Viết Nam bước vào giai đoạn chiến lược phát triển 2011 - 2020 với tư cách là một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Mục tiêu phát triển của Việt Nam là đến năm 2020 về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình. Theo chúng tôi, chiến lược 2011 - 2020 và hai chiến lược 10 năm tiếp theo phải tạo được những nền tảng cần thiết để Việt Nam thành công trong việc rút ngắn quá trình phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao vào những năm 40 của thế kỷ này nhằm vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ðể đạt được những mục tiêu kỳ vọng này, Việt Nam cần thực thi một tầm nhìn đến năm 2040 theo hướng phát triển rút ngắn hiện đại, kết hợp tốt các nguồn lực quốc tế do cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo ra với các nguồn lực tổng hợp của quốc gia cùng những lợi thế của người đi sau. Trên cơ sở tầm nhìn đến năm 2040, cần cụ thể hóa thành những chiến lược bắt kịp cho từng giai đoạn 10 năm. Cần coi Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020 là chiến lược đầu tiên trong chuỗi chiến lược nhằm thực hiện tầm nhìn này với trọng tâm là áp dụng mô hình tăng trưởng mới vì mục tiêu phát triển con người và vốn con người Việt Nam, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao rõ rệt sức cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả, kết hợp tối ưu phát triển theo chiều sâu là trọng tâm với phát triển theo chiều rộng, tận dụng tốt lao động xã hội, nhất là ở nông thôn.
Thách thức cho việc thực thi những chiến lược bắt kịp và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước công nghiệp phát triển đối với Việt Nam là rất gay gắt. Việt Nam mới thoát khỏi danh sách các nước nghèo nhưng chưa thật bền vững. Kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, của đô thị và của nông thôn chưa phát triển; trình độ chuyên môn hóa và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; nguồn nhân lực chất lượng cao còn quá mỏng, trình độ khoa học và công nghệ còn thua kém nhiều so với khu vực.
Cho dù những thách thức phát triển là rất gay gắt nhưng Việt Nam sẵn sàng đối mặt để vượt qua. Vì lẽ đó, mặc dù còn ở thang bậc thấp nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam cũng đã bắt tay vào nghiên cứu về bẫy thu nhập trung bình, những thành công và chưa thành công, thậm chí thất bại ở một số nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á, để rút ra những bài học cho Việt Nam nhằm từng bước trả lời câu hỏi: Việt Nam cần làm gì và làm như thế nào để tránh được bẫy thu nhập trung bình sau 20 năm - 30 năm? Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ phải từng bước tạo lập những nền tảng cần thiết gì cho giải bài toán này ngay từ trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020?
Những nền tảng cần thiết phải tạo lập ngay trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020, theo suy nghĩ của chúng tôi gồm:
- Tạo lập nền tảng chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa và con người cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
- Coi trọng vốn con người, phát triển mạnh giáo dục và đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế, có thể chế nhằm phát huy tốt nhất lợi thế dài hạn do con người Việt Nam tạo ra. Con người và vốn con người Việt Nam là tài sản quý giá nhất, là lợi thế dài hạn lớn nhất phải được khai thác một cách tốt nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
- Phát triển mạnh nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn, xóa nghèo một cách bền vững và tạo điều kiện để nông dân có cuộc sống ngày càng khá giả, nông thôn ngày càng phồn vinh với những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Ðây là nền tảng rất quan trọng để tạo cơ sở ổn định chính trị - xã hội cho việc thực hiện thành công phát triển rút ngắn, chiến lược bắt kịp.
- Xây dựng chiến lược và chính sách công nghiệp và công nghệ bắt kịp; chủ động và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển năng lực nội sinh của quốc gia, doanh nghiệp để tiếp nhận sự chuyển giao sản xuất và công nghệ hiện nay của các công ty xuyên quốc gia, của các cường quốc kinh tế, các đối tác chiến lược với Việt Nam.
- Phát triển mạnh kinh tế biển và ven biển, các vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế động lực, các khu kinh tế tự do, khu mậu dịch tự do; vùng và cụm công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở thị trường, chuyên môn hóa, công nghệ hiện đại và cần được coi là một nội dung trọng yếu của tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa rút ngắn theo hướng hiện đại.
- Từng bước xây dựng các tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn, đa sở hữu, có sự góp vốn không hạn chế của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, dựa trên chế độ cổ phần, trong đó Nhà nước nắm cổ phần khống chế, đồng thời phát triển mạnh doanh nghiệp vừa và nhỏ với công nghệ phù hợp.
- Ðổi mới cơ chế phân bổ các nguồn lực xã hội cho phát triển, đặc biệt là phân bổ lần đầu. Giảm đầu tư công và nâng cao hiệu quả của đầu tư công. Ðẩy mạnh cơ cấu lại khu vực kinh tế nhà nước trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, công nghệ cao và hiệu quả; coi trọng đầu tư tư nhân và có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân. Tôn trọng những quy luật khách quan của kinh tế thị trường và vai trò tham gia phân bổ các nguồn lực phát triển của kinh tế thị trường. Giải quyết tốt quan hệ giữa thị trường và nhà nước trong phân bổ các nguồn lực, nhất là phân bổ lần đầu cho chiến lược phát triển rút ngắn, bắt kịp của Việt Nam.
- Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng cần thiết cho việc khai thác và phát huy tốt các nguồn lực cho sự phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế, giảm chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp và của người dân.
- Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bao phủ ngày càng rộng khắp mọi tầng lớp nhân dân ở mọi vùng đất nước, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội bảo vệ người nông dân, người nghèo, người yếu thế trước những biến động và rủi ro phát triển.
- Xây dựng một nhà nước pháp quyền mạnh dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đủ năng lực dẫn dắt quá trình phát triển rút ngắn hiện đại, hoạch định và tổ chức thực hiện thành công những chiến lược bắt kịp và quản trị quốc gia về rủi ro phát triển trong điều kiện thế giới toàn cầu hóa đầy biến động phức tạp, khó lường.
- Tạo lập môi trường tốt nhất để người dân tham gia với tư cách là chủ thể của sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm quyền làm chủ trực tiếp và quyền làm chủ đại diện thông qua các tổ chức của dân và được dân ủy quyền.
Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đan xen nhiều thách thức trong việc lựa chọn và thực thi thành công tầm nhìn và chiến lược phát triển rút ngắn, bắt kịp để tiến kịp và tiến cùng thời đại. Vốn quý nhất của Việt Nam là con người. Lợi thế dài hạn và bền vững nhất của Việt Nam cũng là lợi thế do con người và trí tuệ Việt Nam tạo ra. Chăm lo và phát triển tốt vốn con người Việt Nam là điều kiện quyết định sự thành công của Việt Nam trong việc trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại có thu nhập trung bình vào năm 2020 và tránh được bẫy thu nhập trung bình để trở thành một nước công nghiệp phát triển có mức thu nhập cao vào những năm 40 của thế kỷ này và vững bước xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi.
Theo: Nhân dân
Theo baoxaydung.com.vn