Giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp, trong các biện pháp giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp có cả sử dụng xã hội đen, nhóm nghiên cứu của VCCI cho biết trong một báo cáo mới được công bố.
Hội thảo công bố báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, diễn ra tại VCCI.
Thực hiện nghị quyết 19 và nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp - góc nhìn từ doanh nghiệp là tên của bản báo cáo.
Quá trình thực hiện báo cáo này, nhóm chuyên gia của Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phỏng vấn không chỉ doanh nhân mà có cả các luật sư.
Cải cách tư pháp là một trong những nội dung đáng chú ý của nghiên cứu nói trên.
Theo các tác giả thì trong chỉ tiêu của Ngân hàng Thế giới đánh giá môi trường kinh doanh, có hai chỉ tiêu liên quan chặt chẽ đến cải cách tư pháp là thực thi hợp đồng và giải quyết phá sản. Hai cơ quan chịu trách nhiệm chính cải cách chỉ số này là toà án và cơ quan thi hành án dân sự.
Nhưng thực tế thì mặc dù trong đối tượng phỏng vấn có khá nhiều các luật sư, nhóm nghiên cứu ghi nhận rằng cải cách tư pháp tại các địa phương diễn ra rất chậm. Tất cả các luật sư được hỏi đều cho biết việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại và phá sản vẫn mất rất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao.
Nhóm nghiên cứu cho biết, nguyên nhân của thực trạng này nằm ở cả toà án và cơ quan thi hành án. Cụ thể, đối với thủ tục nhận và thụ lý đơn khởi kiện hiện nay, tình trạng hướng dẫn bằng lời nói (không có văn bản), trả lại đơn không rõ lý do, không viết phiếu hẹn diễn ra phổ biến.
Tình trạng vi phạm thời hạn tố tụng hoặc đình chỉ, tạm đình chỉ án vì những lý do cứng nhắc, thậm chí nhũng nhiễu tiêu cực, vẫn diễn ra thường xuyên. Kể cả sau khi đã có bản án thì công tác thi hành án cũng rất chậm và không có cải thiện so với trước đây.
Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận, Toà án nhân dân Tối cao đã có nhiều chính sách mang tính cải cách hệ thống văn bản pháp luật về tố tụng dân sự. Trong số những điều chỉnh đó, một số thay đổi có tác động tích cực trên thực tiễn, nhưng cũng không ít điểm cải cách mới chỉ nằm trên giấy, còn trên thực tế, doanh nghiệp và luật sư chưa cảm nhận được.
Các kết quả khảo sát trên diện rộng cũng cho thấy tình trạng doanh nghiệp giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp. Theo điều tra PCI, nếu như năm 2013, có đến 60% các doanh nghiệp được hỏi cho biết họ sẵn sàng khởi kiện ra toà nếu có tranh chấp với đối tác, thì đến năm 2017, con số này chỉ còn 36%. Một số tỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện cao như Lào Cai, Sơn La, Bến Tre.
Qua số liệu thống kê, các tác giả báo cáo cho biết, các doanh nghiệp chưa bao giờ tiếp xúc với toà án có niềm tin vào hệ thống tư pháp cao hơn so với những doanh nghiệp đã từng tiếp xúc. Theo điều tra PCI, đối với những doanh nghiệp chưa bao giờ tiếp xúc, vẫn có 81% tin tưởng rằng quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình sẽ được toà án và cơ quan thi hành án dân sự bảo vệ, trong khi chỉ có 70% doanh nghiệp từng tiếp xúc với hệ thống tư pháp có niềm tin này.
Lý do lớn nhất để các doanh nghiệp không lựa chọn biện pháp tư pháp là thời gian, tiếp theo đó là tình trạng chạy án. Đặc biệt là các doanh nghiệp đã từng vướng kiện tụng luôn đánh giá thấp hơn so với doanh nghiệp chưa từng, báo cáo nêu rõ.
Bốn lý do doanh nghiệp không khởi kiện ra toà được thống kê gồm: thời gian quá dài, chi phí cao, tình trạng "chạy án" phổ biến và trình độ, năng lực của cán bộ thấp.
Có đến 60% doanh nghiệp đã tiếp xúc với toà án nêu lý do thứ nhất, 42% nêu lý do liên quan đến " chạy án".
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu cho biết, trong trường hợp không khởi kiện, các doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp khác thay thế như trọng tài thương mại, nhờ cán bộ nhà nước tác động, đưa ra báo chí, sử dụng xã hội đen và các biện pháp khác.
Những doanh nghiệp đã từng khởi kiện cho biết họ sẽ chuyển sang sử dụng các biện pháp này nhiều hơn so với các doanh nghiệp chưa từng khởi kiện, nhóm nghiên cứu cho biết.
Cụ thể, 9% doanh nghiệp đã tiếp xúc với toà án lựa chọn biện pháp sử dụng xã hội đen, 41% nhờ cán bộ nhà nước tác động, 23% chọn giải pháp đưa ra báo chí, 47% chọn trọng tài thương mại, theo thống kê tại báo cáo.
Theo Hà Vũ/VnEconomy.vn