Sau khi thoái vốn thành công tại 40 đơn vị vào cuối năm 2012, TCty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - VINACONEX đã quyết liệt thực hiện tiếp việc đầu tư/thoái vốn tại những đơn vị không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính trong năm 2013. Sự kiên trì này đã giúp VINACONEX tạo nên bước chuyển mình mới, không chỉ tạo được sự lành mạnh về tình hình tài chính mà còn giúp TCty tập trung vào những thế mạnh sẵn có nhằm tạo sự bứt phá trong thời gian tới.
Tạo chuyển biến trong bức tranh tài chính
Quyết liệt trong việc tái cấu trúc DN sau cổ phần hóa, với việc chủ động thuê đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới Credit Suise (Thụy Sỹ) xây dựng chiến lược tái cấu trúc và kế hoạch tái cấu trúc đến năm 2015, đã giúp mức tổng nợ phải trả của Cty Mẹ liên tục giảm, từ 13.315 tỷ đồng (năm 2009) xuống còn 8.991 tỷ đồng vào tháng 6/2012. TCty cũng đã hoàn thành việc tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.417 tỷ đồng trong năm 2012, hoàn tất được việc thanh toán trái phiếu đúng hạn. Lợi nhuận từ các hoạt động của Cty Mẹ thường xuyên đạt trên 600 tỷ đồng. Nợ phải trả giảm dần, trong khi vốn chủ sở hữu tăng dần đã giúp VINACONEX giảm việc phụ thuộc vào vốn vay, chủ động hơn về tài chính.
Trong năm 2013, TCty đã tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực hoạt động chủ đạo là xây lắp và kinh doanh BĐS, đồng thời kiên trì với kế hoạch tái cấu trúc DN giai đoạn 2012 - 2016. Trong đó tập trung thoái vốn ở các đơn vị không phải nòng cốt, bán bớt các tài sản không hiệu quả để tập trung vốn cho việc tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án BĐS tiềm năng, tăng vốn cho phát triển hoạt động xây lắp.
Theo lãnh đạo VINACONEX, một trong những thành công lớn trong việc tái cấu trúc năm 2013 của VINACONEX là đã hoàn tất việc tái cấu trúc 2 DN lớn là xi măng Cẩm Phả và VINACONEX Xuân Mai, đưa tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu xuống còn 1:1, đảm bảo một bức tranh tài chính ổn định, lành mạnh.
Lãnh đạo VINACONEX cho biết, theo chiến lược kinh doanh và tái cấu trúc của TCty đã được Đại hội cổ đông thông qua, VINACONEX sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực cốt lõi gồm xây lắp và BĐS. Vì vậy, trong những năm tới, VINACONEX vẫn sẽ tập trung đẩy mạnh việc thoái vốn tại các đơn vị (được xác định theo chiến lược là không cần nắm giữ) để thực hiện chiến lược tái cấu trúc, đồng thời cải thiện năng lực tài chính, tạo vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mục tiêu là đến năm 2016, VINACONEX sẽ hoàn thành công tác tái cấu trúc và xây dựng được hệ thống các thành viên xoay quanh các đơn vị nòng cốt hoạt động trong lĩnh vực chiến lược của TCty là xây dựng và kinh doanh BĐS.
Tập trung vào những lĩnh vực dài hạn
Mặc dù năm 2013 tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn thách thức do ảnh hưởng của nền kinh tế và những áp lực trả nợ ngân hàng, nguồn tài chính, thị trường… VINACONEX vẫn tiếp tục tập trung tái cấu trúc toàn bộ TCty theo hướng ổn định tài chính - chuẩn bị đầu tư - phấn đấu đạt mức chi trả cổ tức tối thiểu 8%.
Cùng với việc thoái vốn, tập trung vào các thế mạnh, VINACONEX đã đẩy mạnh thu hồi công nợ để giảm sức ép tài chính. Đồng thời, trong những năm qua, TCty cũng đã tiết kiệm chi phí tài chính từ 8 - 15%. Vì vậy, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các dự án triển khai của TCty đều hoàn thành tiến độ như DA Trung tâm Thương mại Chợ Mơ, dự án Bắc An Khánh… Chủ đầu tư Dự án Bắc An Khánh cũng đã nỗ lực triển khai các dự án dân sinh như xây dựng trường học, nhà hàng… để nâng cao hơn nữa chất lượng sống cho người dân khu đô thị.
Lãnh đạo VINACONEX cho biết, trong năm 2014, TCty sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực chính là xây dựng và kinh doanh BĐS. Mặc dù lĩnh vực xây dựng sẽ không tạo sự đột biến mạnh về tài chính cho TCty, nhưng đây là lĩnh vực thế mạnh sẽ tạo sự bền vững, ổn định, an toàn cho VINACONEX trong những năm tới.
TCty đang chuẩn bị các dự án đầu tư kinh doanh BĐS mới, tập trung vào các dự án về NƠXH, nhà ở phân khúc trung bình, phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay (như dự án KĐT NƠXH 18,5ha Bắc An Khánh, KĐT NƠXH Đại Áng), đồng thời nghiên cứu các dự án BĐS cao cấp để đón đầu khi thị trường sôi động trở lại (dự án Vinata Tower), tập trung các dự án hạ tầng cơ sở có hiệu quả như: Khai thác tài nguyên nước sạch (đầu tư trạm bơm tăng áp của dự án nước Sông Đà giai đoạn 1, đầu tư dự án nước Sông Đà giai đoạn 2, nâng tổng công suất dự án lên 600.000m3/ngđ), đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghệ cao 2 - KCN Bắc Phú Cát cũ)… đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý sau đầu tư.
Phạm Bùi
Theo