Có 4 vấn đề cho thấy việc chặt hạ 6.700 cây xanh vi phạm Nghị định của Chính phủ. Bộ Xây dựng cần vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm minh.
Cây hoa sữa trên phố Nguyễn Chí Thanh mới được trồng khoảng 10 năm, đang xanh đẹp cũng bị triệt hạ.
Cùng việc dư luận phản đối chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội là ồ ạt, thiếu cân nhắc, gây hậu quả tiêu cực đến cảnh quan, môi trường thì từ góc nhìn pháp lý, chúng tôi nhận thấy việc chặt hạ này có dấu hiệu vi phạm luật pháp, cụ thể là vi phạm Nghị định số 64/2010/NĐ-CP, ngày 11/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Nghị định này, Chính phủ quy định quản lý cây xanh đô thị bao gồm: quy hoạch, trồng, chăm sóc, ươm cây, bảo vệ và chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị. Cây xanh đô thị được hiểu là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị. Cây xanh sử dụng công cộng đô thị là các loại cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông); cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị. Nghị định cũng giải thích, cây cổ thụ là cây thân gỗ lâu năm được trồng hoặc mọc tự nhiên, có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50 cm trở lên tại chiều cao 1,3 m của cây. Trong số các loại cây được bảo tồn có danh mục cây cổ thụ.
Căn cứ Nghị định cho thấy, đề án chặt hạ 6.700 cây xanh có nhiều vi phạm.
Thứ nhất, vi phạm về điều kiện được phép chặt hạ cây xanh: Điều 14 quy định 3 trường hợp được chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị, bao gồm: cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Trong khi đó, theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, phố Nguyễn Chí Thanh là tuyến đầu tiên thực hiện thay thế cây theo đề án. Phố Nguyễn Chí Thanh có 381 cây bóng mát thuộc 15 loài, trong đó chiếm số nhiều là cây hoa sữa với 228 cây, keo có 81 cây, số còn lại thuộc 13 loài khác nhau.
Giải thích với báo chí về lý do chặt hạ đồng loạt cây tại đây, ông Dục nói do sự thiếu đồng bộ (cây thuộc nhiều chủng loại khác nhau) nên Sở Xây dựng đề xuất thay thế toàn bộ số cây này bằng cây vàng tâm. Theo đề án thay thế cây xanh của Sở Xây dựng thực hiện từ tháng 9/2013, trong đợt cải tạo sẽ chặt hạ những cây không đúng chủng loại cây xanh đô thị, sai quy hoạch, nghiêng, cong xấu, cản trở giao thông; trồng lại cây thay thế theo loài cây chủ đạo của tuyến phố; bó vỉa gốc cây; hoàn trả vỉa hè; phát triển cây xanh tầm thấp trên dải phân cách, đảo giao thông, trụ cầu, gầm cầu…
Như vậy, việc chặt hạ 381 cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh không thuộc một trong ba trường hợp được chặt hạ theo Nghị định 64. Những cây xanh này không phải đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm hay cây xanh bị bệnh, đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cũng không thuộc khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình (như đối với tuyến đường Nguyễn Trãi do phải làm đường sắt trên cao) mà chặt hạ bởi lý do “không đồng bộ”, “không đúng chủng loại cây xanh đô thị”… Lấy lý do này để chặt hạ đồng loạt 381 cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh, trong đó phần lớn số cây xanh ở đây đều đang khỏe, đẹp là vi phạm quy định về điều kiện được chặt hạ cây theo Nghị định 64 của Chính phủ.
Việc chặt hạ cây đang khỏe mạnh như thế này là vi phạm Nghị định của Chính phủ.
Thứ hai, vi phạm quy trình, thủ tục chặt hạ: Nghị định quy định chặt chẽ quy trình chặt hạ cây xanh đô thị. Khoản 4, Điều 14 ghi rõ, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị bao gồm: đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ, dịch chuyển; kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị; sơ đồ vị trí cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển; ảnh chụp hiện trạng cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển. Thế nhưng, việc chặt hạ 6.700 cây xanh theo đề án, tới nay vẫn chỉ nêu chung chung, chưa thấy Sở Xây dựng công bố cụ thể tương ứng 6.700 cây ghi rõ từng nội dung, lý do chặt hạ, ảnh chụp hiện trạng, kích thước, vị trí như quy định của Nghị định?
Thứ ba, việc trồng cây mới: Song song quy định các trường hợp được chặt, hạ cây thì Nghị định cũng nêu rõ quy hoạch, trồng và chăm sóc cây xanh đô thị. Điều 11, quy định việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trong quy hoạch chi tiết đô thị phải xác định cụ thể: chủng loại cây, tiêu chuẩn cây trồng, các hình thức bố cục cây xanh trong các khu chức năng; xác định vị trí cây xanh trên đường phố…
Việc Hà Nội thay cây mới bằng cây vàng tâm và một số cây khác cũng đang gây tranh cãi, trong đó nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cây vàng tâm không phù hợp với môi trường đô thị, lâu phát triển và dễ chết. Điều này đòi hỏi cần được nghiên cứu, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia để xác định chủng loại cây phù hợp. Nếu làm theo cảm tính, bây giờ nói cây vàng tâm là phù hợp, đúng chủng loại nhưng 10 năm, 15 năm sau chính cơ quan chức năng lại thấy không phù hợp, liệu có một đề án khác chặt hạ để thay cây mới?
Thứ tư, về quy hoạch, tầm nhìn: Nguyễn Chí Thanh là tuyến phố mới, các cây trồng ở hai bên vỉa hè và ở dải phân cách giữa phần lớn chỉ có tuổi thọ trên dưới 10 năm chứ không phải dăm bảy chục năm, cả trăm năm như đối với các tuyến phố trong phố cổ để so sánh sự thiếu đồng bộ trước kia với hiện nay. Trong khoảng thời gian ngắn như vậy, việc quy hoạch phải có tầm nhìn, tại sao mới chỉ trên dưới 10 năm trồng cây, nay đã phải chặt hạ? Vậy, việc quy hoạch, thực hiện quy hoạch thiếu đồng bộ để trồng 381 cây ai phải chịu trách nhiệm trong khoảng thời gian ngắn như vậy?
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Dục còn cho rằng trong thời gian tới sẽ đốc thúc các đơn vị được cấp phép xã hội hóa thay thế cây xanh trên các tuyến khác như Láng Hạ, Giảng Võ, Trần Nhân Tông, Ngô Thì Nhậm, Trần Hưng Đạo... và “tất cả đều phải hoàn thành trong quý 1 năm nay”. Lý do chặt hạ cũng chỉ bởi “không đúng chủng loại cây xanh đô thị” chứ không phải thuộc một trong ba trường hợp được chặt hạ như quy định của Chính phủ.
Ở các tuyến phố này, có rất nhiều cây xà cừ cổ thụ, trong khi theo Nghị định 64 thì cây cổ thụ thuộc danh mục phải bảo tồn. Những lý do đưa ra như cây xà cừ rễ chùm, không thuộc chủng loại cây xanh đô thị thì tại sao cả trăm năm nay, người ta vẫn trồng cây xà cừ ở Hà Nội và nhiều đô thị khác? Cả trăm năm thì đúng chủng loại, phù hợp, nay mới nẩy ra vấn đề không đúng chủng loại?
Nghị định 64 quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc thống nhất quản lý nhà nước về cây xanh đô thị; trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý cây xanh đô thị; hướng dẫn lập, quản lý chi phí duy trì cây xanh sử dụng công cộng sử dụng vốn ngân sách nhà nước; kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý cây xanh đô thị trên phạm vi toàn quốc. Đáng nói, vi phạm như vậy nhưng Sở Xây dựng Hà Nội vẫn bảo lưu quan điểm “chủ trương đúng” mà không nhận thấy sai phạm. Bộ Xây dựng cần vào cuộc, làm rõ, kết luận cụ thể để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý theo pháp luật.
Đánh mã số cây để chặt cũng hết 4,5 tỷ đồng!
Theo Sở Xây dựng, qua khảo sát 45.738 cây trên 470 tuyến phố tại 10 quận, sẽ thay thế 6.708 cây/190 tuyến phố với đơn giá 10 triệu đồng/cây, tổng dự toán hơn 73 tỉ đồng lấy từ ngân sách. Trong đó, chi phí khảo sát hết 1 tỉ đồng, chặt hạ, thay thế cây mới, hoàn trả vỉa hè hết hơn 67 tỉ đồng, đánh mã số cây hết 4,5 tỉ đồng, tức đánh mã số mỗi cây hết khoảng 670 nghìn đồng. Không hiểu, đánh mã số cây ngoài việc đánh dấu vết sơn còn làm những gì mà tiêu tốn số tiền như vậy? |
Theo CAND
Theo