Vỉa hè trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội được lát đá tự nhiên có tuổi thọ lên tới 50-70 năm nhưng lại đang xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng.
Cuối năm 2016, TP Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, theo đó, mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm. Tuy nhiên, khi đưa hoàn tất thi công và đưa vào sử dụng, tuổi thọ của những lát đá này không thực sự kéo dài như mong đợi, thay vào đó là sự xuống cấp nhanh chóng chỉ trong vòng vài năm.
Ghi nhận tại một số tuyến đường vỉa hè đã được lát đá tự nhiên như Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Giảng Võ (Ba Đình)... không khó để bắt gặp những đoạn lởm chởm các vết nứt vỡ, lồi lõm, thậm chí tạo thành những hố nhỏ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Đỗ Ngọc Ánh - sinh viên năm nhất trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ - thường xuyên phải đi bộ trên vỉa hè đoạn đường Trần Phú (quận Hà Đông) để bắt xe buýt đi học. Ánh cho biết, tình trạng lồi lõm trên vỉa hè đoạn đường cô đi học không phải mới xuất hiện, vào những hôm trời mưa đường trơn nếu không đi cẩn thận rất dễ vấp phải những lát đá lồi lên, bản thân em cũng từng gặp phải trường hợp như vậy.
Với Lê Anh Minh - học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông - cho biết, dù những vết nứt trên vỉa hè chưa thực sự gây cản trở nhiều cho việc đi lại của em nhưng về lâu dài sẽ nghiêm trọng hơn, đặc biệt là thời tiết mưa gió dễ trơn trượt.
Một trong những nguyên nhân khiến vỉa hè bị xuống cấp là vì các phương tiện giao thông thường xuyên di chuyển lên trên hoặc vỉa hè được quy hoạch, tận dụng thành các điểm trông giữ xe. Công tác quản lý sử dụng, bảo trì hè đường sau đầu tư cũng chưa thực sự tốt dẫn đến việc xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng.
Đoạn vỉa hè trên đường Trần Phú (Hà Đông), phương tiện xe máy và hàng quán vây kín lối đi bộ khiến các sinh viên của trường Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam phải đi xuống lòng đường sau giờ tan học. Hơn nữa, phần đường được thiết kế riêng cho người khiếm thị cũng đã bị chặn hoàn toàn.
Tình trạng thường xuyên đào bới lắp hệ thống điện nước, cáp ngầm cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng của đá vỉa hè.
Vỉa hè xuống cấp nghiêm trọng tại đường Giảng Võ (Ba Đình).
Cứ vào mỗi đợt cuối năm, trên nhiều tuyến phố lại xuất hiện hình ảnh sửa chữa, nâng cấp khu vực vỉa hè tiêu tốn phần chi phí không hề nhỏ.
Những chồng đá lát vỉa hè trải dài suốt dọc phố Láng Hạ những ngày gần đây đang trong quá trình thi công, nâng cấp vỉa hè.
Đất đá được đào bới gây mất mỹ quan đô thị trên đường Giảng Võ.
Ở nhiều nước phát triển như Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc... đã giữ được đồ bền cho vỉa hè lên tới hàng trăm tuổi bởi những quy định khắt khe như vỉa hè cho người đi bộ, hệ thống biển báo cấm đỗ các phương tiện trên vỉa hè và có những chế tài xử phạt nếu vi phạm. Vì vậy, việc bảo vệ vỉa hè phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân, tránh việc lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.
Theo Tố Linh/Dantri.com.vn