Thứ ba 08/10/2024 19:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông

15:35 | 19/05/2023

(Xây dựng) – UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về tăng cường công tác thực hiện quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông
Lực lượng chức năng giải tỏa hành lang ATGT trên Quốc lộ 2 đoạn qua Vĩnh Tường.

Theo đó, những năm qua hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được quy hoạch, đầu tư ngày một đồng bộ, hiện đại góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình hình vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra như tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ vẫn xảy ra trên một số đoạn đường, nhất là các thị trấn, nơi tập trung các khu, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm phát sinh và có phương án xử lý các trường hợp vi phạm do lịch sử để lại, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông (ATGT), Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ và Quyết định số 45/2019/QĐUBND ngày 04/10/2019 của UBND tỉnh ban hành “Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật…

Đối với Sở Giao thông vận tải (GTVT) cần sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trên các tuyến đường thuộc cấp tỉnh quản lý và quốc lộ ủy thác, xử lý các vị trí nguy hiểm, tiềm ẩn mất ATGT. Thực hiện duy tu, sửa chữa đường bộ chủ động triển khai công tác bảo dưỡng thường xuyên, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ, không để người dân xây dựng xong các công trình vi phạm mới phát hiện, yêu cầu tháo dỡ gây lãng phí về kinh tế và bức xúc trong nhân dân. Phối hợp với UBND cấp huyện giải tỏa, xử lý các vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến đường được giao quản lý…

Giao Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền. Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về tải trọng, khổ giới hạn, kích thước thành thùng, xếp dỡ hàng hóa của phương tiện cơ giới đường bộ; phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT và chính quyền địa phương triển khai thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ, giải tỏa các trường hợp vi phạm, không để xảy ra trường hợp tái lấn chiếm trở lại sau khi giải tỏa.

Đối với Sở Xây dựng, hướng dẫn quản lý xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; tăng cường công tác quản lý, quy hoạch đô thị, hoạt động xây dựng, quy hoạch các công trình hạ tầng đô thị phải đảm bảo đồng bộ không ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông. Lấy ý kiến của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền về nội dung đấu nối, xây dựng đường gom, rãnh thoát nước, các công trình thiết yếu trước khi trình duyệt các quy hoạch, dự án xây dựng liên quan đến phạm vi đất dành cho đường bộ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị, xây dựng làm cơ sở quản lý hành lang an toàn đường bộ.

Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì phối hợp Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn việc quy hoạch và sử dụng đất dành cho đường bộ; phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ. Phối hợp với UBND cấp huyện rà soát lại diện tích đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã cấp quyền sử dụng cho cá nhân, tổ chức và tham mưu đề xuất phương án thu hồi. Yêu cầu các doanh nghiệp khai thác mỏ khoáng sản ký cam kết xếp hàng hóa lên xe đúng tải trọng quy định và có biện pháp bảo đảm cho các phương tiện vận chuyển khoáng sản không lôi kéo bùn, đất, chất thải và các loại vật liệu khác ra đường bộ gây mất ATGT và vệ sinh môi trường…

Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn giao thông
Lực lượng chức năng tuyên truyền người dân không lấn chiếm, buôn bán trên hành lang giao thông.

Đối với UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phạm vi đất dành cho đường bộ, quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để người dân được biết và chấp hành, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư; tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết giải tỏa các trường hợp sử dụng trái phép đất dành cho đường bộ để họp chợ, kinh doanh buôn bán, tập kết vật liệu... Hàng năm, xây dựng kế hoạch, tổ chức cưỡng chế giải tỏa các công trình sử dụng trái phép đất hành lang ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, đặc biệt là các tuyến đường đã được bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ, xử lý giải tỏa các trường hợp vi phạm là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và phải được làm thường xuyên, liên tục. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện.

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load