Nhiều chủ đầu tư bất động sản lớn trên thị trường đã chuyển hướng phát triển dự án ra các tỉnh thành khác thay vì tập trung ở Hà Nội và TP.HCM.
Từ 2019 đến nay, khi việc cấp phép các dự án mới tại TP.HCM và Hà Nội được thắt chặt, sự phát triển của các thị trường phi truyền thống ở khu vực vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Hưng Yên... ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Một số chủ đầu tư lớn như Nam Long, Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh... đã bắt tay vào phát triển nhiều dự án khu đô thị, căn hộ với quy mô lên đến hàng trăm ha tại các tỉnh vùng ven. Đơn cử, Novaland đang phát triển dự án khu đô thị Aqua City với quy mô lên đến gần 1.000 ha tại Đồng Nai hay Nam Long với dự án Waterpoint 355 ha ở Long An và Izumi City rộng 170 ha ở Đồng Nai...
Bên cạnh đó là chục dự án có quy mô dưới 50 ha của các chủ đầu tư trong nước và quốc tế đang được đầu tư và phát triển tại nhiều tỉnh thành.
Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm về bất động sản của nhiều tỉnh thành từ Bắc đến Nam trong 3 tháng đầu năm đã tăng đáng kể so với giai đoạn cuối 2020.
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, việc các chủ đầu tư chuyển hướng ra nhiều tỉnh thành có thể là để tận dụng các lợi thế về giá đất và một số ưu đãi khác nhưng cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Do các thành quả tăng trưởng kinh tế - xã hội được phân bổ khá đồng đều nên cư dân đô thị đang tăng lên nhanh chóng. Không cần phải ở các thành phố lớn nhất nước nữa, hiện cư dân ở những đô thị xung quanh Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng hay thậm chí xa hơn vẫn có sự kết nối tốt về thông tin, dịch vụ hay hàng hóa.
Cùng với đó, điều kiện sống dần tốt hơn đồng nghĩa với nhu cầu về các không gian sống xứng tầm cũng dần nhiều hơn. Các chủ đầu tư, hơn ai hết, hiểu rất rõ nhu cầu này và họ lập tức tìm cách đáp ứng, triển khai nhiều dự án đa dạng công năng, đưa ra cho khách hàng của họ nhiều lựa chọn.
Bất động sản các thị trường tỉnh thu hút nhiều nhà phát triển bất động sản do quỹ đất lớn và chi phí đầu tư còn thấp. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tuy nhiên, ông David Jackson cho rằng các chủ đầu tư cũng gặp không ít thách thức khi chuyển địa bàn hoạt động. Họ cần nghiên cứu thị trường để tìm ra đúng tệp khách hàng tiềm năng phù hợp với thế mạnh của doanh nghiệp mình. Nhà đầu tư cũng có thể phải góp phần phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực xung quanh dự án để giúp cho việc kết nối thuận tiện hơn.
"Dù ở các tỉnh thành gần với hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước hay các địa phương xa xôi thì nhiều người, bao gồm cả chủ đầu tư dự án lẫn nhà đầu tư đều tin rằng giá BĐS sẽ gia tăng theo thời gian. Trên thực tế, nếu là một thị trường đã trưởng thành thì sẽ ít xảy ra hiện tượng này. Bài toán muôn thuở của nhà đầu tư là mua BĐS ở đâu, mua dự án gì và cả chiến lược rút lui", CEO Colliers Việt Nam bình luận.
Ông nhấn mạnh các nhà đầu tư có những tính toán để bán lại BĐS ở những thời điểm khác nhau. Vấn đề là khi có nhiều BĐS được bung ra cùng thời điểm và xu hướng giá tăng lên thì hiện tượng “lướt sóng” cũng xuất hiện nhiều hơn, BĐS cũng sẽ qua tay nhiều người hơn và khiến giá tăng chóng mặt. Điều này rõ ràng là tác động tiêu cực đến thị trường. Nhưng cuối cùng thì thị trường sẽ tự điều chỉnh chính nó.
"Dù có một số vấn đề, chẳng hạn như sốt đất đang diễn ra ở nhiều nơi, nhưng tôi vẫn đánh giá viễn cảnh thị trường BĐS Việt Nam khá tích cực. Theo tôi, trong khoảng 5-6 năm nữa, sẽ không có quá nhiều vấn đề thực sự phức tạp. Dù vậy, về dài hạn, tôi cho rằng nhiều người vẫn giữ tâm lý lướt sóng trong ngắn hạn, và đây chính là vấn đề", ông David Jackson khẳng định.
Theo Hà Bùi/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/vi-sao-doanh-nghiep-bat-dong-san-do-xo-danh-bat-xa-bo-post1203592.html