Thứ bảy 21/09/2024 00:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Vì sao cần điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng?

10:53 | 07/12/2016

(Xây dựng) - Để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội; sự biến động của các dự án (DA) trọng điểm ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng đất, môi trường, bố cục không gian kiến trúc đô thị và phù hợp với các yếu tố mới trong chỉ đạo phát triển đô thị của Bộ Chính trị, Hải Phòng cần sớm có kế hoạch điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2050 tại Quyết định 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ.


Một góc đô thị Hải Phòng ngày nay.

Đảm bảo mục tiêu xây dựng hiện đại, phát triển bền vững

Thực hiện quy hoạch (QH) chung xây dựng TP Hải Phòng đã mang lại những hiệu quả tích cực và chuyển biến rõ nét trong công tác cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị, tạo ra môi trường đô thị có chất lượng ngày càng tốt hơn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tỷ trọng dịch vụ - công nghiệp chiếm hơn 90% (trong 3 năm trở lại đây) và nâng cao sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP tăng vượt bậc, qua đó thúc đẩy tăng trưởng về kinh tế (GDP tăng bình quân 11%/năm, gấp 1,5 lần mức tăng chung cả nước), đưa hình ảnh và vị thế của TP thay đổi theo hướng tích cực; đồng thời đảm bảo mục tiêu xây dựng TP hiện đại, phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng để trở thành một TP văn minh, hiện đại, đóng góp càng lớn vào phát triển khu vực phía Bắc và cả nước, hướng tới trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng, dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính của khu vực Đông Nam Á như đồ án QH đã đề ra.

Tuy nhiên, Đồ án QH chung xây dựng TP Hải Phòng tại Quyết định 1448/QĐ-TTg được phê duyệt đã gần 7 năm. Theo quy định tại Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị thì đã đến thời hạn định kỳ phải xem xét, rà soát, đáng giá quá trình thực hiện đồ án QH này để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội TP trong thời gian tới. Theo Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị, hiện nay Hải Phòng hội tụ đủ những điều kiện phù hợp để được nghiên cứu điều chỉnh QH chung.

Cụ thể, thời gian qua, Hải Phòng đã có sự điều chỉnh về chiến lược, QH tổng thể phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn tới. Việc hình thành các khu chức năng đặc thù cùng nhiều DA có quy mô đầu tư lớn có ý nghĩa không chỉ là trọng điểm trong việc phát triển không gian đô thị của Hải Phòng mà còn mang tầm chiến lược cấp vùng và quốc gia; dự kiến sẽ thu hút lao động, làm dịch chuyển mạnh mẽ cơ cấu kinh tế sang nhóm ngành công nghiệp – dịch vụ (đặc biệt là du lịch, cảng biển và công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch), tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho TP như DA Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, Tổ hợp LG Display tại KCN Tràng Duệ, KCN Nam Đình Vũ; các DA phát triển dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí như Khu vui chơi, giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên, Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu; các DA phát triển hạ tầng kỹ thuật khung như đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua TP Hải Phòng, tuyến đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, sân bay quốc tế Cát Bi, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng... Các DA trọng điểm này ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng đất, môi trường, bố cục không gian kiến trúc đô thị, phát triển vượt trội so với dự báo QH chung xây dựng TP Hải Phòng đã được phê duyệt. Ngoài ra, còn nhiều DA triển khai chậm tiến độ với những lý do xuất phát từ các chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, do nguồn lực kinh tế của địa phương còn hạn chế và sức hút đầu tư của TP chưa ổn định nên việc triển khai lập QH phân khu, QH chi tiết và các DA đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo QH chung xây dựng TP còn chậm. Việc triển khai QH các chuyên ngành khác còn thiếu đồng bộ do chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác lập QH cũng như do những yêu cầu về đầu tư mang tính giai đoạn, phát triển nóng.

Phù hợp với những yếu tố mới trong chỉ đạo của Bộ chính trị

Tại Kết luận 72-KL/TW ngày 10/10/2013, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh Hải Phòng cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 32-NQ/TW ngày 5/8/2003 của Bộ Chính trị; vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và các Nghị quyết của Trung ương, đồng thời xác định rõ hơn mô hình phát triển cho TP ở giai đoạn tiếp theo với những điểm mới quan trọng. Trong định hướng đó, Hải Phòng cần “tập trung phát triển lĩnh vực có thế mạnh, mang tính đột phá là các ngành dịch vụ cảng biển, sân bay, du lịch, kinh tế biển và vận tải biển, logistics, tài chính, xuất nhập khẩu; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn có năng suất, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học, công nghệ cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng đô thị cảng biển xanh, văn minh, hiện đại”.

Để thực hiện mô hình phát triển với những định hướng trên, cần thiết phải xem xét điều chỉnh, bổ sung tính chất, chức năng, quy mô đô thị của TP Hải Phòng trong thời gian tới.

Căn cứ Kết luận 72 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 12-NQ/ĐH ngày 24/10/2015 của Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đưa ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng, phát triển, quản lý đô thị phù hợp.

QH tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng xác định, Hải Phòng cùng với Quảng Ninh hình thành tiểu vùng duyên hải ven biển “có triển vọng phát triển nhanh và năng động, với các trung tâm thương mại, dịch vụ tại các đô thị lớn trong tiểu vùng; xây dựng các khu du lịch mang tầm cỡ vùng và quốc gia gắn với du lịch sinh thái các vườn quốc gia Cát Bà, Bái Tử Long, Vân Đồn, Trà Cổ”; “tạo sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trung tâm trong vùng, gồm hai TP trực thuộc Trung ương” là Hà Nội và Hải Phòng. Về một số ngành, lĩnh vực trọng tâm trong định hướng tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của TP Hải Phòng như QH phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, QH tổng thể phát triển du lịch Việt Nam cũng dược điều chỉnh, bổ sung, phát triển hơn. Có thể thấy với những yếu tố về vị trí vai trò như trên sẽ có ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển cũng như sự liên kết về không gian kinh tế và không gian đô thị cấp vùng của Hải Phòng với các tỉnh, TP trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng duyên hải Bắc bộ.

Từ những lý do trên, Hải Phòng cần thiết phải Điều chỉnh Đồ án QH chung xây dựng Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1448/QĐ-TTg để tiếp tục thực hiện những nội dung đã đề ra; đồng thời cập nhật các yếu tố mới xuất hiện để cụ thể hóa định hướng chiến lược theo Kết luận của Bộ chính trị và của Đảng bộ TP; phù hợp với QH tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Hải Phòng trong tổng thể phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, QH tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt nam và các QH ngành, lĩnh vực liên quan.

Việc điều chỉnh này là công tác thường xuyên của các cơ quan quản lý QH đô thị bên cạnh công tác đề xuất chính sách đối với nhà - đất trong khu vực QH, nhằm đáp ứng yêu cầu hạn chế gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của cộng đồng dân cư, vừa tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tổ chức thực hiện QH, đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo mục tiêu phát triển bền vững.

Mỹ Hạnh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Bài 2: Bản hòa ca giữa kiến trúc bản địa và hiện đại

    (Xây dựng) – Một quốc gia hưng thịnh là quốc gia mà các nhóm cộng đồng đều mạnh, phải giữ được nét văn hóa, giữ được bản sắc riêng, vì nó là nền tảng căn cốt. Bảo tồn một ngôi nhà hay không gian sống truyền thống của mỗi dân tộc, không chỉ nằm trong giá trị bảo tồn tiện nghi sống mà còn là sự kết nối dòng chảy văn hoá, tâm linh minh triết của tổ tiên. Vẻ đẹp chân chất, mộc mạc từ cảnh quan đến con người của bà con đồng bào Tây Bắc chính là viên ngọc sáng của đại ngàn. Chỉ khi Tây Bắc hiểu được vẻ đẹp của chính mình, mới có thể đứng vững trước những xoay vần, thách thức của thời cuộc.

  • Hà Nội: Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N7 huyện Đông Anh

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND về việc phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N7, tỷ lệ 1/5.000 tại khu đất chức năng Trường Trung học phổ thông thuộc ô quy hoạch VII.5.2.

  • Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Cẩm Tân

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 3775/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy đến năm 2045.

  • Bình Dương: Huyện Bắc Tân Uyên sẽ lên thị xã trong giai đoạn 2030-2050

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2040. Trong đó, mục tiêu trong giai đoạn 2030 – 2050 sẽ nâng cao các tiêu chí của đô thị Bắc Tân Uyên đạt đô thị loại IV, thành lập thị xã Bắc Tân Uyên.

  • Hà Nội: Phê duyệt phương án, vị trí tuyến đường trục Tả Thanh Oai

    (Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 4897/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án, vị trí tuyến đường trục Tả Thanh Oai, tỷ lệ 1/500.

  • Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn cấp phép công trình có tầng hầm

    (Xây dựng) - Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản hướng dẫn UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện và đơn vị liên quan trên địa bàn về việc cấp giấy phép xây dựng công trình có tầng hầm.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load