(Xây dựng) - Dù là đối tác được nhắc đến với giao dịch 2.400 tỷ đồng với Công ty Tân Khai, tuy nhiên tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của Vinasing Group lại cực kỳ khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản Vinasing Group hơn 5 tỷ đồng, vốn chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao thông tin ông Huỳnh Uy Dũng (còn gọi là ông Dũng lò vôi) đã bán Khu dân cư Đại Nam thu về 2.400 tỷ đồng. Thế nhưng, sau đó đại diện Công ty Cổ phần Đại Nam lên tiếng phủ nhận thông tin này và cho biết, hợp đồng ghi nhớ mua bán Khu dân cư Đại Nam đã được hủy từ tháng 5/2022. Nguyên nhân, do công ty đối tác không thực hiện đúng hợp đồng chuyển tiền cọc 100 tỷ đồng trong vòng 7 ngày.
Theo ông Huỳnh Uy Dũng, hợp đồng ghi nhớ mua bán Khu dân cư Đại Nam giữa Vinasing Group và Công ty Tân Khai đã được hủy từ tháng 5/2022.
Trước đó, ngày 12/5/2022, Công ty TNHH MTV Tân Khai (thành viên của Công ty Cổ phần Đại Nam do ông Huỳnh Uy Dũng làm Chủ tịch HĐQT) đã ký hợp đồng ghi nhớ với Công ty cổ phần Vinasing Group với điều khoản: "Bên B (Công ty cổ phần Vinasing Group) đặt cọc cho bên A (Công ty TNHH MTV Tân Khai) 100 tỷ đồng ngay sau khi ký hợp đồng này vào số tài khoản của bên A. Trong vòng 7 ngày, nếu bên B không đặt cọc như cam kết thì hợp đồng xem như vô hiệu".
Thương vụ chuyển nhượng này bao gồm: 219.999,9m2 đất ở (1.122 nền), 11.218,5m2 đất thương mại dịch vụ, 96.707,6m2 đất xây dựng nhà ở xã hội. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này hơn 2.434 tỷ đồng. Trong đó, riêng đất ở giá trị hơn 1.979 tỷ đồng (tương đương 9 triệu đồng/m2).
Thế nhưng, đến ngày 21/5/2022, phía công ty đã ký hợp đồng ghi nhớ vẫn chưa chuyển tiền như cam kết nên Công ty TNHH MTV Tân Khai đã có thông báo chấm dứt hợp đồng (do ông Dũng ký).
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Vinasing Group được thành lập ngày 19/10/2016 tại quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội. Cập nhật tại ngày 24/8/2022, ông Lê Minh Thơ (SN 1979) giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc/người đại diện pháp luật.
Dù là đối tác được nhắc đến với giao dịch 2.400 tỷ đồng với Công ty Tân Khai nhưng tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của Vinasing Group lại cực kỳ khiêm tốn. Đây có thể là nguyên nhân khiến thương vụ đổ vỡ khi Vinasing Group không chuyển tiền đặt cọc theo như cam kết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trụ sở của Vinasing Group đặt tại tầng 2 của một tòa nhà quy mô trên phố Trường Chinh (Hà Nội). Khu văn phòng của công ty cũng khá nhỏ, không tương xứng với công ty ngàn tỷ.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi bức tranh tài chính của công ty rất “bé hạt tiêu” và kém tươi sáng. Cụ thể, tính đến thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản Vinasing Group chỉ hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt tại doanh nghiệp chưa đến 900 triệu đồng. Hàng tồn kho gần 500 triệu đồng, các khoản phải thu khách hàng gần 4 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả Vinasing Group ở mức 4 tỷ đồng. Chiếm chủ yếu là khoản phải trả người bán. Vốn chủ sở hữu Vinasing Group chỉ khoảng 1 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2021, doanh thu Vinasing Group đạt hơn 3 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các loại chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế gần 2 triệu đồng. Vinasing Group mới có 6 năm hoạt động nhưng công ty liên tục thay đổi trụ sở và lãnh đạo.
Cụ thể, vào ngày 30/6/2021, công ty chuyển trụ sở chính từ số 813 Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội về tầng 15 tòa nhà Ocean Park, số 1 Đào Duy Anh, Thành phố Hà Nôi. Đồng thời, vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật được chuyển giao từ ông Lê Huy Long sang ông Đinh Quang Việt. Tới ngày 7/4/2022, ông Lê Minh Thơ thay thế ông Đinh Quang Việt trong vai trò người đại diện pháp luật.
Ngày 24/8/2022, trụ sở công ty được chuyển về tầng 12, Tòa nhà số 188 Trường Chinh, Thành phố Hà Nội. Theo thông tin về thuế, tổng số lao động của công ty là 10 người, không thay đổi so với năm trước.
Ninh Nhi
Theo