Giải thưởng Nhà lãnh đạo thế giới vì Hoà bình, An ninh và phát triển do Diễn đàn Toàn cầu Boston trao cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được xem là ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực nhiều năm qua của ông vì hoà bình và an ninh trong khu vực.
Ba nhà lãnh đạo thế giới được BGF vinh danh năm nay (từ trái qua): Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: BGF
Trong bức thư chúc mừng gửi đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 8/12, GS Michael Dukakis, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston, viết:
“Vinh danh ngài cho giải thưởng này, chúng tôi ghi nhận sự lãnh đạo mẫu mực của ngài đối với đất nước Việt Nam và khu vực".
Tác giả của “lòng tin chiến lược”
Khó có thể phủ nhận, trong vài năm qua, Thủ tướng Việt Nam đang ngày càng thể hiện được vai trò nổi bật như một trong những nhà lãnh đạo khu vực, trong bối cảnh châu Á – Thái Bình Dương đang trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh quyền lực khốc liệt giữa một bên là Trung Quốc – cường quốc đang trỗi dậy và bên kia là Mỹ - cường quốc truyền thống tại khu vực.
Cuộc cạnh tranh quyền lực của thế kỷ XXI này đang tác động sâu sắc đến cục diện khu vực. Nếu không đủ tỉnh táo và khôn ngoan, các nước còn lại trong khu vực có thể bị cuốn vào một vòng xoáy bất ổn.
Việt Nam – với tư cách một quốc gia có vị trí chiến lược và vai trò quốc tế đang nổi lên rất nhanh – đã tỏ ra khôn khéo trong cách thức xử lý các mối quan hệ quốc tế trong một môi trường chính trị khu vực đầy biến động như thế.
Cuối năm 2013, tại Hội nghị Shangri-la tổ chức tại Singapore, Thủ tướng Việt Nam đưa ra khái niệm “lòng tin chiến lược”, nhận được sự hưởng ứng và tán thưởng của nhiều nhà lãnh đạo và học giả quốc tế.
"Lòng tin chiến lược" được hiểu là sự thực tâm và chân thành, giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương, bình đẳng giữa các thành viên và đối tác không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ.
Một số học giả quốc tế nhận xét, “lòng tin chiến lược” tạo ra hiệu ứng lớn và về sau được nhiều quan chức cấp cao sử dụng bởi đây là một khái niệm rất đúng lúc và hợp thời, trong bối cảnh sự nghi kỵ lẫn nhau đang phủ bóng lên các mối quan hệ quốc tế.
Có thể thấy, đối tượng mà Việt Nam muốn gửi thông điệp "lòng tin" chính là các nước lớn. Mặc dù hiện nay, các nước đều bình đẳng với nhau trên tư cách các quốc gia, song nước lớn hay cường quốc là chủ thể có tính chi phối mạnh mẽ nhất tới cục diện chính trị khu vực và quốc tế. Và với việc nêu cao sang kiến xây dựng “long tin chiến lược”, Việt Nam đã chứng tỏ mình không phải là một “người chơi” tham gia thụ động mà sẵn sàng góp phần kiến tạo luật chơi cho khu vực.
Với mắt xích “lòng tin chiến lược”, trong vài năm qua, Việt Nam, với vai trò cá nhân nổi bật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã thực thi chiến lược “ngoại giao nước lớn” năng động, duy trì được thế cân bằng trong mối quan hệ chằng chéo và phức tạp giữa các ông lớn trong khu vực.
Với Mỹ, Việt Nam đã chính thức thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, qua đó thúc đẩy hợp tác và tiếp tục thu hẹp những khác biệt còn tồn tại giữa hai bên.
Với Trung Quốc, kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, mối quan hệ về cơ bản vẫn phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính cách tiếp cận, cách hiểu khác nhau giữa hai bên trong vấn đề biển Đông đã khiến cho quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng.Đối với mối quan hệ phức tạp này, Thủ tướng Việt Nam khẳng định quan điểm "Việt Nam chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc nhưng cũng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia".
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cũng đã tiến hành các tiếp xúc cấp cao với những đối tác chiến lược - đồng thời là những nước lớn khác tại khu vực như Nhật Bản, Nga và Ấn Độ. Mỗi một đối tác lại hướng vào những lĩnh vực hợp tác cụ thể: với Nhật Bản là kinh tế và thương mại; trong khi với Nga và Ấn Độ, quan hệ quốc phòng, an ninh và năng lượng lại là những điểm nhấn chính.
Việc trở thành đối tác toàn diện với hầu hết các nước lớn là một trong những bước đầu tiên giúp Việt Nam có thể ít nhất tạo ra được một cầu nối lòng tin hữu hiệu, thông qua ASEAN và các cơ chế khu vực như ASEAN+3, Hội nghị cao cấp Đông Á (EAS) hay Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Một điểm nhấn cực kỳ quan trọng nữa chính là việc thiết lập đối tác chiến lược với hang loạt nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines. Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, ASEAN chính là khu vực có vị trí quan trọng hàng đầu, là tổ chức mà ở đó các nước nhỏ như Việt Nam có thể phát huy tiếng nói của mình. Tăng cường mối quan hệ nội bộ giữa các nước ASEAN là một cách tăng cường đoàn kết nội khối, gia tăng sức mạnh nội lực, qua đó giúp tăng cường tiếng nói tạo sức mạnh để xây dựng lòng tin.
Thủ tướng tại Hội nghị Sangrila. Ảnh: baochinhphu.vn
Ngoài ra, bài phát biểu Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng và bài viết vì một Internet trong sạch và tinh khiết nhân ngày An ninh mạng toàn cầu đã được giới học giả quốc tế nhìn nhận ông là người có tư duy đổi mới và tầm nhìn.
Điểm sáng TPP
Một trong những điểm sáng đối ngoại nổi bật nhất trong năm 2015 là sự kiện Việt Nam cùng 11 đối tác hoàn tất được đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Các chi tiết hậu trường chưa được tiết lộ, song giới thạo tin đều biết việc Việt Nam tham gia và kết thúc được đàm phán TPP có vai trò cá nhân của người đứng đầu Chính phủ và các cộng sự của ông – các thành viên đoàn đàm phán.
Bởi quá trình đàm phán TPP không chỉ là cuộc chơi về mặt đối ngoại, mà trước hết là những dàn xếp khéo léo trong nội bộ. Vấn đề gai góc nhất cản bước Việt Nam tham gia TPP là quyền tự do tham gia các nghiệp đoàn cơ sở của người lao động, cuối cùng đã được thông qua mà ai cũng hiểu không thể thiếu vai trò thuyết phục và dàn xếp của người đứng đầu Chính phủ.
TPP khi đi vào thực thi được kỳ vọng là hiệp định thương mại mẫu mực của thế kỷ XXI, đem lại tăng trưởng và thịnh vượng cho các nước thành viên.Riêng Việt Nam được các nhà phân tích dự đoán là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ TPP, với GDP tăng trưởng khoảng 13%.Dĩ nhiên, ước đoán này dựa trên giả định lạc quan rằng Việt Nam có đủ năng lực để tận dụng được các cơ hội lớn từ hội nhập.
Nhưng hơn cả một hiệp định thương mại, TPP còn được xem như một nỗ lực nhằm duy trì cán cân quyền lực trong khu vực, bảo đảm an ninh và ổn định trong bối cảnh cường quốc đang nổi Trung Quốc đang tìm mọi cách kiến thiết lại luật chơi mới cho khu vực.
Bởi vậy, nói như nhận xét của GS Thomas Patterson, ĐH Harvard, thành viên của Diễn đàn Toàn cầu Boston, giải thưởng nhà Lãnh đạo thế giới vì hoà bình, an ninh và phát triển là một sự vinh danh của quốc tế dành cho những nỗ lực không mệt mỏi nhiều năm qua của ông nhằm tìm kiếm một vị thế xứng đáng cho đất nước và đóng góp cho môi trường hoà bình, an ninh khu vực.
Đó cũng là sự vinh danh đối với Việt Nam, là lời khẳng định một nước nhỏ vẫn hoàn toàn có thể ghi dấu ấn trên trường quốc tế bằng trí tuệ, sự nhân văn và tôn vinh các giá trị chung.
Theo Vietnamnet.vn
Theo