(Xây dựng) - Thời gian qua, UBND TP.HCM đã chi nhiều tỷ đồng chỉnh trang đô thị, làm mới vỉa hè. Đây là một trong những chương trình hành động của thành phố. Tuy nhiên, nhiều người dân có ý thức kém, lưu thông bằng xe máy trên vỉa hè khiến phần đường cho người đi bộ luôn trong tình trạng nứt, bể, hư hỏng.
Người dân chạy xe lên vỉa hè đường Võ Thị Sáu, quận 1, TP.HCM.
Xe và người đi bộ đi chung
Nghịch lý là vỉa hè được thiết kế dành cho người đi bộ nhưng hầu hết các tuyến đường trong thành phố kể cả khi không kẹt xe, xe máy vẫn ngang nhiên đi trên đó mặc cho lòng đường vẫn còn rộng rãi. Tại đường Nguyễn Văn Trỗi, đoạn quận Phú Nhuận, con đường mới mở rộng được vài năm và được người dân thành phố gọi vui là “con đường ngoại giao”. Bắt đầu từ phía sân bay Tân Sơn Nhất về trung thâm thành phố, đây là một trong những tuyến đường đầu tiên được thành phố lát đá granite, nhưng đến nay đã có nhiều chỗ bị bể nứt, hư hỏng.
Còn trên địa bàn quận 3, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, khu vực gần siêu thị Coopmart, vỉa hè cũng vừa mới được thay bằng đá granite cũng đã bị nứt bể. Anh Minh Thắng, nhân viên bảo vệ shop quần áo PT cho biết: “Vỉa hè này vừa mới được thay bằng đá granite nhưng xe máy cứ chạy lên đây suốt ngày nên dù chúng được thi công bằng đá cứng và dày cũng vẫn bị bể như thường”.
Vỉa hè mới thi công trên đoạn Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã bị nứt bể.
“Năm ngoái, UBND quận 1 đã đề xuất 1.000 tỷ đồng để thay mới hơn 134 tuyến đường bằng đá granite trên địa bàn. Năm nay tôi thấy nhiều tuyến đã được đào lên thay mới nhưng vẫn không tránh được nứt, bể. Đá granite không phải là vật liệu chịu được va đập nặng cho xe máy và ô tô chạy lên, trừ khi dùng đá khối như lát phố đi bộ Nguyễn Huệ mới không bị bể”, KTS Trần Tuấn Minh của Cty Thiết kế Thổ Kim cho biết.
Qua quan sát của phóng viên, tại đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng, Điện Biên Phủ, Pasteur… hay tại các giao lộ, chỉ cần ùn ứ là người dân thi nhau “phi” lên vỉa hè chỉ để lấn từng centimet đường. Anh Trịnh Ngọc Vũ sống tại quận Tân Bình phân trần: “Do sợ bị làm trễ và lòng đường thì kẹt hơi lâu nên thấy vỉa hè thông thoáng, lại thấy nhiều người chạy trên đó nên tôi cũng chạy theo”.
Đã đến lúc cần nghiêm trị
Để đối phó với sự thiếu ý thức của người dân, nhiều tuyến đường như Lý Tự Trọng, Pasteur, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm,… Sở GTVT đã cho làm những thanh chắn ngang không cho xe máy chạy qua vì sợ ảnh hưởng đến vỉa hè và người đi bộ. Tuy nhiên, “nhìn những thanh chắn này rất mất mỹ quan, gây khó cho người đi bộ và người tàn tật”, chị Lý Thu Hương – chủ nhà trên đường Lý Tự Trọng phàn nàn.
Mặc dù trong luật đã có quy định xử phạt hành vi lấn làn, lấn tuyến, chạy xe lên vỉa hè, Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng đã quy định xử phạt hành chính trong giao thông đường bộ và đường sắt như hành vi “chạy xe lên vỉa hè” bị phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng, thế nhưng hình thức này mới chỉ mang tính răn đe, người dân chỉ né không chạy lên đó khi có lực lượng chức năng. Việc giáo dục ý thức người dân là quan trọng nhất, thành phố không thể cứ chi tiền mãi cho việc này.
Còn một nghịch lý khác là trong quy hoạch, thành phố đang ngày càng nén dân cư vào khu trung tâm. Đơn cử như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bắt đầu từ ngã tư Điện Biên Phủ vào trung tâm, khá nhiều cao ốc văn phòng, căn hộ dịch vụ và khách sạn…được cấp phép. Theo đánh giá của một kiến trúc sư, “hạ tầng bị nén càng gây áp lực cho đường và vỉa hè”.
Bùi Thu
Theo