(Xây dựng) - Trong thời gian qua, tình trạng các công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng... vẫn xảy ra nhiều, phức tạp tại một số địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhất là tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng môi trường, gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Trước tình trạng đó, các cấp chính quyền chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn, răn đe đủ mạnh.
Xây nhà trái phép bên sông Phó Đáy chờ đền bù tại xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc
Theo kết quả rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, vi phạm Luật Đất đai diễn ra trên khắp các địa phương. Tính đến năm 2014, toàn tỉnh còn trên 12.200 trường hợp vi phạm lấn, chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng các công trình trái phép, tự ý khai thác, làm biến dạng mặt bằng, hủy hoại đất, với tổng diện tích trên 5,5 triệu m2.
Trước tình hình đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XV đã ban hành Nghị quyết 81 về tăng cường việc thực hiện chính sách pháp luật quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đất đai.Từ ngày 1/7/2014 đến hết ngày 31/8/2015, toàn tỉnh còn 350 trường hợp vi phạm lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích với diện tích 21.470m2 đất.
Huyện Vĩnh Tường là một trong những địa phương có số hộ vi phạm quy định về sử dụng đất đai lớn. Nhiều biện pháp được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 4.367 trường hợp vi phạm Luật Đất đai với tổng diện tích vi phạm hơn 321ha. Từ tháng 12/2012, khi Nghị quyết 81 của HĐND tỉnh có hiệu lực đến hết 31/8/2015, toàn huyện có 351 trường hợp vi phạm với tổng diện tích 5,8 ha. Huyện đã tiến hành lập hồ sơ, xử lý hành chính và cưỡng chế, tháo dỡ 93 trường hợp vi phạm với tổng diện tích trên 11.144m2 và thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, bảo vệ thi công 8 công trình, dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Xã Tân Tiến và Đại Đồng là hai địa phương điển hình về vi phạm Luật Đất đai của huyện Vĩnh Tường. Tính đến hết tháng 8 năm 2015, xã Đại Đồng có 566 trường hợp vi phạm Luật Đất đai với tổng diện tích gần 470.000m2; xã Tân Tiến có 319 hộ vi phạm với tổng diện tích trên 67.000m2, đã xây dựng nhà ở, công trình kinh doanh dịch vụ, công trình chăn nuôi. Hiện nay một số công trình vi phạm đang tiếp tục xây dựng.
Trên địa bàn thị xã Phúc Yên, tính đến tháng 6/2015, có 715 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai với tổng diện tích vi phạm 133.906 m2, trong đó, đất nông nghiệp 67.601,2 m2, đất khác là 66.305,69 m2. Qua phân loại, có 148 hộ vi phạm lấn đất, 138 hộ chiếm đất và 429 hộ sử dụng đất sai mục đích. Các trường hợp vi phạm đã xây dựng công trình là 26.918,73 m2, sử dụng vào mục đích khác là 106.987,74 m2.
Xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại huyện Yên Lạc, tình trạng lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp để xây dựng đang diễn ra rất phức tạp. Tại xã Đồng Văn, trên tuyến đường tránh Vĩnh Yên, đường Quốc lộ 2C các hộ dân đã và đang xây dựng trái phép nông nghiệp dọc tuyến đường làm nhà ở, bãi phá ô tô hết niên hạn sử dụng bán cho các lò luyện thép, bãi chứa nguyên liệu đồ nhựa, cơ sở sản xuất tái chế nhựa,… diễn ra từ nhiều năm nay không được giải quyết dứt điểm.
Và trong phiên họp HĐND thứ 2, khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 – 2021 diễn ra ngày 18-19/07/2016, các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc về vấn đề giải quyết và xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất trong các dự án khu công nghiệp, khu đô thị chờ đền bù… Tại huyện Tam Dương, nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch khu công nghiệp Tam Dương I, II lợi dụng đêm tối xây dựng hàng loạt công trình trái phép nhằm đòi hỗ trợ tiền đền bù tài sản, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng phát triển kinh tế…
Trước tình trạng tình trạng lấn, chiếm, vi phạm Luật Đất đai đang diễn ra ở hầu hết các địa phương và chưa có dấu hiệu chững lại, tháng 5/2012 tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 10, về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình sử dụng đất đai; công khai các vi phạm trên phương tiện đại chúng. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố, thị xã nếu để xảy ra những hành vi lấn chiếm làm nhà trái phép, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích, khai thác đất trên địa bàn mình quản lý;....
Đến tháng 3/2016, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 06 về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Qua đó sẽ tăng cường công tác quản lý, chấp hành, thực hiện nghiêm Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn về cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng theo giấy phép được cấp và quản lý thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn,… xử lý nghiêm và dứt điểm các trường hợp vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng đô thị theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với các chỉ thị, công tác giám sát của Hội đồng nhân dân thời gian tới Vĩnh Phúc sẽ chấn chỉnh, xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép đất công, đất nông nghiệp gây ô nhiễm nhất là dọc tuyến Quốc lộ 2C, đường tránh Vĩnh Yên, Quốc lộ 2….
Văn Nhất
Theo