(Xây dựng) - Với mục tiêu lấy công nghiệp làm nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chú trọng đến công tác quy hoạch, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
![]() |
Công tác quy hoạch, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp luôn được tỉnh Vĩnh Phúc và các nhà đầu tư chú trọng quan tâm. |
Vĩnh Phúc là tỉnh có vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển công nghiệp, khu công nghiệp. Ngay từ khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc xác định công tác quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp phải đi trước một bước, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung đô thị, nhằm hình thành hệ thống các khu công nghiệp được phân bố hợp lý trên địa bàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, khai thác triệt để quỹ đất đồi, đất bạc màu, bảo đảm phát triển bền vững và thực sự trở thành động lực cho sự phát triển chung toàn tỉnh; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển 19 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 5.487,31ha, trong đó 16 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích đất theo quy hoạch được duyệt là 3.168,02ha.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc: 6 tháng đầu năm 2023, Ban đã tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh quy hoạch khu công nghiệp Tam Dương I – khu vực 3 phát triển thành khu công nghiệp công nghệ cao của tỉnh; trình UBND tỉnh báo cáo đề xuất hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, bố trí nguồn vốn để thực hiện lựa chọn đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Khu công nghiệp Chấn Hưng; bổ sung một số nội dung Đề án điều chỉnh vị trí quy hoạch phát triển khu công nghiệp Lập Thạch I và Lập Thạch II; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với các khu công nghiệp: Nam Bình Xuyên, Sơn Lôi và tỉ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc (lần 4)…
Cùng với đó, Ban đã thực hiện ký quỹ bổ sung dự án Khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2; đôn đốc các đơn vị hạ tầng cam kết việc triển khai, thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp: Sông Lô I; Sông Lô II và Đồng Sóc. Đề nghị Sở Xây dựng xem xét, rà soát kỹ lưỡng vùng ranh giới của Khu công nghiệp Đồng Sóc. Lấy ý kiến các Sở, ngành, địa phương về các nội dung mở rộng Khu công nghiệp Bình Xuyên; nguồn gốc đất Khu công nghiệp Bình Xuyên - Yên Lạc, Chấn Hưng (lần 2); điều chỉnh bổ sung Khu công nghiệp Bình Xuyên - Yên Lạc vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Bình Xuyên (lần 2).
Thời gian tới, Ban Quản lý các khu công nghiệp tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, bổ sung thêm một số khu công nghiệp với dự kiến tổng diện tích khoảng 10.000ha.
Song song với công tác quy hoạch, nhằm tạo điều kiện tốt để thu hút đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng quan tâm hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và thu hút đầu tư của các chủ đầu tư. Do vậy, ngay sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng đăng ký đầu tư, các chủ đầu tư đều tích cực triển khai, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển khu công nghiệp.
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đã cơ bản được các chủ đầu tư triển khai thực hiện theo quy hoạch xây dựng được duyệt; các thiết kế công trình hạ tầng, phương án phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định, phê duyệt theo quy định. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng đều được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, nghiệm thu, xác nhận hoàn thành theo quy định.
Theo đó, hầu hết các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đều đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ và thu hút các doanh nghiệp thứ cấp vào hoạt động; hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định, hiệu quả, góp phần rất quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Được thành lập năm 2008, Khu công nghiệp Bá Thiện II do Công ty Cổ phần Vina – CPK làm chủ đầu tư, đã được tỉnh Vĩnh Phúc xác định cần thiết phải xây dựng khu công nghiệp xanh, sạch, đẹp là nơi đến lý tưởng, tin cậy cho các nhà đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo quy hoạch, Khu công nghiệp Bá Thiện II có diện tích đất công nghiệp là 236,638ha, diện tích đất cây xanh là 36,47ha, diện tích đất giao thông là 30,899ha, diện tích đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật 3,236ha, diện tích đất công trình công cộng dịch vụ là 1,587ha.
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp luôn được nhà đầu tư chú trọng quan tâm đầu tư. Đến nay, hệ thống hạ tầng đã hoàn thiện đồng bộ, hiện đại theo đúng quy hoạch được duyệt với hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom nước thải, hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch, hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp theo công nghệ hiện đại của Singapore và Nhật Bản với công xuất đạt 10.000m3/ngày.đêm.
Tính đến hết tháng 8/2023 đã có 73 dự án đầu tư còn hiệu lực trong Khu công nghiệp Bá Thiện II, gồm 68 dự án FDI và 05 dự án DDI. Tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp đạt trên 95% (tính trên diện tích đã giải phóng mặt bằng xong).
Bích Huệ
Theo