Thứ tư 17/04/2024 00:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

“Việt Nam có thể là biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á”

10:04 | 25/01/2020

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Việt Nam có thể sẽ là biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á, nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực với quyết tâm chuyển đổi số của chúng ta”.

Tham dự Hội nghị tổng kết 2019 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả ngành TT&TT đạt được, đồng thời cũng chỉ ra những trọng trách ngành TT&TT cần gánh vác để đưa đất nước phát triển nhờ ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

“CMCN 4.0 đang thấm dần vào từng cấp, từng ngành”

Ghi nhận những đóng góp của ngành TT&TT, Thủ tướng nhận xét: “Trong năm qua, Bộ TT&TT đã khởi động các chương trình lớn về “Make in Vietnam” và chuyển đổi số, trở thành câu chuyện ở mọi cấp mọi ngành, các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp.

Triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT) cần phải là những người có chuyên môn, phải huy động được toàn xã hội tham gia, nên Chính phủ quyết định giao Bộ TT&TT làm cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này. Bước đầu, Bộ TT&TT đã tạo ra chuyển biến đáng mừng. Hầu như các địa phương trong cả nước đều đã có sự chuyển biến về CPĐT, thành phố thông minh hay các vấn đề áp dụng công nghệ trong quản lý khác. Có thể thấy CMCN 4.0 đang thấm dần vào từng cấp, từng ngành.

viet nam co the la bieu tuong tiep theo cua su troi day chau a
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan các sản phẩm trưng bày bên lề Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của Bộ TT&TT. Ảnh: TRỌNG ĐẠT

Đối với Trung ương, Bộ TT&TT đã tham mưu tích cực, thúc đẩy trong từng cuộc họp, từng chuyên đề. Ở địa phương, sở TT&TT đã cố gắng đóng góp cho tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều nội dung phong phú. Thay mặt Chính phủ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng lớn lao của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành TT&TT đã đóng góp cho thành công của đất nước”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý: “CPĐT là Chính phủ phục vụ người dân, kiến tạo phát triển. Bộ TT&TT do vậy phải làm tốt vai trò điều phối phát triển CPĐT, trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương. Tập trung là cần thiết, nhưng tập trung quá mà không phân cấp hoặc quá phân tán thì đều sẽ dẫn đến thất bại. Việc quản lý và thống nhất các hệ thống này rất quan trọng”. Ngay từ đầu năm mới, Bộ TT&TT cần xây dựng chiến lược về CPĐT. Đây là một chặng đường dài, xuyên qua nhiều thời kỳ và cần có sự xuyên suốt chứ không thể một năm là thành công ngay”.

Báo chí phải tạo niềm tin xã hội, vì khát vọng Việt Nam hùng cường

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Trong năm qua, một thành công quan trọng nữa là Bộ TT&TT đã trình Chính phủ ký và thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí. Đây là một cuộc đấu tranh rất dài, từ nhiều nhiệm kỳ trước đã có nghị quyết Trung ương, song thực hiện quy hoạch đó không dễ. Lĩnh vực báo chí có tiến bộ nhưng nhiều tờ báo chưa hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, vẫn còn tình trạng báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin”.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo nên sự đồng thuận và niềm tin xã hội, đặc biệt là tạo nên một khát vọng Việt Nam hùng cường, quyết tâm phấn đấu trở thành nước phát triển thịnh vượng vào năm 2045.

“Bộ TT&TT cần thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa quy hoạch báo chí đã được ký, không được lùi thời gian. Cơ quan chủ quản nào làm không đúng thời hạn đã được thông báo trước thì tạm dừng để thực hiện xong quy hoạch”, Thủ tướng nêu rõ.

Về các mạng xã hội xuyên biên giới, Thủ tướng bày tỏ quan điểm luôn hoan nghênh các mạng xã hội nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. “Thời gian qua Bộ TT&TT đã làm rất tốt, nhưng cần có những giải pháp mạnh mẽ, cương quyết hơn nữa”, Thủ tướng chỉ đạo.

Tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia

Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào đầu năm 2020. Thủ tướng chỉ đạo Bộ TT&TT phải đi đầu về chuyển đổi số, hình thành nên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khác, đồng thời đôn đốc các cấp, các ngành. Các sở TT&TT phải tham mưu cho tỉnh uỷ, UBND tỉnh về CPĐT, dịch vụ công, kinh tế số, xã hội số, kể cả khái niệm và cách áp dụng.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong năm 2020, CPĐT phải có những chuyển biến căn bản. Đó là kết nối, chia sẻ dữ liệu tới 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố. Đó là 100% hệ thống CNTT với CPĐT phải có trung tâm giám sát an ninh mạng và dịch vụ công cấp độ 4. Điều này sẽ giúp giảm tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền”.

“Thứ hạng CPĐT của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Bộ TT&TT có vai trò đưa thứ hạng này đi lên, trực tiếp xử lý, tham mưu xử lý các vấn đề về công nghệ và đặc biệt là việc kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện Nghị quyết 17 của Chính phủ”.

Năm 2020 cũng là năm Liên minh Viễn thông thế giới tổ chức Triển lãm Thế giới số tại Việt Nam. Thủ tướng đánh giá, nếu làm tốt, triển lãm này sẽ góp phần thúc đẩy hình ảnh và uy tín quốc gia, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam đang áp dụng mạnh mẽ CMCN 4.0.

Năm 2020, Việt Nam cũng làm Chủ tịch ASEAN. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT cần áp dụng công nghệ 4.0 vào 300 cuộc họp cấp Bộ trưởng khu vực ASEAN. Nguyên thủ các nước ASEAN phải thấy được những tiến bộ của Việt Nam về công nghệ.

Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam

Thủ tướng nhấn mạnh “Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là tuyên bố về sự chuyển dịch từ gia công sang làm chủ và sáng tạo công nghệ, tập trung vào các giải pháp phát triển Việt Nam. Bộ TT&TT phải trình Chính phủ ban hành Chỉ thị ngay trong tháng 1/2020, tiến tới trình Chính phủ Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Phải phát triển mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp CNTT, tăng quy mô cả về số lượng và doanh thu, không chỉ là 50.000 doanh nghiệp mà phải phấn đấu 100.000. Không phải chỉ có một Viettel, VNPT, CMC mà phải có hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp có quy mô lớn như thế để doanh thu, hiệu quả, nhân lực đều phải lớn hơn”.

“Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển. Bộ TT&TT phải trực tiếp thu hút được các tập đoàn công nghệ lớn của toàn cầu vào Việt Nam. Không chỉ phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ trong nước, mà còn cần thu hút các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam”, Thủ tướng chỉ đạo.

“Chúng ta đều biết 4 con hổ là biểu tượng của sự trỗi dậy của châu Á. Việt Nam có thể sẽ là biểu tượng tiếp theo của sự trỗi dậy châu Á, nếu tầm nhìn 2045 trở thành hiện thực với quyết tâm chuyển đổi số của chúng ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Theo Huy phong(Ghi)/Vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load