Làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ diễn ra trong thời gian tới và nhắm chọn Việt Nam là điểm đến an toàn, Việt Nam một lần nữa lại đứng trước cơ hội “hoá rồng”, “hoá hổ”.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đưa ra nhận định như vậy tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng nay (9/5).
Theo ông Lộc, dịch Covid-19 đã từng bước kiềm chế, đẩy lùi được dịch bệnh, nhờ đó kịch bản xấu nhất đó đã không xảy ra, tạo tiền đề để Thủ tướng Chính phủ dỡ bỏ về cơ bản tình trạng cách ly xã hội, mở cửa thị trường trong nước. Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới đã làm được điều kỳ diệu này.
Với quyết định mở cửa thị trường của Thủ tướng, tình hình các doanh nghiệp và nền kinh tế đã chuyển biến rất nhanh. Một lần nữa sức sống bền bỉ, kiên cường, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy.
“Nhiều doanh nghiệp, dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, nhưng các doanh nghiệp vẫn cố gắng tới mức cao nhất chăm lo cho người lao động, tỷ lệ việc làm vẫn duy trì ở mức rất cao, cho thấy tình cảm và trách nhiệm xã hội của các doanh nhân - các cỗ máy tạo việc làm của nền kinh tế” - ông Lộc nói.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (ảnh: VGP) |
Chủ tịch VCCI cho biết, ở thời điểm hiện tại, 69% doanh nghiệp cho biết họ đang bị giảm doanh thu do thị trường bị thu hẹp, 45% doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu dòng tiền, 22% khó khăn trong việc tìm kiếm vật tư, nguyên liệu, 18% thiếu hụt lao động có kĩ năng … Khó khăn đã bớt đi nhiều so với thời điểm 1 tháng trước đây, nhưng vẫn còn lớn.
Điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là, bên cạnh việc tiếp tục bổ sung các khoản hỗ trợ hợp lý, như kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản phải trả, phải thu; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… cắt giảm các khoản phí, lệ phí,… hay nới “room”-nâng trần tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng… thì biện pháp trợ giúp quan trọng nhất, có thể làm ngay, là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh và hiệu quả các gói hỗ trợ đã được ban hành.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn, thì lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ không còn ý nghĩa” - ông Lộc bày tỏ.
Trong tình hình mới, Chủ tịch VCCI nhận định: Ở trong nước, niềm tin của người dân và doanh nghiệp đang tiếp tục được khơi dậy. Trên phạm vi quốc tế, làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu lớn nhất trong lịch sử nhân loại, kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, sẽ diễn ra trong thời gian tới, đang nhắm chọn Việt Nam là điểm đến an toàn, Việt Nam một lần nữa lại đứng trước cơ hội “hoá Rồng”, “hoá Hổ”.
“Cha ông ta thường nói tiền là bạc, thời gian mới là vàng. Khi tôi hỏi nhiều doanh nghiệp lớn, ngay cả trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch, xem họ cần gì, họ không xin tiền mà chỉ xin cơ chế” - ông Lộc cho hay.
Làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ diễn ra trong thời gian tới |
Theo Chủ tịch VCCI, minh bạch hóa, đơn giản hoá, rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính để triển khai nhanh các dự án đầu tư và kinh doanh là giải pháp cứu cánh cho các doanh nghiệp và huy động tổng lực các nguồn vốn xã hội đang còn rất lớn, cho đầu tư kinh doanh và phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ thúc đẩy được “4 mũi giáp công”: Đầu tư tư nhân, FDI, đối tác công-tư và đầu tư công cho phát triển.
Ông Lộc cũng cho rằng, chỉ riêng việc giải ngân khẩn trương khoản đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng đã có trong kế hoạch với số tiền “trong túi” của các bộ ngành và địa phương là trên 30 tỷ USD thì đã có thể tạo ra một cú hích quan trọng cho đầu tư phát triển, mở mang được thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân, xây dựng được nền tảng hạ tầng cho giai đoạn bứt phá của nền kinh tế sau này.
Khẳng định khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam vào thời điểm này, vẫn là khó khăn về thị trường tiêu thụ, ông Lộc đề nghị, phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt.
Chủ tịch VCCI cũng đề nghị thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Theo Châu Như Quỳnh/Dantri.com.vn