Thứ hai 14/10/2024 02:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp Pháp

20:53 | 04/11/2018

Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và là điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp Pháp.


Một góc trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Các đại biểu đã đưa ra nhận định như vậy tại Diễn đàn doanh nghiệp Pháp-Việt do Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 4/11.

Ông Henri-Charles Claude, Chủ tịch CCIFV đồng thời là giám đốc Aden Việt Nam cho rằng những năm qua, kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển thần kỳ và đà tăng trưởng này vẫn tiếp diễn trong những năm tới. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Pháp đến đầu tư, kinh doanh.

Theo ông Henri-Charles Claude, thời gian qua, Việt Nam-Pháp có kết quả hợp tác kinh tế tích cực nhưng vẫn chưa khai thác hết những tiềm năng mà mỗi bên có được. Việt Nam hiện nay có nhiều lợi thế để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài do điều kiện kinh doanh được cải thiện theo hướng tạo thuận lợi, mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều ngành nghề. Nhờ đó, Việt Nam-Pháp đang đứng trước cơ hội đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, công nghệ số, y tế, văn hóa, giáo dục...

Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất hiện nay, trong đó có nhiều FTA có với các khu vực kinh tế rộng lớn như ASEAN, CPTPP, EVFTA. Những FTA này giúp các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng sức cạnh tranh về mặt thuế quan.

Theo phân tích của ông Jean Jacques Bouflet, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ có tác động lớn trong việc đầu tư, thương mại cũng như tạo ra các khuôn khổ pháp lý thuận lợi, mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp khu vực EU mà Pháp là thành viên.

Hiện EVFTA đang trong giai đoạn nước rút để đi đến thực thi, vì vậy các doanh nghiệp Pháp cũng như khu vực châu Âu cần nhanh chân hơn trong việc kết nối đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam để dành ưu thế về thị trường.

Là một trong những doanh nghiệp lớn của Pháp đang đầu tư ở Việt Nam, ông Valentin Trần, Giám đốc Tập đoàn Andros (chuyên chế biến các sản phẩm nông sản) chia sẻ Andros chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư chiến lược ở khu vực châu Á vì đây là nơi hội đủ nhiều yếu tố để phát triển lâu dài. Việt Nam là đất nước có tốc độ phát triển nhanh, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến rất dồi dào.

Việt Nam cũng có dân số đông, trẻ, nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm chất lượng cao.

Hơn nữa, Việt Nam là nền kinh tế có sự kết nối rộng rãi, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, là cầu nối để doanh nghiệp mở rộng sang các thị trường lân cận như Thái Lan, Campuchia... và nhiều quốc gia châu Á khác.

Ông Fabrice Carrasco, Giám đốc khu vực châu Á của Kantar Worldpanel thông tin nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam đang tăng trưởng ở mức 12%/năm và sẽ tiếp tục gia tăng do quy mô dân số lớn và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam tiến triển rất nhanh, sức mua tại các hệ thống phân phối hiện đại cũng tăng nhanh. Hiện nay, sức mua đã tăng gấp đôi so với 5 năm trước và dự kiến trong 10 năm nữa sẽ tăng gấp đôi hiện nay.

Người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ về giáo dục, ăn uống, sức khỏe, làm đẹp... Đó là lý do vì sao rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh nước ngoài, trong đó có Pháp lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư lý tưởng.

Tuy nhiên, để việc hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt-Pháp mang lại hiệu quả hơn nữa, các doanh nghiệp Pháp cho rằng hai bên cần thúc đẩy các chương trình đổi mới sáng tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ.

Mặt khác, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư, xây dựng hành lang pháp lý an toàn, minh bạch tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác công tư trong việc phát triển các dự án hạ tầng, giao thông, đô thị.

Theo XUÂN ANH (TTXVN/VIETNAM+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load