(Xây dựng) - Sự nỗ lực, đồng thuận của người dân cùng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị đến nay huyện Lập Thạch đã có 10/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên so với bình quân chung của tỉnh nợ đọng xây dựng cơ bản NTM của huyện vẫn ở mức cao. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.
Chú trọng xây dựng hạ tầng phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản ở huyện Lập Thạch.
Lập Thạch bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trong điều kiện hết sức khó khăn: Diện tích lớn, miền núi nhiều, địa hình phức tạp, điểm xuất phát thấp... Song với quyết tâm cao của cấp uỷ chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của người dân, sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn toàn huyện ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) còn lớn, tổng nợ XDCB của các xã xây dựng NTM là 232.154 triệu đồng/ 424 công trình. Trong đó, 12 xã đã đạt chuẩn nợ trên 162,9 tỷ đồng; 4 xã đăng ký đạt chuẩn năm 2017 nợ hơn 69,2 tỷ đồng. Số nợ này chủ yếu tập trung vào các công trình giao thông, trường học, thủy lợi, nhà văn hóa, chợ. Riêng xã Thái Hòa, với số nợ xấp xỉ 20 tỷ đồng và khó có khả năng huy động được vốn để trả nợ, địa phương này đang dẫn đầu tỉnh về nợ đọng xây dựng cơ bản từ NTM.
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Hà Văn Quyết - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản ở Lập Thạch ở mức cao là do phần lớn các chủ đầu tư chưa quan tâm nhiều đến công tác lập kế hoạch, chủ yếu tại đây cấp xã làm chủ đầu tư nên dự kiến báo cáo nguồn vốn đối ứng của chủ đầu tư chưa khả thi nên dẫn đến nợ xây dựng cơ bản phát sinh và kéo dài. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng của các chủ đầu tư ở cấp xã dàn trải, chưa mang tính ưu tiên, chưa tập trung trọng điểm các công trình bức xúc, song song với đó là năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác đầu tư XDCB của nhiều xã rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và công tác quyết toán công trình XDCB của các chủ đầu tư chậm, hiện nay rất nhiều công trình đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư và nhà thầu không lập và trình thẩm định quyết toán, do đó số nợ XDCB chưa được xác định chính xác.
Ngoài số tiền hỗ trợ hơn 278,2 tỷ đồng của tỉnh, từ năm 2012 đến nay, huyện Lập Thạch dành khoảng 184 tỷ đồng từ ngân sách huyện cho thực hiện các dự án NTM với quyết tâm đưa huyện Lập Thạch về đích nông thôn mới vào năm 2018 và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản từ NTM. Bên cạnh đó, UBND huyện Lập Thạch đang ra sức thực hiện các văn bản do thủ tướng chính phủ và UBND tỉnh đề ra trong kế hoạch đầu tư công, ưu tiên nguồn vốn trả nợ, vốn hoàn thành các công trình chuyển tiếp nhằm giảm các chi phí không cần thiết do kéo dài thời gian thi công. Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn hoàn thành việc xác định các khu đất đấu giá, đất xen ghép để tổ chức đấu giá.
Trang Lê
Theo