Trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Vĩnh Phúc đã quan tâm đến phát triển các khu công nghiệp với công nghệ cao. Cùng với đó, Vĩnh Phúc còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói chung và bảo vệ các loài động vật quý hiếm nhằm ổn định, cân bằng sinh thái đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc nằm ở phía Bắc của thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên 1.230 km2, dân số trên 1 triệu người; là nơi tiếp giáp giữa đồng bằng sông Hồng với miền núi phía Bắc nên đã tạo ra cho Vĩnh Phúc có ba vùng sinh thái khác nhau như đồng bằng, trung du và miền núi, vì vậy Vĩnh Phúc có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực.
Nỗ lực phát triển kinh tế
Với những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, kinh tế – xã hội Vĩnh Phúc đã có bước phát triển nhanh chóng, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 17%. Năm 2008, mặc dù trong điệu kiện chịu ảnh hưởng cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới, song kinh tế của tỉnh vẫn đạt tăng trưởng gần 18%, là một trong các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh năm 2008 đạt trên 1300 USD. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay Vĩnh Phúc là tỉnh xếp thứ 7 trong cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp; là tỉnh đứng thứ 2 ở miền Bắc và thứ 5 cả nước về thu ngân sách nội địa.
Do chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, 6 tháng đầu năm 2009, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh âm 4,26% so với cùng kỳ năm 2008; Tổng thu ngân sách trên địa bàn giảm 40,9%; toàn tỉnh thu hút được 5 dự án FDI, giảm 61,4%. Tuy nhiên hết năm 2009 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như sau: Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2009 ước đạt 9.904,5 tỷ đồng; tăng 1,9% so với năm 2008, trong đó thu nội địa ước đạt 7.700 tỷ đồng, tăng 6,8%. Tốc độ tăng trưởng GDP wớc đạt 6,74%. GDP bình quân đầu người năm 2009 ước đạt 24,3 triệu đồng (khoảng 1.400 USD), tăng 9,4% so năm 2008.
Chất lượng môi trường chưa tốt
Tốc độ đô thị hoá tăng nhanh cùng với sự tăng trưởng mạnh về kinh tế trong những năm vừa qua đã có những tác động đến môi trường, làm cho chất lượng môi trường đang có chiều hướng giảm, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ của nhân dân và sự phát triển bền vững của tỉnh; sự ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị, khu công nghiệp... có nguy cơ gia tăng; chất lượng môi trường nước mặt và nước ngầm giảm; lượng chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp tăng nhanh và chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Tỷ lệ thu gom rác thải ở các đô thị đều rất thấp, chỉ đạt khoảng 40 đến 60% tổng lượng thải. Hầu hết chất thải y tế ở các bệnh viện, các cơ sở y tế chưa được thu gom và xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, các khu, cụm công nghiệp hầu hết đều ở trong tình trạng vừa hoàn thiện quy hoạch, vừa thu hút dự án đầu tư, vừa xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa có trạm trung chuyển chất thải rắn và khu xử lý nước thải tập trung. Vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở công nghiệp cũ với công nghệ lạc hậu nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.
Vấn đề cung cấp nước sạch, xử lý chất thải và điều kiện vệ sinh môi trường ở nhiều vùng nông thôn còn rất kém. Ý thức tự giác về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường của đại đa số nhân dân còn thấp. Tình trạng vứt rác thải bừa bãi, nước thải không qua xử lý vẫn còn diễn ra phổ biến. Nạn chặt phá rừng, cháy rừng, săn bắt và khai thác động vật quý hiếm vẫn xảy ra đã làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Các ban ngành chức năng đang nỗ lực vào cuộc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên
Trước thực trạng trên, việc phối hợp hành động bảo vệ môi trường với các tổ chức chính trị xã hội giữ vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường như: Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Cựu chiến binh và Liên minh các hợp tác xã. Các đoàn thể quần chúng này là một lực lượng hùng mạnh, có điều kiện để tổ chức tuyên truyền, huy động và hướng dẫn hành động đến mọi người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Đi sâu vào từng giới, từng tổ chức và các tầng lớp xã hội để huy động lực lượng tham gia bảo vệ môi trường phù hợp với khả năng, điều kiện của mỗi đối tượng.
Được biết trong thời gian qua, việc bảo vệ động vật hoang dã và tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung đã nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền cùng các ban, ngành, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và người dân trong vùng. Tuy nhiên, để triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, văn bản chỉ đạo của chính quyền được đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ động thực vật hoang dã nói riêng cần có sự hỗ trợ, ủng hộ của các doanh nghiệp quốc doanh, tư nhân trong và ngoài tỉnh cả về vật chất và tinh thần để giúp công tác quản lý và bảo vệ rừng thực hiện được tốt hơn nhằm ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.
Đặc biệt, các cơ quan truyền thông đại chúng từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kịp thời những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Riêng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã có chuyên mục hàng tháng về bảo vệ môi trường với thời lượng phát sóng khoảng 20 đến 25 phút. Trên Bản tin sinh hoạt chi bộ phát hành hàng tháng; Bản tin Khoa giáo phát hành hàng quý do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ biên soạn, phát hành đều có chuyên trang, chuyên mục về Bảo vệ môi trường được đăng tải có tác dụng giáo dục, định hướng tư tưởng, dư luận đối với công tác bảo vệ môi trường trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.
PV
Theo baoxaydung.com.vn