(Xây dựng) - Ngành Xây dựng vừa vĩnh biệt một người Anh hùng - kỹ sư Trần Thọ Chữ - nguyên Giám đốc Cty xây dựng công trình ngầm, Tổng Cty xây dựng thuỷ điên Sông Đà.
Anh Chữ và Đại sứ Triều Tiên trên công trường (Đại sứ người mặc áo trắng)
Anh hùng Trần Thọ Chữ sinh năm 1942, quê tại Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh. Chàng trai xứ Kinh Bắc ấy thoát ly gia đình từ rất sớm, đi công trường và được cử đi học tại Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. Về nước, anh được điều về tham gia “Công trường thanh niên cộng sản” xây dựng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà. Toàn bộ cuộc đời tráng niên của Trần Thọ Chữ gắn với những đường hầm sông Đà. Từ giếng đứng bên bờ trái đập thuỷ điện đến các đường hầm thi công, đường hầm nhận nước và thoát nước, hầm Trại Nhãn và hầm gian máy. Hàng chục năm sống trong khói mìn, bụi đá, làm việc không kể ngày đêm, ca kíp, đến mức giấc ngủ mệt nhọc ai lay cũng không dậy, nhưng nghe tiếng chuông điện thoại reo là bật dậy. Người thấp đậm, chắc khoẻ, Trần Thọ Chữ đã vượt qua được khó khăn, gian khổ, ốm đau để cùng tập thể cán bộ kỹ sư, công nhân viên Cty xây dựng công trình ngầm hoàn thành hơn 20 km đường hầm thuỷ điện Hoà Bình cùng hàng loạt những hạng mục thi công khác trong việc khoan phun chống thấm đập thuỷ điện… xây dựng nên truyền thống Anh hùng của những người thợ đường hầm sông Đà. Và điều quan trọng hơn, đào tạo được cả một đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật xây dựng các công trình ngầm cho đất nước.
Trưởng thành từ người thợ, sau này giữ cương vị lãnh đạo, Trần Thọ Chữ vẫn giữ được nếp sống giản dị, liêm khiết, quan tâm sâu sắc đến cuộc sống của công nhân. Toàn đơn vị nhìn vào gương lao động của người Giám đốc mà làm việc. Là “dân quan họ” Trần Thọ Chữ có nếp sinh hoạt tươi trẻ, sôi động, cũng tạo thành một thói quen sinh hoạt văn nghệ rất vui của những người thợ sông Đà.
Công trình thuỷ điện Hoà Bình hoàn thành. Được đề bạt lên cương vị mới - Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty xây dựng Sông Đà. Anh cùng tập thể Đảng uỷ, Ban giám đốc tìm mọi phương án để Tổng Cty sớm ra khỏi giai đoạn “Hậu hoà bình”. Nuôi quân để ngược dòng sông Đà tiến lên Sơn La - Lai Châu, Tổng Cty xây dựng Sông Đà lật cánh vào miền Trung và Tây Nguyên, xây dựng thuỷ điện I-a Ly (Gia Lai-Kon Tum), Vĩnh Sơn (Bình Định) và Sông Hinh (Phú Yên). Trần Thọ Chữ được giao phụ trách khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các công trường đang triển khai thuận lợi thì bất ngờ, Trần Thọ Chữ bị tai nạn giao thông trong chuyến đi cùng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Ngô Xuân Lộc kiểm tra các công trường ở khu vực này.
Anh Chữ và Nguyễn Kim Tới – Giám đốc ban điều hành tổng thầu Thủy điện Sơn La.
Người Anh hùng buộc phải từ biệt các công trường sôi động, vốn rất hợp với nếp sống của anh. Được phân về làm Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp đá – cát - sỏi (sau này là Cty sản xuất vật liệu xây dựng), anh hùng Trần Thọ Chữ đã có nhiều cố gắng ổn định tổ chức, duy trì sản xuất của đơn vị. Trong thời gian này, anh tiếp tục phụng dưỡng một Mẹ Việt Nam anh hùng ở quê nhà và làm nhiều công việc từ thiện khác.
Đúng tuổi, anh Trần Thọ Chữ về hưu. Anh hùng sống giữa đời thường vui vẻ, chan hoà, nhà của anh trở thành nơi lui tới của anh chị em Sông Đà đã về hưu, và của những cán bộ kỹ sư đương chức. Họ tới anh là tới một chỗ dựa tinh thần, một kho kinh nghiệm thi công phong phú. Và là một con người luôn lạc quan, luôn hát mãi bài ca Sông Đà “âm vang tiếng máy reo”; ”ta đi xây ước mơ”…
Mấy năm gần cuối đời, anh hùng Trần Thọ Chữ bị bệnh thận nặng, mỗi tuần ba lần phải đi lọc máu. Tuổi già, sức yếu, dù được người vợ sau của anh cùng các con cháu, đồng nghiệp chăm sóc chu đáo, anh vẫn không cưỡng lại được số mệnh.
Tại nhà tang lễ Quân y Viện 103, hôm đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi thấy những người lính trẻ của Quân y Viện cũng có một tình cảm trân trọng. Họ biết hôm nay đưa tiễn một người Anh hùng - một người đã tham gia trị thuỷ Sông Đà, đã góp phần đưa điện Sông Đà thắp sáng các vùng quê hẻo lánh trên đất nước ta.
Vĩnh biệt anh Trần Thọ Chữ - người anh lớn của những người làm báo chúng tôi.
Trương Cộng Hòa
Theo