Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị vừa giải đáp những thắc mắc liên quan tới các vụ việc lớn ở thủ đô.
Sáng 15/4, bên lề buổi họp Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trao đổi với báo chí những vấn đề “nóng” ở thủ đô trong thời gian qua.
Những ngày qua, việc Hội đồng Nhân dân Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường bầu hai phó chủ tịch UBND thành phố vào ngày 18/4 tới đây để thay thế cho các phó chủ tịch nghỉ hưu đang đặt ra câu hỏi về số lượng phó chủ tịch.
Hà Nội hiện “thiếu” hai phó chủ tịch do ông Nguyễn Văn Khôi và Nguyễn Huy Tưởng đã nghỉ hưu. Để bổ sung nhân sự lãnh đạo, HĐND thành phố sẽ tiến hành họp phiên bất thường, dự kiến bầu thêm các ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội thay thế.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đã được Ban Bí thư luân chuyển về tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2010 - 2015 và giới thiệu giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND thành phố.
Do đó, dự kiến Hà Nội sẽ có 7 phó chủ tịch, một con số vượt quy định hiện hành.
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị
Nói về việc Hà Nội có 7 phó chủ tịch, Bí thư Phạm Quang Nghị khẳng định thành phố bầu 6 người theo đúng nguyên tắc, một người do Trung ương luân chuyển về.
“Hiện nay, phó chủ tịch vẫn là 6 người được bầu theo đúng nguyên tắc. Còn một người do Trung ương luân chuyển về sẽ không tính vào cơ cấu.
Các tỉnh khác cũng như vậy, tỉnh được bầu 3, thêm một người luân chuyển là 4. Đây là các nhân sự mà Trung ương gửi về để bồi dưỡng, đào tạo. Trung ương đã chọn lựa nhân sự có chất lượng chứ không phải ai cũng chọn, nên đây là yếu tố để đồng chí đó có thể trúng cử, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Nghị nói.
Liên quan tới việc phân chia công việc cho 7 vị phó chủ tịch này, ông Nghị cho biết, công tác cán bộ phụ thuộc khả năng điều hòa, đôi khi ít người mà vẫn làm tốt công việc, còn lúc nhiều thì phải phân công để không ai có cảm tưởng mình là người thừa.
“Chúng tôi sẽ dựa vào năng lực, sở trường, sở đoản để phân công phù hợp”, ông Nghị nhấn mạnh.
Dừng xử vụ thẩm mỹ viện Cát Tường là đúng
Nguyễn Mạnh Tường trả lời các câu hỏi trước tòa. Ảnh N.D
Đồng tình với quyết định dừng phiên xử vụ TMV Cát Tường của ngành tòa án, Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị cho đây là vụ việc nghiêm trọng, phải làm rất kỹ mới nhận được sự đồng thuận trong dư luận.
“Qua phiên tòa xử vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường, tôi rất hoan nghênh việc tòa án đã cho dừng phiên xử để tiếp tục điều tra, làm rõ thêm những vấn đề còn chưa rõ.
Vụ việc nghiêm trọng như vậy, nếu xác định tội danh như thế và cứ như vậy mà xử rồi kết án thì dư luận chắc không đồng tình. Vị bác sĩ này vừa vi phạm quy định vừa thiếu cả nhân tính nữa. Do vậy, việc tòa án dừng phiên xử hôm qua là đúng. Cần làm thật tốt, thật kỹ vụ án này”, ông Nghị nói.
Ngoài ra, nói về dự án đường Trường Chinh mở rộng đoạn qua Quân chủng Phòng không - Không quân bị đi cong về phía Nam, ông Nghị khẳng định: “Việc điều chỉnh quy hoạch đường Trường Chinh vừa rồi không có bất kỳ một dấu hiệu nào mang tính tiêu cực”.
Cũng theo ông Nghị, đương nhiên con đường chạy thẳng tốt hơn không thẳng. Thế nhưng cuộc sống cũng đôi lúc không hoàn toàn làm được theo ý muốn.
Mọi quy trình thủ tục liên quan đến dự án đường Trường Chinh đều phải căn cứ vào những cơ quan có thẩm quyền xem xét chứ không một cá nhân nào có thể quyết định được hướng tuyến của nó.
Còn xét về phương diện kinh tế, kỹ thuật, sự điều chỉnh đường Trường Chinh giảm được chi phí giải phóng mặt bằng, bớt ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ở đây, dù là công dân bình thường hay tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang đều phải quan tâm.
“Tôi lấy ví dụ nếu con đường chỉ gặp một di tích thì không thể đi thẳng được mà phải điều chỉnh.
Việc điều chỉnh hướng tuyến đường Trường Chinh xuất phát từ lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Điều đó cũng góp phần giảm được chi phí cho công trình. Theo như những tính toán về mặt nguyên tắc liên quan đến đường Trường Chinh thì không có gì sai phạm.
Hà Nội đã điều chỉnh theo đề nghị rất đàng hoàng, đúng đắn, công khai minh bạch của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng. Cơ quan quyết định là thành phố Hà Nội chứ không có cá nhân nào đưa ý chí hay lợi ích cá nhân của mình vào việc này”.
Theo vtc.vn
Theo