Thành (địa phận Bình Xuyên và Phúc Yên). Các tuyến đường nội thị chính đã đầu tư và đưa vào sử dụng đường song song đường sắt, tuyến phía Bắcđoạn từ Bến xe Vĩnh Yên đến giao với đường Kim Ngọc; Đường tỉnh 301 (phần nội thị): Đường tỉnh lộ 301 đoạn từ gầm cầu Vượt QL2 - BOT vượt qua đường sắt Hà Nội - Lào Cai đến đường Nguyễn Tất Thành TXPhúc Yên hiện đang triển khai khối lượng đạt khoảng 70%. Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đoạn qua Vĩnh Phúc; Dự án công trình Cầu Vĩnh Thịnh nối liền 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Thủ đô Hà Nội đã đưa vào sử dụng.

Trong giai đoạn 2013 - 2017 tổng số vốn đã đầu tư cho các công trình giao thông thuộc hạ tầng khung đô thị là 5.086 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 1.587 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 549 tỷ đồng, vốn ODA 2.950 tỷ đồng; riêng năm 2016 đã đầu tư 835 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 601 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 234 tỷ đồng).

 

Nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước về quản lý đô thị

Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị: UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo rà soát và điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức lập các quy hoạch mới đảm bảo và phù hợp từng giai đoạn phát triển đô thị. Đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt 23 đồ án Quy hoạch phân khu; 6 đồ án Quy hoạch chung; 3 đồ án quy hoạch vùng và 9 đồ án quy hoạch chung đô thị loại V; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung các đô thị là 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc  đạt 100%;

Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo tổ chức lập 5 đồ án QHC đô thị loại V (các xã: Hoàng Đan, Đại Đình, Nguyệt Đức, Xuân Lôi, Đức Bác) theo chương trình tổng thể xây dựng, phát triển đô thị Vĩnh Phúc để làm cơ sở triển khai đầu tư và phân loại đô thị; triển khai lập các Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc cho các khu vực cấp huyện quản lý trong phạm vi QHCXD đô thị Vĩnh Phúc: Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Phúc Yên, Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lạc; triển khai lập đồ án thiết kế đô thị thị trấn Tam Đảo và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc thị trấn Tam Đảo...

Về quy hoạch khu du lịch, dịch vụ sản xuất công nghiệp: UBND tỉnh đã phê duyệt được 23 đồ án Quy hoạch khu du lịch, dịch vụ sản xuất và 27 đồ án quy hoạch khu, cụm công nghiệp.

Về kế hoạch và giải pháp thực hiện chương trình tổng thể xây dựng, phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050: UBND tỉnh đã tổ phê duyệt 15 đồ án quy hoạch phân khu; xây dựng và ban hành chương trình phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, để cụ thể hóa quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc và Chương trình tổng thể xây dựng, phát triển đô thị Vĩnh Phúc đã được phê duyệt; đã tổ chức Công bố công khai các đồ án quy hoạch xây dựng đã được duyệt, thông tin quy hoạch, cắm đưa mốc giới quy hoạch ra ngoài thực địa 91 đồ án (Gồm: Quy hoạch vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu) làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng.

Trong quá trình lập, thẩm đinh, phê duyệt quy hoạch. UBND tỉnh đã huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào công tác quy hoạch đô thị, nhờ vậy đã góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch và tạo ra sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Để quản lý kiến trúc, cảnh quan, đất đai, kết cấu hạ tầng đô thị, môi trường… UBND tỉnh ban hành các quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc cảnh quan trên địa bàn tỉnh; phê duyệt các quy chế quản lý các khu đô thị; các quy định về cấp phép xây dựng và thỏa thuận địa điểm, phương án kiến trúc công trình; các văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội làm công cụ để quản lý hiệu quả. Tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc các công trình quan trọng; nâng cao năng lực của cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã để đảm bảo chất lượng công tác quản lý; tổ chức tuyên truyền phỏ biến pháp luật về xây dựng một cách sâu rộng đến các tổ chức cá nhân và nhân dân toàn tỉnh nâng cao nhận thức trách nhiêm khi đầu tư xây dựng công trình; chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành  tổ chức, kiểm tra xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm trong hoạt động xây dựng.

Về quản đất đai và môi trường: UBND tỉnh ban hành các băn bản quy định, hướng dẫn việc quản lý, hướng dẫn về đất đai và môi trường. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hàng năm của các cấp để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; tổ chức kiểm tra, thu hồi đất các dự án vị phạm giấy phép đầu tư; thực hiện việc thu hồi và giao đất theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành  tổ chức, kiểm tra xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm về đất đai và môi trường…

 

Xây dựng và phát triển hệ thống đô thị hoàn chỉnh

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng, phát triển và quản lý đô thị, Tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra các nhiệm vụ chung thực hiện. Theo đó, giai đoạn 2017-2020: Xây dựng TX Phúc Yên trở thành TP Phúc Yên thuộc tỉnh. Tiếp tục xây dựng phát triển hoàn chỉnh TP Vĩnh Yên, TP Phúc Yên theo quy hoạch; đầu tư xây dựng, nâng cấp các khu vực huyện Bình Xuyên, huyện Vĩnh Tường đạt tiêu chí đô thị loại IV làm cơ sở thành lập mới 2 thị xã. Hoàn thiện các đồ án quy hoạch chung của các xã dự kiến sẽ là đô thị loại V, để làm cơ sở đầu tư và phân loại đô thị theo chương trình phát triển đô thị được phê duyệt, gồm: Nguyệt Đức, Tây Thiên (Đại Đình), Vàng (Hoàng Đan), Hợp Lý, Hải Lựu, Đức Bác, Lãng Công, Văn Quán, Bàn Giản và Xuân Lôi đạt tiêu chí đô thị loại V, làm cơ sở thành lập các thị trấn mới. Tăng quy mô dân số đô thị lên khoảng 0,85 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 60%. Thành lập BQL khu vực phát triển đô thị của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; nâng cao thu nhập bình quân hàng năm; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; đẩy mạnh phát triển các cơ sở kinh tế sản xuất, dịch vụ để đảm bảo của quá trình phát triển và đô thị hóa được bền vững; Tập trung đầu tư và thu hút các nguồn lực để xây dựng kết cầu hạ tầng công nghiệp đảm bảo đồng bộ và tăng lỷ lệ lấp đầy tại các KCN tập trung theo định hướng quy hoạch; tiếp tục xây dựng các cơ chế tốt để thu hút đầu tư xây dựng và đưa các KCN đã thành lập vào hoạt động như: Sơn Lôi, Bình Xuyên II, Bá Thiện, Bá Thiện II, Chấn Hưng; đồng thời triển khai lập quy hoạch để thu hút đầu tư, xây dựng một số KCN mới, như: Tam Dương I, Tam Dương II và Lập Thạch II,...

Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng xã hội: Từ nay đến năm 2020, trên cơ sở nhu cầu thực tế, xây dựng mới khoảng 3,4 triệu m2 nhà ở để đảm bảo đến năm 2020 đạt 9,0 triệu m2 sàn nhà ở; diện tích nhà ở đạt khoảng 25m2/người; định hướng giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 xây dựng mới khoảng 20 triệu m2 nhà ở; đặc biệt coi trọng việc phát triển quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030. Tiếp tục kêu gọi và tập trung các nguôn lực để đầu tư xây dựng các trung tâm chuyên ngành gồm: Trung tâm giáo dục - đào tạo; y tế; khu đô thị đại học Vĩnh Phúc và 3 chùm đô thị vệ tinh; xây dựng và phát triển 9 khu du lịch, trong đó phấn đấu có 3 khu du lịch đạt tiêu chuẩn cấp Quốc gia là Tây Thiên - Tam Đảo II, Đại Lải, Hồ Sáu Vó và 6 khu du lịch cấp tỉnh: Tam Đảo I, Đầm Vạc, Hồ Làng Hà, Hồ Vân Trục - Hồ Bò Lạc, Đầm Rưng, Bắc Ngọc Thanh. Từng bước đầu tư phát triển hệ thống không gian cây xanh, công viên, mặt nước, trước mắt tập trung xây dựng Khu liên hợp thể thao tỉnh, hoàn thiện Khu đào tạo vận động viên tỉnh.

Về xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị: Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn Trung ương hoàn chỉnh mạng lưới giao thông quốc gia đi qua tỉnh như QL2A, QL2C, đường vành đai 4,5 và vành đai 5 TP Hà Nội, đường sắt Hà Nội - Lào Cai; đường sắt khổ rộng. Thu hút các nguồn vốn từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông khung của tỉnh; về đường bộ xây dựng, hoàn thiện 10 tuyến hướng tâm, 5 đường vành đai gắn kết hệ thống đô thị với các vùng nông thôn. Tiếp tục xây dựng phát triển hệ thống giao thông đường thuỷ như sông Hồng, sông Lô; đường sắt du lịch; xây dựng và tổ chức tốt hệ thống giao thông công cộng gồm hệ thống xe buýt liên đô thị, xe buýt cao tốc Phúc Yên - Bắc Vĩnh Yên - Nam Vĩnh Yên, xe điện nhẹ trục Bắc Nam đô thị Vĩnh Phúc; đầu tư xây dựng các công trình giao thông như hệ thống cảng sông, cảng cạn (cảng ICD), cầu sông, cầu vượt…

Các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020

Với mục phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành TP Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI, Đảng bộ, chính quyền vfa nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc sẽ ưu tiên công tác chuẩn bị đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch đã đề ra đối với các dự án đầu tư công, dự án xã hội hóa; Tập trung triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông diện rộng, các công trình xử lý chất thải rắn, nghĩa trang và kết cấu hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học; kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư vào kết cấu hạ tầng KCN; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng; xây dựng nông thôn mới, tái cấu trúc nông nghiệp.

 

Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load