Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định trong thời gian qua thị trường hồ tiêu trong nước không có biến động nhiều, mặt khác, để ngành hồ tiêu phát triển ổn định và tăng kim ngạch xuất khẩu, các chuyên gia ngành tiêu cũng đưa ra nhiều giải pháp ổn định việc sản xuất tiêu trong nước.
Người dân huyện Bù Đốp phơi tiêu. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)
Nông dân vẫn “cầm trịch” giá tiêu
Theo khảo sát của phóng viên TTXVN, trong gần nửa tháng qua, có nhiều thông tin gây bất lợi cho ngành tiêu, chính là thương lái Trung Quốc “lèo lái” giá tiêu, làm người trồng tiêu hoang mang.
Tuy nhiên, trước biến động giá tiêu tăng lên rồi có nguy cơ hạ xuống theo dự báo của các nhà phân tích, nhiều người dân trồng tiêu vùng Đông Nam Bộ vẫn theo dõi rất sát biến động thị trường và quyết định giữ tiêu lại, không bán ra ồ ạt làm chao đảo giá tiêu trong nước.
Ông Đỗ Hà Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nhấn mạnh, việc giá tiêu tăng vọt trong gần nửa tháng qua là giá thật trên thị trường, không có hiện tượng thương lái làm giá để đánh lừa nông dân.
Hơn nữa, nông dân trồng tiêu Việt Nam đã cọ xát thị trường nhiều năm, vì vậy họ luôn giữ thế chủ động đẩy giá lên hoặc đưa giá xuống với quyết định trữ lại hoặc bán ra ồ ạt.
Chính từ quyết định khôn ngoan này của nông dân đã đẩy giá tiêu lên 95.000 đồng/kg tính đến ngày 18/8 và có thể còn tăng nhẹ khi nhu cầu thế giới tăng.
Hiện nay, sản lượng tiêu Việt Nam xuất khẩu chiếm 40% sản lượng hồ tiêu thế giới. Do đó, vị thế chủ động của ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn rất vững chắc và có tác động mạnh đến Hiệp hội gia vị châu Âu cũng như Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh với vị thế chủ động này, ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ không để cho các nước lấn ép về giá cũng như sẽ giúp cho nông dân trồng tiêu phát triển ổn định sau này.
Không những vậy, Indonesia bị mất mùa hồ tiêu năm 2017 do thời tiết bất lợi, sản lượng giảm 20.000 tấn. Còn Ấn Độ dự kiến xuất khẩu 2.000 tấn, Campuchia xuất 8.000 tấn, Brazil xuất 2.000 tấn.
Riêng sản lượng hồ tiêu của Việt Nam trong quý 3/2017 sẽ tăng 50.000 tấn. Sau khi tính toán, tổng sản lượng hồ tiêu cung cấp ra thị trường thế giới đến cuối năm 2017 sẽ vượt 40.000 tấn so với cùng kỳ năm 2016.
Người dân huyện Bù Đốp phơi tiêu chờ có giá để bán. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)
"Tuy nhiên, giá tiêu sẽ không giảm như các nhà phân tích đã lo ngại vì mức tiêu thụ hồ tiêu của thế giới đang có xu hướng tăng từ 4% đến 5% và tỷ lệ cất trữ của các hộ dân sẽ nhiều hơn năm trước nên nguồn cũng ra thế giới sẽ không ồ ạt, không làm kéo giá tiêu xuống thấp.
Cụ thể, một số thị trường có dấu hiệu tăng tiêu thụ hạt tiêu ấn tượng như Canada tăng 48%, Nga tăng 23%, Anh tăng 31%, Chi Lê tăng 3 lần, Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp đôi mức tiêu thụ hạt tiêu so với cùng kỳ năm 2016", bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam phân tích.
Đầu tư vùng nguyên liệu tập trung
Mặc dù ngành hồ tiêu Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu, nhưng với xu hướng thế giới chú trọng vào mục đích an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội thì ngành hồ tiêu Việt Nam cũng cần có chiến lược mạnh mẽ mới đủ sức giữ vững vị thế hiện nay.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, để ngành hồ tiêu phát triển mạnh hơn nữa, vai trò của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam rất quan trọng. Hiệp hội phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản để rà soát, quy hoạch lại diện tích sản xuất hồ tiêu hiện nay.
Những diện tích hồ tiêu trồng mới, không phù hợp thổ nhưỡng thì phía hiệp hội phối hợp với cơ quan chức năng các tỉnh vận động người dân chuyển sang trồng loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, tránh chạy theo thị trường sản xuất không hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam điều hành các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồ tiêu liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu tập trung như Phú Quốc, Bà Rịa-Vùng Tàu, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước...
Người dân trữ hồ tiêu. ( Ảnh: K GỬIH/TTXVN)
Khi có vùng nguyên liệu tập trung, doanh nghiệp tiến hành đầu tư kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trồng tiêu cho nông dân theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật trong xuất khẩu của các thị trường như châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ… Từ đó, hướng đến xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho từng vùng nguyên liệu tập trung này.
Để cho ngành hồ tiêu phát triển ổn định, vững mạnh, nắm chắc thị trường hơn nữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa ra chính sách hỗ trợ nhân lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng tiêu bắt đầu từ tháng 1/2018. Cụ thể, kinh phí hỗ trợ là hơn 30 tỷ đồng chi phí trả tiền lương cho 2 nhân sự là kế toán trưởng và cán bộ kỹ thuật trong mỗi hợp tác xã trồng tiêu.
Nguồn hỗ trợ này sẽ kéo dài trong 3 năm, để các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện tốt vai trò đại diện nông dân thực hiện chuyển giao công nghệ, hưởng ứng trồng tiêu sạch, tiêu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, liên kết với doanh nghiệp, thu mua nguyên liệu tiêu của các hộ nông dân phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Ông Đỗ Hà Nam chia sẻ, bên cạnh với việc đẩy mạnh đầu tư chất lượng hạt tiêu Việt Nam để cạnh tranh với các nước trên thế giới, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tiêu cũng đang có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Cụ thể, vừa qua cũng có nhiều sản phẩm tiêu giá trị gia tăng cao được thị trường thế giới tiếp nhận và ưa chuộng, như tinh dầu hồ tiêu, bột tiêu trắng, bộ tiêu đỏ, bột tiêu đen…
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến 15/8/2017, ngành hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu hơn 156.500 tấn, đạt kim ngạch 850,8 triệu USD.
Theo Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)