(Xây dựng) - Có thể nhận xét rằng, buổi chiều ngày 18/12/2016 đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử cho nền nông nghiệp nước ta tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Ở đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định mạnh mẽ hơn bao giờ hết định hướng phát triển, đồng thời có những quyết định rất cụ thể hỗ trợ phát triển một nền nông nghiệp thông minh cho nước nhà.
Ông khẳng định: “Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ diễn ra rất quyết liệt trên toàn cầu thì Việt Nam chúng ta có 3 thế mạnh rất quan trọng, một là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hai là công nghệ thông tin và thứ ba là du lịch”.
Không dừng lại đó, vị “tổng tư lệnh” đã bày tỏ quyết tâm của Chính phủ về vấn đề này và trực tiếp đề ra những giải pháp quan trọng để biến ý chí đó thành hiện thực.
Điều đầu tiên, đó là việc xác định không phải địa phương nào được quy hoạch trong các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì mới được phép đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Thay vào đó, cần phải bảo đảm rằng mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Tiếp theo, về đề xuất của các doanh nghiệp liên quan đến hỗ trợ tín dụng, Thủ tướng quyết ngay: Phải có một gói tín dụng 50 - 60 nghìn tỷ đồng để phục vụ công việc này với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, nhưng không chỉ cho một ngân hàng thương mại làm việc này mà cho nhiều ngân hàng thương mại. Bởi vì nguyên tắc quan trọng của kinh tế thị trường là cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực, chi phí không chính thức.
Tiếp nữa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất, có chính sách cho nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao...
Như vậy, có 3 “cục máu đông” lớn nhất xưa nay vốn ngăn cản nền sản xuất nông nghiệp nước nhà phát triển, đó là việc tích tụ ruộng đất, là sự cứng nhắc về quy hoạch, là thiếu nguồn vốn hỗ trợ... hy vọng sẽ được phá vỡ trong tương lai.
Tuy nhiên, đấy vẫn là hy vọng, bởi để biến ý chí đó thành hiện thực quả là không hề dễ dàng. Lý do có lẽ ai cũng hiểu một khi bộ máy hành chính thực thi kia không chỉ cồng kềnh, chồng chéo trách nhiệm, năng lực có hạn... mà còn nhiều chỗ, nhiều nơi bị mắc căn bệnh “trên bảo dưới không nghe”.
Nhưng có thể tin chắc rằng, Việt Nam bắt buộc phải trở thành một quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại, vì đấy là con đường duy nhất đúng.
Nguyễn Hoàng Linh
Theo