(Xây dựng) - Các Cty điện tử hàng đầu thế giới đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng hợp tác và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trước đây, vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đạt hơn 10 tỉ USD với các dự án lớn của Samsung, Foxconn, LG, Panasonic và Intel, trở thành điểm đến thu hút cho các cty điện tử thế giới.
Công nghiệp điện tử Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm tiêu dùng và các sản phẩm xuất khẩu ra gần 50 quốc gia trong khu vực và trên thế giới, ước tính tỉ trọng xuất khẩu ngành công nghiệp điện tử sẽ đạt 40 tỉ USD tính đến năm 2017.
Trong cuộc họp Quốc hội gần đây, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu: Những chính sách nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ đã tụt hậu so với thực tế, các chính sách của Việt Nam để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ giúp các nhà sản xuất trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường trong nước vẫn chưa tạo ra một khuôn khổ pháp lý thuận lợi.
Việt Nam hiện chỉ có 656 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng thay thế, trong khi đó có tới 58.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất - một con số rất nhỏ. Việt Nam đã đặt ra mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hóa vào năm 2020, trong đó ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ là yếu tố tiên quyết.
Ông Ling Sing Kok, Trợ lý Giám đốc, bộ phận Dịch vụ và Bán hàng của Panasonic chia sẻ, chúng tôi nghĩ rằng trong 5 - 10 năm tới, thương mại sản xuất điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với nhiều nguồn vốn nước ngoài từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan, vì vậy chúng tôi có thể nhận thấy các nhà đầu tư đang bắt tay vào hợp tác bằng việc tiến hành xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Về việc kinh doanh của chúng tôi, dựa vào xu thế này, chúng tôi dự báo nhu cầu máy móc công nghệ sẽ tăng ít nhất 10%. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn trong ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, hiện nay rất nhiều nhà máy tập trung vào sản xuất điện thoại di động, sản phẩm điện tử trong nước và sản phẩm nghe nhìn khác. Rất nhiều sản phẩm điện tử tinh xảo như máy tính bảng, máy tính xách tay và màn hình LCD sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong tương lai gần.
Điều quan trọng nhất, độ bao phủ rộng của các ngành công nghiệp hỗ trợ như linh kiện điện tử sẽ giúp chúng tôi có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng với tốc độ nhanh và sự linh hoạt, do đó tạo ra được giá trị cho khách hàng.
Ông Duangdej Yuaikwarmdee, Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc Cty Reed Tradex tại Việt Nam cho biết: Công nghiệp điện tử Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong vài năm trở lại đây và trở thành nhà sản xuất công nghệ cao của thế giới, thu hút nhiều cty lớn từ nước ngoài như: Panasonic, Samsung, Canon, Intel, Fujitsu, LG và Nokia… đến đầu tư sản xuất tại miền Bắc Việt Nam và Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này cho thấy Chính phủ đã đạt được mục tiêu và đang đi đúng hướng.
Hiện tại Samsung là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, Cty đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào các nhà máy điện thoại thông minh. Năm 2014, Cty này thu được 23,9 tỉ từ hoạt động xuất khẩu điện thoại được sản xuất và lắp ráp trong nước, chiếm 18% tổng kim nghạch xuất khẩu của Việt Nam.
Với những con số thống kê tích cực này, chúng tôi tin tưởng rằng trong 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất và trở thành trung tâm sản xuất điện tử tại Đông Nam Á và tiếp tục có những bước tăng trưởng đáng kể.
“NEPCON Vietnam 2015” tại Hà Nội sắp được tổ chức nhằm thúc đẩy cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành điện tử. Triển lãm sẽ đem đến công nghệ xử lý bề mặt SMT, công nghệ kiểm tra, thiết bị và công nghiệp hỗ trợ trong sản xuất điện tử.
Hơn 100 thương hiệu hàng đầu về Giải pháp xử lý bề mặt SMT đến từ 10 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ hội tụ và hơn 7.000 khách hàng tiềm năng từ ngành sản xuất điện tử sẽ khám phá những công nghệ mới, giải pháp và kiến thức giúp họ cải thiện sản xuất và nâng cao chất lượng.
Đây là sự kiện không thể bỏ lỡ dành cho các nhà cung cấp công nghệ, các doanh nhân và các nhà công nghiệp ở mọi vị trí trong dây chuyền sản xuất để chuẩn bị sẵn sàng cho cộng đồng kinh tế chung Đông Nam Á.
Lê Mỹ
Theo