Nhiều khả năng, năm 2019, quy mô ngoại thương nước ta không chỉ chinh phục ngưỡng 500 tỷ USD mà có thể vượt ngưỡng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết tháng 8 năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 171,3 tỷ USD, tăng 8,1% (tương ứng tăng 12,85 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu trên 165 tỷ USD, đưa con số xuất siêu của Việt Nam lên 5,4 tỷ USD.
Trên thực tế, bình quân 8 tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 42 tỷ USD/tháng, trong khi theo quy luật, những tháng cuối năm kim ngạch xuất nhập khẩu thường đạt cao hơn, nên nhiều khả năng, năm 2019, quy mô ngoại thương nước ta không chỉ chinh phục ngưỡng 500 tỷ USD mà có thể vượt qua ngưỡng đó.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tốc
Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm do gặp khó về thị trường và giá bán, cụ thể, thủy sản giảm 2,6%; rau quả giảm 6%; hạt điều giảm 9,4% (lượng tăng 15,8%), gạo giảm 14,2% (lượng tăng 0,1%), hạt tiêu giảm 2,1% (lượng tăng 27,9%); cà phê giảm 20% (lượng giảm 10,3%) thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được coi là bước lội ngược dòng ngoạn mục.
Trong mức tăng 8,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò đóng góp chính ở hai hướng:
Một là, về tỷ trọng, nhóm hàng này chiếm 83,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,8% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017. Về tốc độ, xuất khẩu công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4%, cao hơn mức tăng trưởng chung 8,1% của tổng kim ngạch xuất khẩu.
5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất đều thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo và có mức tăng tuyệt đối mạnh nhất so với cùng kỳ 2018. Máy vi tính tăng 3 tỷ USD; dệt may tăng trên 2 tỷ USD; điện thoại tăng gần 1,8 tỷ USD; giày dép tăng gần 1,4 tỷ USD và máy móc tăng 760 triệu USD. Kim ngạch tăng tuyệt đối của 5 mặt hàng này 8,91 tỷ USD, chiếm 70% trong tổng số 12,85 tỷ USD tăng thêm của tổng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Hai là, tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng cũng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của doanh nghiệp trong nước, cũng ở trên hai phương diện. Về tốc độ, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 13,9%, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung 8,1% và cao gấp 3 lần so với mức tăng 4,6% của khối doanh nghiệp FDI. Về tỷ trọng, lần đầu tiên khối này vượt ngưỡng 30% ở mức 31,6%.
Vượt qua các thách thức của thị trường
Lấy năm 2007 làm mốc khi Việt Nam gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt ngưỡng 100 tỷ USD. Mất 4 năm để quy mô ngoại thương nước ta tăng thêm 100 tỷ USD nữa lên 200 tỷ USD vào năm 2011. Con số 100 tỷ USD tăng thêm tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm, nâng lên 300 tỷ USD vào năm 2015. Nhưng chỉ cần 2 năm tiếp theo, năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục mức 400 tỷ USD.
Nhìn ra khu vực, tình hình xuất khẩu của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan đều tăng trưởng âm trong 8 tháng đầu năm. Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng dương lần lượt là 0,4% và 1,04% nhưng đều thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (lần lượt là 12% và 11,5%). Trong quý II/2019, GDP của nhiều nước cũng tăng chậm lại đáng kể, trong đó có cả Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc, Thái Lan... thì mới thấy nội lực Việt Nam đã được cải thiện đáng kể để vượt qua các thách thức trên thị trường thế giới.
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 so với dự báo đưa ra hồi nửa đầu năm. Các ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ với 95 lượt hạ lãi suất.
Trong khi đó, các chuyên gia đánh giá các chỉ số trong 8 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam phù hợp với mục tiêu đặt ra và hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% cho cả năm.
Theo Công Trí/Baochinhphu.vn