Cùng với sự yếu kém của hạ tầng, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng ngập úng hiện tại có lỗi của công tác xây dựng, thực hiện quy hoạch.
Người dân khu đô thị Geleximco - Lê Trọng Tấn đắp bao tải cát để ngăn nước vào biệt thự. Ảnh: Trường Phong
Sau hơn một ngày mưa lớn, công ty TNHH MTV Thoát nước (công ty Thoát nước) Hà Nội sáng 18/7 đã có báo cáo nhanh gửi thành phố Hà Nội. Theo đó, lượng mưa cao nhất trên địa bàn Hà Nội là 208mm.
Trạm bơm “xả” nước hết công suất
Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm 6h ngày 18/7 trên địa bàn thành phố đã ngớt mưa, bão số 2 đã đi qua khu vực Hà Nội. Tổng lượng mưa đo được từ 7h30 ngày 16/7 đến 6h ngày 18/7 tại Vân Hồ là 208,4mm; Mễ Trì là 190,8mm; Hoàn Kiếm 167,9mm; Ngã Tư Sở là 174,2mm, Hoàng Mai là 204,6mm…
“Hiện nay trên địa bàn thành phố cơ bản đã hết các điểm úng ngập, giao thông đã ổn định”, ông Lê Vũ Quảng Sương thông tin.
Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, mực nước các sông đang ở ngưỡng cao. Trên sông Tô Lịch tại điểm Hoàng Quốc Việt là 4.67m, tại đập Thanh Liệt là 4.55m; trên sông Nhuệ tại trạm bơm Đồng Bông 1 là 5.54m, tại đập Thanh Liệt là 4.58m ; tại kênh O là 3.44m, kênh E là 3.37m.
Hiện công ty Thoát nước vẫn đang tiếp tục vận hành 100% công suất trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2… và mở đập Thanh Liệt để hỗ trợ giảm mực nước trên sông Nhuệ, đồng thời vẫn triển khai 100% lực lượng ứng trực thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy và phối hợp hướng dẫn giao thông. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa, Linh Đàm, cửa điều tiết A,B tăng cường… được mở để điều hoà nước theo quy trình. Các trạm bơm khác được vận hành hết công suất để hạ mực nước trên hệ thống về mức quy định chuẩn bị đối phó với các trận mưa tiếp theo.
Cổng vào khu đô thị Nam An Khánh bị ngập. Ảnh: Trường Phong
Đánh giá về tình trạng ngập trong ngày hôm qua (17/7), ông Hùng cho biết, các cơn mưa sáng cùng ngày đã làm úng ngập tại một số khu vực, trong đó có một số điểm trên các tuyến phố: Thụy Khuê (Q.Tây Hồ), Đội Cấn, Cao Bá Quát (Q.Ba Đình), Trần Bình, Phan Văn Trường, Cầu Giấy, Hoa Bằng (Q.Cầu Giấy); Nguyễn Chính, Hoàng Mai, Thanh Đàm (Q.Hoàng Mai); Trường Chinh, Phùng Khoang, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Cự Lộc, Nguyễn Xiển, Triều Khúc (Q.Thanh Xuân), Ngọc Hồi (H.Thanh Trì), Trần Đăng Ninh, Bế Văn Đàn - Quang Trung, Phùng Hưng, Phố Xốm, Tố Hữu (khu HH2), Lương Ngọc Quyến (Q.Hà Đông)...
“Giải mã” chung cư, nhà liền kề chìm trong nước
Cùng với tình trạng ngập trên nhiều tuyến phố, theo ghi nhận của phóng viên, sáng qua mưa cũng làm cho nhiều khu chung cư, nhà biệt thự liền kề trên địa bàn Hà Nội chìm sâu trong nước. Thực trạng này rất ít xảy ra với các trận mưa trước đó.
Theo ghi nhận của phóng viên, có hơn 10 khu chung cư, đô thị mới và nhà liền kề trên địa bàn Hà Nội bị ngập sâu trong nước trong sáng 17/7. Trong khi nước ngập từ trận mưa ngày 13/7 chưa thoát hết, trong sáng qua hạ tầng đường sá và hầm để ô tô và các công trình phụ tại tầng 1 các nhà biệt thự, liền kề tại khu đô thị Geleximco - Lê Trọng Tấn nằm ven đại lộ Thăng Long (Hoài Đức) lại tiếp tục hứng chịu thêm một trận ngập mới.
Thời điểm 10h30 ngày 17/7, toàn bộ hạ tầng gồm đường sá, vỉa hè các khu nhà biệt thự liền kề có ký hiệu từ A10 đến 45 đô thị Geleximco - Lê Trọng Tấn chìm sâu trong nước. Không chỉ ngập đường vỉa hè, đến trưa qua, nước mưa còn dâng cao đến hơn 50cm và ngập vào cả tầng 1, hầm để xe nhiều căn hộ. Trước tình trạng trên, một số gia đình ở đây đã huy động những bao tải cát đắp thành bờ bao phía trước nhà để ngăn nước. Với nhiều hộ không kịp đắp bờ bao đã phải chuyển toàn bộ đồ đạc lên tầng 2. Cùng chung cảnh ngộ, các tuyến đường bên ngoài như Lê Trọng Tấn, đường gom đại lộ Thăng Long cũng ngập nặng và phương tiện không thể di chuyển. Tại các khu chung cư như HH Linh Đàm, Dương Nội, Nam Trung Yên, Pháp Vân - Tứ Hiệp… tình trạng ngập úng, cô lập nhiều khu nhà trong thời gian dài đã diễn ra trong sáng 17/7.
Mưa ngập tại phố Bà Triệu sáng 17/7. Ảnh: Như Ý
Lý giải tình trạng ngập, lãnh đạo công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng, mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn tại các quận trung tâm, cùng với đó với cường độ mưa vượt quá công suất 50mm/2h được tính toán cho hệ thống thoát nước thành phố nên gây ngập.
Nhiều ý kiến chuyên gia đô thị cho rằng, cùng với hạ tầng thoát nước được quy hoạch và xây dựng chưa phù hợp với cường độ mưa, công tác phân và thoát lũ trên địa bàn Hà Nội hiện nay đang tập trung, lệ thuộc hết về một nơi là trạm bơm dẫn đến nước tiêu thoát chậm, gây ngập úng lớn khi có mưa. Với tình trạng ngập úng tại các khu chung cư, nhà liền kề, ý kiến chuyên gia cho rằng, các trận mưa vừa qua xét về quy mô chưa bằng năm 2008, nhưng tại sao năm đó các khu chung cư, đô thị khi đó không ngập, nay lại ngập nặng như vậy?
“Điều này đã chứng minh rằng, mật độ xây dựng nhà tại các khu chung cư, đô thị mới quá cao và không dành không gian cho khuôn viên, ao hồ điều hòa; cùng với đó nhiều dự án chỉ chú trọng xây xong nhà để bán còn các hạng mục hạ tầng khác trong đó có thoát nước hầu như không được quan tâm. Dọc đại lộ Thăng Long có hàng chục khu đô thị, vậy nhưng có mấy khu đã hoàn thành hệ thống thoát nước tại đây?”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nêu thực tế.
Theo ANH TRỌNG/Tienphong.vn