(Xây dựng) - Để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, năm 2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 07/2013, Chỉ thị số 03/2013 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc về tăng cường quản lý, trách nhiệm phối hợp của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, địa phương trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi trái phép trên sông còn diễn ra ở một số địa phương, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, đe dọa an toàn đê điều và ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân. Hoạt động khai thác trái phép này còn ảnh gây mất an ninh trật tự tại một số xã nông thôn.
Để tăng cường hiệu quả trong quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, ngày 08/9/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Theo đó, Chỉ thị yêu cầu các cấp, ngành và các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khoáng sản đến người dân, các tổ chức có liên quan để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm.
Việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản phải căn cứ quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản phải đáp ứng được yêu cầu về năng lực khai thác, tuân thủ các quy định pháp luật liên quan tới khai thác khoáng sản, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và hành lang thoát lũ, giữ gìn an ninh trật tự và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc khai thác theo quy định của pháp luật.
Chỉ thị cũng quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong quản lý khai thác cát, sỏi trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh rà soát hồ sơ các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác cát, sỏi trước và sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan cho cơ quan thuế làm cơ sở kiểm tra, xử lý trách nhiệm về nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.
Sở Xây dựng phối hợp với các ngành và địa phương có liên quan tăng cường công tác quản lý quy hoạch khoáng sản cát, sỏi. Căn cứ quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi của tỉnh đã phê duyệt đối chiếu với danh mục các dự án, công trình nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia của Bộ Giao thông vận tải, đề xuất giải quyết các trường hợp chồng lấn. Đồng thời, theo dõi và dự báo nhu cầu sử dụng cát, sỏi để đề xuất báo cáo UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác đáp ứng nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng trên thị trường của tỉnh và vùng lân cận.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý những trường hợp khai thác, nạo vét khoáng sản lòng sông sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi trái phép, vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt bão. Tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các giải pháp phòng, chống và khắc phục có hiệu quả tình trạng sạt lở bờ sông, bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi liên quan đến các tuyến sông.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với cơ quan quản lý đường sông đề xuất báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải những đoạn sông nào cần phải nạo vét, những đoạn nào đã đủ độ sâu và khả năng lưu thông tàu thuyền không cần nạo vét, tránh tình trạng lợi dụng việc nạo vét để khai thác khoáng sản (cát, sỏi) gây thất thoát tài nguyên khoáng sản và thất thoát nguồn thu ngân sách.
Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi, không để xảy ra các hành động mang tính xã hội đen, côn đồ xảy ra trên địa bàn,…
UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản lòng sông trên địa bàn, đặc biệt ở các tuyến sông giáp ranh giữa các huyện và giữa các tỉnh. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép, vi phạm quy định về an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và an toàn đê điều, thoát lũ, gây bức xúc trong nhân dân; xử lý triệt để các trường hợp kinh doanh bến bãi, vận chuyển, tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép hoặc không có nguồn gốc hợp pháp. Khi phát hiện hoạt động khoáng sản trái phép phải tổ chức ngay lực lượng ngăn chặn, xử lý kiên quyết, kịp thời theo thẩm quyền.
Đối với cấp xã tổ chức thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý. Xây dựng phương án phối hợp với các xã giáp ranh có sông để kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác, tập kết, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép tại vùng giáp ranh. Yêu cầu các chủ tàu trên địa bàn ký cam kết không khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép. Phát động phong trào quần chúng tham gia giám sát, phát hiện, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi khai thác cát, sỏi gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất, đe dọa an toàn đề điều.
Với việc quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các ngành, địa phương sẽ góp phần đưa công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn đê điều, ổn định tình hình chính trị địa phương.
Văn Nhất
Theo