Thứ năm 25/04/2024 19:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vĩnh Phúc: Hơn 177.000 lao động sẽ được hỗ trợ từ Qũy bảo hiểm thất nghiệp

09:00 | 18/10/2021

(Xây dựng) - Thực hiện Nghị quyết số 116 của Chính phủ, gói hỗ trợ 38.000 tỷ được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm sự công bằng, chia sẻ rủi ro, đóng - hưởng đã chuẩn bị đến tay những người lao động Vĩnh Phúc.

vinh phuc hon 177000 lao dong se duoc ho tro tu quy bao hiem that nghiep
Người lao động và doanh nghiệp đều phấn khởi và đánh giá cao gói hỗ trợ của Chính phủ.

Theo Nghị quyết số 116 của Chính phủ, người lao động sẽ được hỗ trợ từ 1,8-3,3 triệu đồng/người dựa trên thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách mới cũng quy định hỗ trợ cho người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong thời gian từ 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021.

Những người này cũng phải có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định. Thời gian thực hiện hỗ trợ người lao động từ ngày 01/10 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12.

Người sử dụng lao động bảo đảm điều kiện trên được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng với các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh, Công ty Cổ phần giầy Phúc Yên gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập nguyên liệu sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Thậm chí có thời điểm công ty phải tạm cho 1.300 công nhân nghỉ việc. Do vậy, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116, ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần giầy Phúc Yên rất vui mừng. Ông cho biết, việc Chính phủ giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0% sẽ giúp cho doanh nghiệp bớt đi gánh nặng chi phí, bảo tồn được phần nào dòng tiền để duy trì sản xuất, kinh doanh, tiếp tục tạo việc làm mới cho người lao động.

“Chúng tôi coi việc giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp từ Chính phủ là một động lực quan trọng và thiết thực lúc này giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, cùng nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch", ông Vinh chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Vinh, trong suốt giai đoạn dịch, các quyết sách của Chính phủ đối với nhân dân, người lao động, doanh nghiệp kịp thời thiết thực, là động lực quan trọng để doanh nghiệp, người lao động Vĩnh Phúc nói riêng, cả nước nói chung đồng lòng đoàn kết, hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động đợt này sẽ giúp người lao động và gia đình của họ có thể giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và qua đó góp phần tránh tình trạng đứt gãy hoặc thiếu hụt lao động, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch tới đây, khi bước vào giai đoạn phát triển bình thường mới.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, thực hiện Nghị quyết số 116 của Chính phủ và chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ; thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ truyền thông, tổ rà soát, tổ chi trả; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng phòng nghiệp vụ cũng như bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố; tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn về nội dung, quy trình thủ tục, hồ sơ và giải đáp những vướng mắc của đơn vị, doanh nghiệp về chính sách hỗ trợ.

Để lan tỏa sâu rộng chính sách hỗ trợ, Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức đợt truyền thông cao điểm bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường, trên loa truyền thanh cơ sở, zalo, facebook, các trang fanpage… để đơn vị, doanh nghiệp, người lao động nắm rõ và tiếp cận chính sách một cách nhanh chóng, đầy đủ nhất. Đồng thời, bố trí cán bộ trực đường dây nóng sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; tăng cường cán bộ làm thêm việc ngoài giờ hành chính, làm cả ngày thứ 7, chủ nhật để rà soát dữ liệu, chuyển dữ liệu và thông báo đến các đơn vị sử dụng lao động.

Không những vậy, Bảo hiểm xã hội tỉnh còn hỗ trợ, hướng dẫn rất chi tiết tới từng doanh nghiệp. Theo đó, đơn vị không phải lập danh sách mà cán bộ phòng Thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ lập danh sách gửi cho doanh nghiệp để đơn vị kiểm tra, đối chiếu, xác nhận lại thông tin.

Qua rà soát, toàn tỉnh có 3.370 doanh nghiệp thuộc đối tượng giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và trên 177.000 người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9 có tên trong danh sách hỗ trợ.

Tính đến hết ngày 13/10, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ của 365 đơn vị, doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ cho trên 2.500 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp; gần 900 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động đang có thời gian bảo hiểm thất nghiệp bảo lưu.

Quyết tâm hoàn thành việc chi trả hỗ trợ xong trước ngày 31/12/2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện việc chi trả hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, nhanh chóng, hiệu quả cho người lao động theo đúng tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ không chi trả hỗ trợ qua người sử dụng lao động mà sẽ trả hỗ trợ trực tiếp cho từng lao động.

Với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều phấn khởi và đánh giá cao gói hỗ trợ đầy tính nhân văn, chia sẻ, kịp thời lần này của Quốc hội và Chính phủ. Bởi trong bối cảnh khó khăn do đại dịch gây nên, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực sự là chỗ dựa vững chắc cho người lao động và người sử dụng lao động, góp phần hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, giúp người sử dụng lao động có thêm chi phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng lao động, thể hiện tính nhân văn, ưu việt của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Bích Huệ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load