(Xây dựng) - Cảnh các vỉa hè được bị đào bới ở Hà Nội đã là chuyện “thường ở huyện”, không chỉ là những vỉa hè cũ cần làm lại mà ngay cả những vỉa hè vừa được làm chẳng bao lâu cũng bị đưa ra “mổ xẻ”.
Trong khi đó, công tác thi công lại vừa gây tình trạng lãng phí tiền của vừa làm tăng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.
“Đến hẹn lại đào”...
Vỉa hè trên nhiều tuyến phố Hà Nội bỗng dưng bị cày xới nham nhở khiến tình trạng ùn tắc giao thông càng trở nên nghiêm trọng. Theo một người dân bức xúc: “Vỉa hè gần đây bị đào bới suốt, nhưng không hiểu sao thi thoảng mới thấy lác đác vài người đến thi công. Ngoài ảnh hưởng đến giao thông, việc làm ăn, buôn bán của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do vỉa hè không thể đi lại được”.
Đào xong để đấy...
Có đoạn đường chỉ dài khoảng 500 - 600m nhưng có tới 6 - 7 đoạn vỉa hè bị đào bới nham nhở, đoạn này cày lên chưa kịp lấp xuống, đoạn khác lại bị xẻ thịt. Có những đoạn dài vỉa hè phía trước cổng một số trường học cũng bị xẻ thành rãnh sâu với đường kính từ 50 - 80cm khiến nhiều phụ huynh và học sinh ra vào trường hết sức vất vả. Những tuyến phố ở tình trạng hạ ngầm dây điện đã cơ bản hoàn thiện, nhưng hệ thống dây điện, cáp viễn thông ở đây còn tua tủa trên vỉa hè khiến người dân không dám đi lại.
Ống nhựa ngổn ngang gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.
Vốn dĩ đường phố ở Hà Nội lại bị đào bới trên vỉa hè là để thi công các công trình ngầm sau đó sẽ lát lại... nhưng do việc thi công giữa các đơn vị thiếu đồng bộ, nên đơn vị này vừa lấp thì đơn vị khác lại đào lên theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Vài ngày lại có một tốp thợ dăm người đến “động thổ” rồi lại để đó. Mấy hôm thấy xe tải trút xuống cả một “núi” đá lát hè, đất cát bề bộn và rồi cũng để! Các đơn vị thi công cẩu thả, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân và gây cản trở giao thông, cát bụi bay bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Đúng là không thể miêu tả hết sự khổ sở mà người dân phải chịu đựng.
Nhiều nơi, ra không được, vào không xong. Người già, trẻ em đi lại đã khó, đã khổ, nói gì tới dắt được chiếc xe máy nặng nề hay vác được cái xe đạp nhảy qua mương, rãnh, hầm hố. Dân tình cũng rất hiểu và thông cảm việc hoàn thành các dự án hạ ngầm và chỉnh trang đô thị không thể một sớm một chiều mà đẹp đẽ ngay được. Song, “thông cảm” mấy cũng có giới hạn.
Muốn đẹp thì đương nhiên phải chịu đau, nhưng “đau quá” và “đau dai dẳng” thì khỏe mấy, nghị lực mấy cũng không thể chịu nổi. Người dân đã từng thốt lên rằng, “phẫu thuật” tức là khi đã “động dao kéo” thì phải tập trung giải quyết nhanh gọn, chứ không thể “mổ xẻ” ra rồi để đó, để người ta nằm chờ trong đau đớn. Không đủ thầy, đủ thuốc thì không nên phẫu thuật. Quả thật không thể tìm được hình ảnh nào khác rõ ràng hơn, chính xác hơn minh họa cho tình cảnh đào bới hiện nay.
Theo thống kê để đầu tư cho việc cải tạo 1m2 vỉa hè có giá dao động từ 300.000- 600.000 đồng/m2. Trong đó, riêng tiền gạch là đắt nhất, loại thông thường đã có giá thành từ 200.000 – 300.000/m2. Gạch lát vỉa hè chủ yếu được làm từ chất liệu bê tông đổ khuôn sẵn như gạch block với các hình khối và màu sắc khác nhau. Chưa kể đến một số tuyến phố gần đây lại được người ta bóc lên để thay thế bằng gạch tarrazzo hoặc thay mới bằng gạch granite với giá thành đắt hơn nhiều lần so với gạch thông thường.
Thậm chí, nhiều đơn vị thi công các công trình hè phố thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, bảo đảm chất lượng công trình. Có những đơn vị sử dụng lao động phổ thông, không có năng lực và kinh nghiệm khi tiến hành thi công các dự án. Nhiều đơn vị thi công không xử lý cốt nền kiên cố mà “nhồi” xi măng, cát sỏi vào cho nhanh. Việc không lu, lèn hoàn trả kỹ dẫn đến hiện tượng sụt lún, hư hại.
Theo chuyên gia thì nguyên nhân dẫn đến những bất cập hiện nay trong các khâu. Đó là việc chủ đầu tư xây dựng phó thác cho tư vấn, còn đơn vị tư vấn lại đưa ra ý kiến chủ quan mà không có ý kiến của chủ đầu tư. Trong khi đó lại không rõ trách nhiệm các khâu đầu tư - xây dựng, cải tạo - sửa chữa và khai thác - sử dụng, buông lỏng, không ai giám sát, không quy rõ trách nhiệm cụ thể thì đương nhiên sẽ có những hạn chế.
Dẫu biết làm đường là để tạo ra cảnh quan đẹp hơn cho đô thị, nhưng với thực trạng này thì đẹp đâu chẳng thấy chỉ thấy bừa bộn, bụi bặm, ô nhiễm, làm mất mỹ quan thành phố. Xét nghĩ các cấp chính quyền và Sở Giao thông Công chính cần ra soát các công trình một cách kỹ càng hơn nữa để thực sự là tạo bước đột phá cho không gian đô thị.
Minh Hằng (tổng hợp)
Theo