(Xây dựng) – Được xác định là tuyến đường huyết mạch, nhằm kết nối hành lang vận tải Hà Nội – Tây Bắc, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhưng sau nhiều năm “khởi động” Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình vẫn “ì ạch” chậm tiến độ. Việc dự án bị chậm tiến độ do một số nguyên nhân, nhưng trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là dự án không có vốn để triển khai.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình có điểm đầu tại ngã tư Hòa Lạc (km17+85-Quốc lộ 21), điểm cuối tại km32 +367, tương ứng với km67+510-lý trình Quốc lộ 6 thuộc xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Không còn vốn thi công, Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình đang bị chậm tiến độ.
Theo thiết kế, tuyến có chiều dài khoảng 31km, đoạn 6,7km đầu đi trùng với đường Hòa Lạc-Làng Văn hóa (hiện là đường cấp 3 đồng bằng) tận dụng hoàn toàn; đoạn tiếp theo xây dựng mới qua các huyện Thạch Thất (Hà Nội) và Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình có chiều dài khoảng 25,6km. Đoạn tuyến này sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình được khởi công vào tháng 5/2014, hoàn thành vào 31/8/2016 (28 tháng). Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.180 tỷ đồng, xây dựng một trạm thu phí dự kiến đặt tại km17+100 với thời gian thu phí hoàn vốn là 24 năm 11 tháng 8 ngày (kể từ ngày 1/9/2016 đến 9/12/2040). Nhà đầu tư dự án là Liên danh Tổng Cty 36-Cty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội-Cty CP Xây lắp và thương mại Trường Lộc. Dự án xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT là dự án trọng điểm quốc gia. Đây cũng là dự án nằm trong danh sách các công trình kiểm tra do Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện.
Việc dự án bị chậm tiến độ một phần do công tác GPMB của Hà Nội gặp nhiều vướng mắc, tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ GTVT, TP Hà Nội đã xin đẩy thời gian hoàn thành việc GPMB. Tính đến 30/6/2017 đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình: chiều dài 16,5km đã hoàn thành phần toàn bộ phần cầu trên tuyến và công trình thoát nước. Khối lượng nền đường đã hoàn thành 92% đắp đất nền K95 và 80% đắp đất nền K98. Đoạn qua địa phận Hà Nội có chiều dài tuyến 6,37 km, các đơn vị thi công đã hoàn thành 67% đắp đất nền K95.
Bên cạnh đó trong quá trình thi công nhà đầu tư cũng gặp phải một số khó khăn do phát sinh khối lượng do xử lý sát trượt, do thỏa thuận đấu nối, chi phí tạm ngừng cấp nước với Cty Viwasupco - Đơn vị quản lý đường ống nước Sông Đà chưa hoàn thành cũng như do Ngân hàng SHB (ngân hành tài trợ vốn) tạm dừng giải ngân cho dự án với các lý do số liệu báo cáo doanh thu thực tế thấp so với phương án tài chính. Tuy nhiên việc dự án bị chậm tiến độ nguyên nhân chủ yếu được xác định là dự án “không còn vốn” để tiếp tục triển khai.
Trước đó, đối với dự án này Cty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO) được UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình chọn làm Nhà đầu tư Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng BT trên cơ sở các Công văn số 475/TTg-CN và 2125/VPCP-KTN của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai dự án, do biến động của thị trường BĐS, quỹ đất dự án đối ứng cho Dự án đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình của cả tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội đều không đáp ứng trả cho Nhà đầu tư khi hoàn thành xây dựng tuyến đường.
Dự án đã phải tạm dừng thi công để chuyển đổi hình thức đầu tư và luôn rơi vào tình trạng thiếu vốn.
Theo đó, do khó khăn về nguồn vốn thi công Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - TP. Hòa Bình theo hình thức BT, GELEXIMCO đã nghiên cứu, làm việc với ADB (Ngân hàng Phát triển Châu Á) và PMU2 (thuộc Bộ GTVT) để ADB xem xét tài trợ cho Dự án theo hình thức PPP. Sau đó ADB đã đồng ý tài trợ kinh phí lập "hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu xây dựng Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - TP. Hòa Bình theo hình thức PPP" và Bộ GTVT đã giao PMU2 tiếp nhận tại Văn bản số 8281/BGTVT-QHQT ngày 13/8/2013.
Ngày 13/8/2013, GELEXIMCO đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình xin: Dừng triển khai Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BT và bàn giao lại dự án cho các địa phương hoặc Bộ GTVT; Xem xét đầu tư Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - TP. Hòa Bình bằng nguồn vốn vay ODA theo hình thức Hợp tác công - tư (PPP) và Cty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội sẽ là Nhà đầu tư thứ nhất, hoặc đầu tư dự án bằng các nguồn vốn khác.
Sau đó Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8288/VPCP-KTN ngày 04/10/2013 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho dừng Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - TP. Hòa Bình và giao Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuyển đổi hình thức đầu tư, vận động vốn ODA để tiếp tục triển khai dự án.
Ngày 26/12/2013, Bộ GTVT đã có Văn bản số 1435/BGTVT-ĐTCT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép đầu tư xây dựng dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo hình thức BOT. Tại văn bản này Bộ GTVT kiến nghị: Do tính chấp cấp bách, cần thiết phải đầu tư Dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình trong khi chưa đủ nguồn lực để làm đường cao tốc nhằm chia sẻ một phần lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 6…Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ghép Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình vào Dự án đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình thành Dự án xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và đường Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình để triển khai theo hình thức Hợp đồng BOT với quy mô đã nghiên cứu, đề xuất nêu trên và giao Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thay UBND 2 tỉnh, thành phố đề thực hiện dự án.
Để đảm bảo khả năng hoàn vốn dự án, cho phép xây dựng 2 trạm thu phí trên 2 tuyến đường Quốc lộ 6 và Hòa Lạc – Hòa Bình để thu phí hoàn vốn với cơ chế quản lý và thực hiện như dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Cần Thơ tại Văn bản số 979/TTg-KTN ngày 5/7/2013, trong đó cho phép áp dụng hình thức chỉ định Nhà đầu tư để rút ngắn thời gian, phấn đấu khởi công dự án quý 1/2014 và hoàn thành cuối năm 2016. Giao UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Nhà đầu tư GELEXIMCO bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Bộ GTVT tiếp tục thực hiện.
Sau đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2157/VPCP-KTN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc cho phép ghép Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai- Hòa Bình vào Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình thành Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Bình – Hòa Lạc và đường Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình để triển khai theo hình thức Hợp đồng BOT và giao Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án.
Dự án đình trệ do bên cho vay (Ngân hàng SHB) ngừng cấp vốn từ tháng 9/2016 vì lo dự án bị “vỡ” phương án tài chính (ảnh: Tiền Phong)
Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, từ ngày 1/9/2016, Ngân hàng SHB - Chi nhánh Ba Đình đã dừng không giải ngân và yêu cầu Nhà đầu tư (Cty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình) thực hiện một số việc như: giá vé, thời gian thu phí, tính toán lại hiệu quả đầu tư.
Theo Cty TNHH BOT Quốc lộ 6 - Hòa Lạc - Hòa Bình, nhà đầu tư này đã hoàn thành các yêu cầu của phía Ngân hàng, tuy nhiên đến nay SHB chưa tiếp tục giải ngân cho Dự án. Việc tạm dừng giải ngân từ 1/9/2016 đến nay đã làm ảnh hưởng đến tiến độ Dự án, đặc biệt là trong giai đoạn thi công nước rút nhằm hoàn thành công trình vào cuối tháng 4/2017. Tháng 3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đã có văn bản đề nghị người đứng đầu Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo Ngân hàng SHB - Chi nhánh Ba Đình (đơn vị tài trợ vốn) sớm nối lại công tác giải ngân để Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BOT hoàn thành đúng tiến độ.
Theo một diễn biến mới đây, tại cuộc họp tháng 7/2017, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu các cơ quan của Bộ như Vụ Tài chính, Vụ Đối tác công tư khẩn trương đánh giá lại dự án cũng như cùng với nhà đầu tư đánh giá và tính toán lại các phương án tài chính và báo cáo lại lãnh đạo Bộ vào 31/7. Để có vốn tiếp tục giải ngân cho dự án, Bộ trưởng đề nghị các Nhà đầu tư trước hết cần thực hiện đầy đủ trách nhiêm của mình trong đóng góp vốn chủ sở hữu, bên cạnh đó tiếp tục phối hợp với ngân hàng SHB tháo gỡ các vướng mắc khó khăn.
Một dự án được xác định là trọng điểm, nhưng được đầu tư theo kiểu “ngẫu hứng” không có kế hoạch đảm bảo vốn, là nguyên nhân chính dẫn tới việc dự án bị chậm tiến độ. Đây cũng là tình cảnh chung của hàng trăm dự án trải dài trên cả nước, phải chịu chung số phận lo vốn, chạy vốn hàng năm. Với tình trạng đầu tư dự án kiểu này, đã gián tiếp làm thất thoát ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và nhiều hệ lụy khác kéo theo.
Vũ Chiến
Theo