Thứ năm 10/10/2024 18:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Vì sao nhiều chương trình truyền hình bị dừng phát sóng

00:19 | 24/03/2015

Quyết định mới đây của Bộ TT&TT về việc dừng cấp phép đối với nhiều chương trình liên kết đang ăn khách của VTV đã thu hút được nhiều chú ý của dư luận. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên VTV bị nhắc nhở về nội dung cũng như hoạt động quảng cáo của những chương trình này.


Tiết mục thí sinh uống nhầm axit trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam

Trên thực tế, ngay từ thời điểm 31/7/2014, Bộ TT&TT đã từng có văn bản số 2161 yêu cầu VTV nghiêm túc rút kinh nghiệm, tăng cường công tác kiểm duyệt, biên tập các chương trình trước khi phát sóng, đặc biệt là các chương trình liên kết.

Có thể nói, cũng giống như hoạt động liên kết xuất bản của các nhà xuất bản, việc liên kết sản xuất nội dung với bên thứ ba của VTV thời gian qua rất phổ biến. Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến nay, Bộ TT&TT đã cấp 113 Giấy chứng nhận đăng ký chương trình liên kết cho VTV và các đối tác liên kết.

Các chương trình liên kết này được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng trên 6 kênh chương trình quảng bá, gồm VTV1 (13 chương trình), VTV2 (10 chương trình); VTV4 (3 chương trình); kênh VTV6 (12 chương trình); kênh VTV9 (2 chương trình). Riêng VTV 3 là kênh có số lượng chương trình liên kết nhiều nhất với 48 chương trình.

Tính đến thời điểm này, số lượng đối tác liên kết tham gia phối hợp với Đài để sản xuất các chương trình liên kết là 36 đơn vị. Trong đó, Cát Tiên Sa, BHD, Truyền thông Việt Ba… sở hữu nhiều chương trình liên kết nhất. 

Chủ yếu phạt nội dung!

Qua khảo sát, kiểm tra, Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử đã phát hiện một số sai phạm trong hoạt động liên kết giữa Đài và các đối tác này, trải đều ở cả quy trình, thủ tục đăng ký liên kết, sai phạm trong nội dung thông tin lẫn hoạt động quảng cáo đi kèm chương trình.

Về cơ bản, VTV vẫn thực hiện khá nghiêm túc quy trình, thủ tục đăng ký chương trình, nhưng trong hai năm 2013 - 2014, vẫn có một vài trường hợp chương trình đã phát sóng dù hồ sơ đăng ký vẫn đang trong quá trình được cơ quan nhà nước xử lý.


Chương trình "Chết cười" bị dư luận phản ứng và bị cơ quan quản lý nhắc nhở ngay lần đầu phát sóng.

Đối với những trường hợp này, Cục PTTH&TTĐT đã có văn bản nhắc nhở, đề nghị Đài báo cáo, giải trình. Lý do chủ yếu được giải trình là sơ suất để quên văn bản; hồ sơ liên kết thông tin chưa đầy đủ, thời gian hoàn thiện hồ sơ bị kéo dài ảnh hưởng đến việc gửi hồ sơ đi, dẫn đến chậm trễ.... Biện pháp xử lý hiện mới dừng lại ở mức nhắc nhở để Đài rút kinh nghiệm chứ chưa áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Trên thực tế, việc xử phạt chỉ chủ yếu áp dụng cho những chương trình liên kết có sai phạm nặng về nội dung mà thôi. Có 7 chương trình bị cho là thông tin sai sự thật, sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Trong số này, có 2 chương trình đã sai phạm 2 lần là "

Nhân tố bí ẩn" (phát trên kênh VTV3, Đối tác liên kết là Công ty Cát Tiên Sa) và "Cuộc đua Kỳ thú" (cũng phát trên VTV3, đối tác liên kết là Công ty BHD).

Tương tự, chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt Nam", cũng của đối tác BHD, đã thiếu thận trọng trong kiểm duyệt nội dung thông tin, để xảy ra sự cố thí sinh uống nhầm axit (chương trình chiếu ngày 11/1/2015), gây phản ứng trên cả mặt báo lẫn trong dư luận.

Chương trình "Quà tặng cuộc sống", phát trên VTV 3 với đối tác liên kết là Công ty CP Truyền thông Sunrise phát sóng tập phim hoạt hình "Nhặt xương cho thầy" ngay trước ngày Nhà giáo Việt Nam với nội dung phản cảm; Chương trình "Người giấu mặt" của đối tác liên kết BHD phát sóng ngày 18/11/2013 cũng từng bị nhắc nhở vì hình ảnh một thí sinh ôm ấp, đưa tay vào ngực áo thí sinh khác trong tập 7 của chương trình.

Đến ngày 12/12, chương trình này tiếp tục phát sóng hình ảnh các thí sinh trút bỏ trang phục để kiểm tra cân nặng trong tập 31. Chương trình "Chết cười" - cũng của đối tác BHD, đã phát nhiều nội dung, hình ảnh, lời thoại, hành động phản cảm, chọc cười thô trong chương trình ngày 17/1/2015....

Bên cạnh nội dung thì những chương trình ăn khách này cũng dính phải lỗi về quảng cáo như ngắt tới 5 lần để phát quảng cáo, vượt quá số lần cho phép, hoặc thời lượng quảng cáo quá dài.

Cục PTTH&TTĐT cho biết, đối với các sai phạm trong nội dung của Đài, Cục đều đã nhắc nhở trực tiếp cũng như nhắc nhở bằng văn bản (10 trường hợp). Những sai phạm có tính chất nghiêm trọng hơn đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 145 triệu đồng (4 trường hợp).

"Chấn chỉnh chứ không cản trở"

Riêng từ đầu năm 2015 đến nay, Cục đã nhận được 13 hồ sơ đăng ký chương trình liên kết từ VTV. Trong đó Chương trình "Chết cười" được Bộ TT&TT cấp Giấy chứng nhận đăng ký liên kết thì khi phát sóng số đầu tiên đã bị cơ quan quản lý nhắc nhở, 3 hồ sơ của các chương trình "Kinh doanh và pháp luật", "Cái lý - Cái tình", "Bốn mùa yêu thương có một số vấn đề cần Đài báo cáo, làm rõ với cơ quan quản lý; 9 hồ sơ mới được tiếp nhận và Cục vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Trong số 9 hồ sơ này, có 4 chương trình đã được Bộ TT&TT cấp phép những năm trước đây là "Chìa khóa thành công", "Bài hát yêu thích", "Hát cùng siêu chip" và "Vui sống mỗi ngày", đều chưa để xảy ra sai phạm nào. 5 hồ sơ còn lại đều là chương trình lần đầu tiên đăng ký, gồm 1 chương trình phim hoạt hình lịch sử ("Hào khí ngàn năm" - phát trên VTV1), 1 chương trình truyền hình thực tế về sáng tạo công nghệ ("Sáng tạo Việt" - phát trên VTV3), chương trình truyền hình thực tế "Đẹp Việt" - phát trên VTV3,  Chương trình "Khỏe 24/7" - phát trên VTV2 và cuối cùng là chương trình talk-phóng sự truyền hình "Câu chuyện y học" - VTV2.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Cục PTTH nhận thấy, về cơ bản, các hồ sơ đăng ký này đều hợp lệ, thực hiện đúng quy định và đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, do những sai phạm trong hoạt động liên kết của Đài thời gian qua, Bộ TT&TT quyết định trước mắt, tạm dừng cấp mới Giấy chứng nhận cho VTV với các đối tác liên kết mà trước đó từng xảy ra sai phạm nhiều lần như Cát Tiên Sa, BHD, cũng như tạm dừng cấp Giấy chứng nhận cho các chương trình liên kết dự kiến phát sóng trên VTV3.

Mặc dù vậy, những hồ sơ đăng ký mà nội dung đăng ký không vi phạm quy định, không vi phạm văn hóa, thuần phong, mỹ tục, đối tác liên kết chưa để xảy ra sai sót nào trong quá trình liên kết trước đây vẫn được tiếp tục xem xét, xử lý hồ sơ như bình thường. Do đó, 7/9 hồ sơ đăng ký mới của VTV là "Chìa khóa thành công", "Bài hát yêu thích", "Hát cùng siêu chip", "Vui sống mỗi ngày", "Hào khí ngàn năm", "Câu chuyện y học" và "Khỏe 24/7" vẫn đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận.

Bộ TT&TT cũng đã có văn bản số 616 (ngày 10/3/2015) gửi VTV, đề nghị Đài tạm ngừng thực hiện các hoạt động liên kết sản xuất chương trình với những đối tác có nhiều sai phạm để chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm soát nội dung, biên tập... Văn bản này nêu rõ, việc cấp Giấy chứng nhận sẽ được xem xét trên cơ sở Đài đã có những giải pháp khắc phục cụ thể chứ không phải ngừng cấp hẳn. Mục đích của quyết định này là để tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động liên kết sản xuất chương trình truyền hình nhưng không gây cản trở đối với hoạt động này.

Đối với những chương trình mà Giấy chứng nhận còn hiệu lực, nếu trong thời gian tới để xảy ra sai phạm, Bộ sẽ thu hồi Giấy chứng nhận và có biện pháp xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định. Riêng những chương trình sai phạm về thủ tục đăng ký liên kết, phát sóng khi chưa được cấp phép, dù Đài có báo cáo giải trình, Bộ sẽ vẫn không cấp Giấy chứng nhận cho những chương trình này, đồng thời xử lý vi phạm hành chính.

Theo Vietnamnet.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load