(Xây dựng) – Tại Toạ đàm “Giải pháp thúc đẩy Hàng không Việt phát triển bền vững” được tổ chức chiều 11/4 tại Khu nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn (Bình Định), các chuyên gia kinh tế, hàng không đã đưa ra nhận định Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng không nhanh thứ 5 thế giới .
Toạ đàm thu hút sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia kinh tế - hàng không.
Theo ông Nguyễn Bá Kiên – Tổng Biên tập Báo Giao thông: “Ngành Hàng không Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua khi mức tăng trưởng trong 5 năm liên tục đạt 2 con số”.
Năm 2012, sản lượng khách thông qua các cảng chỉ đạt hơn 37 triệu lượt khách. Đến năm 2019, dự báo riêng sản lượng hành khách qua 21 cảng do Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam đang khai thác sẽ đạt hơn 112 triệu khách.
Mạng đường bay của các hãng hàng không trong nước đã mở rộng rất nhanh với sự tham gia của 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giới phân tích cho rằng, thời gian tới, ngành Hàng không sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa với những chính sách thúc đẩy phát triển hàng không và du lịch của Chính phủ. Đặc biệt là Đề án Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch vừa được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2019. Đây được kỳ vọng là đường băng mới cho hàng không cất cánh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn cảnh Toạ đàm.
Vấn đề đặt ra là, với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc vừa qua, đâu là những tiềm năng, cơ hội của thị trường hàng không trong thời gian tới?
Hàng không Việt Nam liệu đã tăng trưởng nóng?
Ông Trần Minh Phương – Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng: “Cùng với kinh tế phát triển, nhu cầu vận tải sẽ tăng lên và đó là nhu cầu tất yếu của phát triển kinh tế”.
Với giao thông vận tải nói chung và hàng không nói riêng thời gian qua, nhu cầu vận tải rất lớn. Qua các số liệu đã cung cấp có thể thấy tăng trưởng 2 con số và nhiều người đặt câu hỏi có tăng trưởng nóng không? Theo ông Phương, nóng vì đó là 2 con số nhưng nóng đến đâu là do nhận định của người sử dụng và các nhà cung cấp dịch vụ.
“Trước đây, chúng ta chỉ có một hãng hàng không quốc gia. Sau đó, chúng ta có các hãng hàng không khác, từ Cty CP của hãng hàng không quốc gia, các Cty của Vietjet, của Bamboo, tức là số lượng hãng hàng không tăng lên và năng lực khai thác các nhà ga cũng tăng lên. Cả góc độ về nhu cầu sử dụng và cung cấp dịch vụ đều có sự phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Đó là những con số rất ấn tượng”, ông Phương chia sẻ.
Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng 2 con số này sẽ tiếp tục đến năm 2020 và giảm dần xuống một con số sau năm 2020. Tất nhiên, đây là con số mang tính chất dự đoán, là cơ sở, định hướng cho phát triển kết cấu hạ tầng, định hướng phát triển của các hãng hàng không để chúng ta đầu tư, khai thác đồng bộ, hiệu quả kết cấu hạ tầng cũng như tạo ra hiệu quả của các doanh nghiệp tham gia đầu tư”, ông Phương nhận định.
Đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư, ông Đỗ Đức Tú bày tỏ quan điểm: “Về sự quá tải ở sân bay lớn như sân bay Tân Sơn Nhất là rất đúng. Tuy nhiên, theo tôi, đó chỉ là ở một thời điểm nào đó. Hàng không không chỉ tuân thủ quy định trong nước mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về an ninh, an toàn không của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và cả các nhà chức trách hàng không nước ngoài.
Đến năm 2020, ICAO sẽ thanh sát Cục Hàng không Việt Nam, đánh giá toàn bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống an ninh an toàn hay không. Vừa qua, Cục Hàng không liên bang Mỹ cũng đã làm việc 3 tháng, đánh giá vấn đề đảm bảo an ninh an toàn trong toàn bộ hệ thống và đạt mức cao nhất là CAT 1.
Thứ hai, dư địa hàng không của Việt Nam còn rất lớn. Theo ICAO, tính theo dân số, một quốc gia có hàng không phát triển, tỷ lệ người dân phải đi gấp đôi năng lực. Ví dụ Việt Nam có 90 triệu dân, năng lực phải trên 100 triệu. Nhưng hiện chúng ta mới chỉ 50 triệu”.
Cơ hội lớn của doanh nghiệp hàng không
Ông Đỗ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Bamboo Airway cho rằng: “Thị trường còn quá lớn, cạnh tranh nhau tích cực bằng những yếu tố tích cực, chất lượng dịch vụ, cạnh tranh bằng đường bay, điểm đến, điểm đi thích hợp chứ không phải đã là tăng trưởng nóng. Hiện nay, 4 hay 5 hãng hàng không thì không phải là quá lớn. Hạ tầng chưa quá tải mà chỉ quá tải cục bộ vào dịp cao điểm và tại sân bay Tân Sơn Nhất, điều này có thể khắc phục bằng cách tăng chuyến bay đêm đáp ứng khách không bị căng thẳng về thời gian”.
Ông Vũ Phạm Nguyên Tùng - Phó Chủ tịch Vietjet Air nhấn mạnh: “Cạnh tranh hàng không là rất tốt. Xuất phát điểm số máy bay trên 1 triệu dân của Việt Nam đang là rất thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đang ở trước ngưỡng cửa rất lớn thì chúng tôi coi đó là cơ hội lớn chứ không phải là cạnh tranh. Cần có nhận thức mới về khái niệm cạnh tranh. Mỗi hãng đều có năng lực của mình, về dịch vụ và khách hàng của mình, cạnh tranh khi mở cửa bầu trời chứ không phải là cạnh tranh trong nước”.
Ninh Nhi
Theo