Thứ sáu 24/01/2025 20:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Việt Nam cần có chính sách thu hút FDI ‘thế hệ mới’

19:22 | 14/02/2019

(Xây dựng) – Đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại “Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới”, tổ chức tại Bình Dương chiều ngày 14/02.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại “Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới” tổ chức chiều 14/02 tại Bình Dương.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “thế hệ mới” được hiểu là kêu gọi và hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, tập trung nghiên cứu và phát triển, năng lực quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho kinh tế Việt Nam và liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong nước.

FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế

Theo báo cáo tại Hội nghị, đến ngày 20/1/2019, cả nước có gần 27.500 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 343 tỷ USD và tổng vốn thực hiện hơn 192 tỷ USD. Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì ở mức khoảng 18-25% trong giai đoạn 1991 - 2018.

 FDI góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thế và lực của đất nước… vị thế của Việt Nam trên thế giới. Tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút, sử dụng FDI tổ chức vào cuối năm 2018 đã khẳng định “FDI đã trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế”.

Xác định FDI có tầm quan trọng trong nền kinh tế nên thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia dự thảo Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án là đánh giá kết quả thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về đầu tư nước ngoài (ĐTNN), đóng góp của khu vực ĐTNN đối với nền kinh tế, phân tích nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, bất cập và rút ra các bài học kinh nghiệm; đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt là xu hướng của các dòng vốn đầu tư quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; và đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng thu hút, sử dụng và quản lý ĐTNN đến năm 2030.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đều đánh giá cao vai trò quan trọng của FDI trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong 30 năm qua, kết quả thu hút và sử dụng ĐTNN là một minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Khu vực ĐTNN là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; thúc đẩy chuyển 2 dịch cơ cấu kinh tế; hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn; gia tăng năng lực sản xuất; giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, từng bước đưa sản phẩm của Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực; bước đầu hình thành mối liên kết giữa khu vực ĐTNN với khu vực trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; đóng góp cho ngân sách Nhà nước; hỗ trợ cán cân thanh toán, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu việc làm, phát triển nguồn nhân lực, năng suất lao động của nền kinh tế và trở thành một động lực của tăng trưởng.

Sự phát triển của khu vực ĐTNN đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế thông qua thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất ở khu vực doanh nghiệp trong nước. ĐTNN không chỉ là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, góp phần đáng kể trong nâng cao vị thế của đất nước. Trong giai đoạn đầu, ĐTNN đã góp phần khai thông, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn, bình thường hóa với các quốc gia.


Bình Dương trao giấy chứng nhận FDI cho 3 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 180 triệu USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng ĐTNN thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Liên kết của khu vực ĐTNN đến khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Chuyển giao công nghệ từ khu vực ĐTNN chưa đạt hiệu quả mong muốn. ĐTNN từ các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCS) và vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn hạn chế.

Phát triển kết cấu hạ tầng và nông nghiệp là những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, có nhu cầu và tiềm năng lớn, nhưng kết quả thu hút ĐTNN chưa tương xứng. Một số dự án ĐTNN chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường…

Thu hút FDI có chọn lọc

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết chủ trương nhất quán của Việt Nam là tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

“Đây là chủ trương nhất quán và đã chứng minh là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Doanh nghiệp ĐTNN là thành phần hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam, song hàng cùng với doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp FDI cũng là các thành viên tích cực trong nền kinh tế Việt Nam. FDI không chỉ là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, góp phần đáng kể trong nâng cao vị thế của đất nước”, Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cần chuyển đổi phương thức tiếp cận FDI với “động cơ” chính là thu hút công nghệ cao, lao động chất lượng cao, chủ động thu hút FDI và phân cấp mạnh mẽ cho các chính quyền địa phương như TP Hồ Chí Minh để thu hút các tập đoàn đa quốc gia; chuyển tư duy thu hút đầu tư theo quy mô vốn sang tiêu chí dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn FDI.

Ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Hiện nay tỉnh Bình Dương đã thu hút trên 3.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 32,5 tỷ USD, trở thành địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Riêng năm 2018, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp trên 49,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm gần 20% trong tổng thu ngân sách của tỉnh Bình Dương.

Dịp này, UBND tỉnh Bình Dương đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 04 dự án FDI của 3 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 180 triệu USD.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load