Thứ sáu 17/01/2025 23:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Thông tin về chất lượng thi công lớp phủ mặt cầu Thuận Phước - Đà Nẵng:

Vì uy tín và lòng yêu nghề

14:43 | 03/01/2014

Vừa qua trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã có bài viết chưa chính xác về sự cố về lớp phủ mặt cầu Thuận Phước, đặc biệt là kinh phí sửa chữa lớp phủ mặt cầu trong suốt 4 năm qua. Đây là hạng mục do Cty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng ECC (Cty ECC) là nhà thầu thi công.


Mặt cầu Thuận Phước biến dạng ở thời điểm tháng 7/2013.

Để cho các cơ quan thông tấn báo chí hiểu rõ về vấn đề này cũng như có thêm thông tin chính xác trong bài viết, chuyển tải đến công luận một cách chân thực, khách quan. Ngày 2/1, ngay ngày làm việc đầu năm 2014, Cty ECC đã có một buổi trao đổi thông tin với một số cơ quan báo chí về vấn đề này.

Hiểu đúng, hiểu rõ bản chất sự việc

Tại buổi làm việc, ông Mai Triều Quang, Tổng giám đốc Cty ECC cho biết: Đơn vị chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi thông tin, mọi vấn đề liên quan đến việc thực hiện hạng mục lớp phủ mặt cầu Thuận Phước.

Về những sự cố xảy ra trong thời gian qua, Cty ECC cũng đã có trình bày những thông tin về liên quan đến mặt cầu Thuận Phước. Theo đó, Cty ECC đã thực hiện hạng mục lớp phủ mặt cầu thép cầu Thuận Phước vào năm 2009, hợp đồng được ký với nhà thầu chính là Cty CP Cơ khí Xây dựng Công trình 623 (Cienco6).

Thời gian bảo hành là 12 tháng kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành hạng mục xây lắp. Giá trị quyết toán của hạng mục này là gần 14 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,3% giá trị của cả cây cầu.

Có thể nói, cầu Thuận Phước là công trình cầu võng khác biệt so với các loại cầu khác tại Việt Nam tại thời điểm này. Đây là cây cầu treo dây võng có nhịp thép là dầm hộp bản trực hướng đầu tiên ở Việt Nam, lớp phủ mặt cầu được phủ trên mặt thép bằng các công nghệ và vật liệu mới áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam.

Cầu xây dựng với mục đích phát triển du lịch, kết nối giao thông du lịch với nội đô Đà Nẵng và các tỉnh lân cận cho nên quy hoạch giao thông tổng thể của Đà Nẵng, tuyến Nguyễn Tất Thành, Tiên Sa chỉ phục vụ cho phát triển du lịch nên cầu Thuận Phước được thiết kế chỉ được phục vụ cho các loại xe du lịch H10, không sử dụng cho xe tải nặng lưu thông qua cầu.

Trong những năm đầu tiên đưa vào vận hành khai thác không có hiện tượng hư hỏng. Sau hai năm sử dụng, mặt cầu xuất hiện những hư hỏng nhẹ chủ yếu là tại các vị trí cục bộ giữa nhịp, trên vệt xe nặng.

Do chưa kiểm soát lượng xe tải nặng chạy từ hướng cảng Tiên Sa đi các tỉnh phía Bắc đã lén lút chạy vào ban đêm. Thời điểm bắt đầu hư hỏng nhẹ cũng là thời điểm hết hạn bảo hành hợp đồng đã ký kết nhưng với tinh thần trách nhiệm là đơn vị thi công, Cty ECC đã tiến hành bỏ kinh phí khắc phục hư hỏng các vệt nứt cục bộ này bằng cách láng nhựa bảo vệ ngay lập tức.

Quá trình khắc phục này hoàn toàn không ảnh hưởng đến an toàn giao thông qua lại của người dân. Khi mặt cầu xuất hiện sự xô dồn bề mặt, Cty ECC khắc phục bằng cách gọt các chỗ lồi và sửa cục bộ đảm bảo độ bằng phẳng an toàn chạy xe và vẫn phục vụ tốt cho đến mùa nắng năm sau.


Thông báo ngừng lưu thông trên cầu để phục vụ công tác sửa chữa.

Qua nghiên cứu tại hiện trường trong một thời gian, Cty ECC đã tìm ra một tổ hợp các nguyên nhân gây ra hư hỏng lớp phủ mặt cầu, bao gồm tải trọng xe quá tải năm đầu tiên khai thác cũng là nguyên nhân làm cho sự hư hỏng của lớp phủ mặt cầu.

Dưới tác động ngoại lực làm cho độ dính bám giữa lớp phủ dày 4 cm nằm trên một bản thép dài 655m, dính bám trên cầu khi không thắng được lực gây trượt. Mặc khác do sự giãn nở nhiệt giữa lớp BTN và thép khác nhau, do rung lắc, biến động của cầu treo sau một thời gian sử dụng cũng làm cho tính kết dính bề mặt thay đổi.

Đối với việc dính bám giữa lớp BTN với mặt thép thì trên thế giới hiện nay vẫn sử dụng vật liệu gốc nhựa đường. Nhược điểm của nó là khi nhiệt độ lên cao, tính năng dính bám giảm hẳn.

Đưa ra giải pháp khắc phục tối ưu

Năm 2012, được sự chấp thuận của Sở GTVT Đà Nẵng, Cty ECC đã tiến hành thi công một đoạn thử nghiệm dài 200m phía đông của cầu để kiểm chứng tính năng làm việc của vật liệu phù hợp cho việc sửa chữa đại trà. Đó là bóc bỏ hoàn toàn và thảm lại hai lớp BTN Polime sau khi hàn râu thép tăng cường trên bề mặt thép và làm lớp dính bám Epoxy.


Công nhân xử lý dỡ bỏ các xô dồn trên bề mặt thép của cầu

Sau 1 năm thực nghiệm giải pháp này trên mặt cầu thì mặt cầu vẫn bình thường đến mùa nắng nóng năm 2013. Để tăng hệ số an toàn và cũng không lường hết các yếu tố bất lợi khác, trong giải pháp thực hiện, Cty ECC đã cho tăng cường thêm lưới thủy tinh nằm dưới lớp bê tông nhựa.

Lớp thảm 8cm chia làm 2 lớp, lớp ở dưới trải 4cm sau đó trải lớp lưới thủy tinh ở giữa. Sự hợp tác nghiên cứu tìm ra được những giải pháp tối ưu này là quá trình đầy nổ lực, nhiều công sức của Cty ECC cùng với các anh em kỹ sư, chuyên gia tại Đà Nẵng và các giáo sư của trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng.

Cuối tháng 7/2013, Cty ECC đã được Sở GTVT Đà Nẵng và UBND TP Đà Nẵng cho phép đóng cầu trong 15 ngày tiến hành sửa chữa triệt để các vị trí còn lại. Và cầu đã được thông xe trở lại phục vụ từ tháng 8 năm 2013 đến nay.

Tổng diện tích phần xe chạy là 8.973m2, diện tích sửa chữa thực tế là 4.400m2. Đơn vị đã tiến hành đào bỏ toàn bộ BTN hư hỏng, vệ sinh nơi sửa chữa đảm bảo sạch theo tiêu chuẩn mới tiến hành hàn các râu thép với khoảng cách 80cm trên bề mặt thép làm tăng cường khả năng chống trượt và chống nhổ. Sau đó mới tiến hành thi công lớp nhựa bám dính Epoxy của Mỹ. Tại một số vị trí hư hỏng nhẹ phần lề đường được khắc phục bằng cách sử dụng lớp BTN Carboncor.

Để tăng mức độ an toàn cho mặt cầu, Cty ECC đưa ra giải pháp là hàn các râu thép trên mặt cầu, tăng bề dày lớp thảm bê tông nhựa polime và lớp lưới sợi thủy tinh để làm cho việc hư hỏng không còn lặp lại vừa tốn tiền cũng như uy tín của DN vừa ảnh hưởng đến xã hội.

Ông Mai Triều Quang khẳng định: Bất kể nguyên nhân gì nhưng vì trách nhiệm của mình trong việc thi công công nghệ mới của ngành cầu đường, Cty ECC sẽ chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình.

Chính vì thế, Cty luôn theo dõi, túc trực để khi có hiện tượng hư hỏng sẽ tiến hành sửa chữa khắc phục kịp thời đảm bảo giao thông cho người dân. Đồng thời nghiên cứu tìm các giải pháp tối ưu trong công tác sửa chữa.

Giải pháp sử dụng hiện nay đây là một giải pháp đúng và phù hợp đối với lớp phủ trên bề mặt thép. Là một vấn đề mới và khá là phức tạp về kỹ thuật thi trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Cầu Thuận Phước có thiết kế khác so với các loại cầu khác tại Việt Nam đó là kết cấu cầu treo rất phức tạp về mặt công nghệ. Cho nên việc áp dụng công nghệ vật liệu mới giữa thực nghiệm và nghiên cứu sẽ có những rủi ro.

Bằng việc cung cấp thông tin một cách minh bạch, công khai và rõ ràng đến các nhà báo thông tin trên các diễn đàn để mọi người có cái nhìn một cách khách quan hơn về vấn đề hư hỏng cũng như những nỗ lực của các kỹ sư Cty ECC cùng với các kỹ sư của Đà Nẵng đã “lao” đầu vào một vấn đề khó.


Kiểm soát nhiệt độ thảm BTN Polime.

Ở thời điểm cách đây 4 năm, những anh em kỹ sư của Cty cũng như những anh em, bạn bè, đồng nghiệp, các kỹ sư, chuyên gia cũng đã dấn thân, mạnh dạn trong việc này và trong suốt 4 năm đã nghiên cứu tìm ra được giải pháp tối ưu nhất hiện nay.

Trong khi đó, Đà Nẵng vẫn còn là một vùng trũng so với hai đầu đất nước về công nghệ kỹ thuật cũng như các chuyên gia giỏi.

Nhị Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load