Đi ngang qua các cánh đồng trong chiều hoàng hôn sắp tắt, thấy các chú trâu bụng no tròn thả những bước chân chậm chạp trên những bờ ruộng vừa gặt về phía cuối làng, ký ức tuổi thơ mục đồng trong tôi lại thức giấc.
Tuổi thơ mục đồng của tôi có khá nhiều kỷ niệm với con trâu. Đó là vào những năm thập niên 70, cha tôi thoát ly kháng chiến, còn mẹ vừa lặn lội thân cò làm lụng vất vả để nuôi mấy đứa em nhỏ dại, còn tôi được người chú giao chăn dắt một con trâu đực để lấy sức kéo và lấy phân phục vụ cày bừa, trồng cấy.
Mẹ con trâu đủng đỉnh gặm cỏ trên những thửa ruộng chưa gieo sạ trở lại.
Rồi vào một buổi sáng tháng 5, trời cao xanh lồng lộng, tôi đang ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, giữa cánh đồng mênh mông quê nhà xã Xuyên Thu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam thì bỗng máy bay địch quần thảo, phóng rốc-két, không gian như bị xé toang từng mảnh. Nghe tiếng nổ đinh tai, nhức óc, con trâu hoảng loạn, chạy nhảy lung tung. Mặc dù đã có “kinh nghiệm” nhiều năm ngồi trên... lưng trâu để nó nhảy nhưng tôi cũng không “trụ” nổi trước sự sợ hãi tột cùng của nó. Tôi vội bám chắc sẹo được một lúc thì trâu đành đoạn hất tôi xuống mương nước. Vừa cũng lúc ấy, tiếng loạt đạn chát chúa, tôi chỉ kịp thấy con trâu lảo đảo rồi đổ ập xuống bờ ruộng. Đến lúc cánh đồng trở lại yên ắng, tôi lòm còm bật dậy tiến lại phía con trâu. Thân mình nó bị đạn găm nham nhở. Con trâu đã tắt thở nhưng cặp mắt vẫn mở to, tròn xoe như để chờ thấy mặt tôi lần cuối.
Đứng lặng nhìn nó mà lòng đầy bất lực, nước mắt tôi ràn rụa, lòng đau như xát muối. Thế là con trâu lực lưỡng, ngoan ngoãn, hiền lành, chịu thương, chịu khó cày bừa gắn bó với gia đình tôi đã vĩnh viễn ra đi.
Gần gũi, tình cảm với trâu từ lúc nhỏ, nhưng lớn lên tôi mới thấu hiểu kỷ niệm tuổi thơ mục đồng với hình ảnh con trâu là biểu tượng của làng quê, luôn gắn bó với người nông dân chân lấm, tay bùn quanh năm lam lũ. Con trâu luôn đồng hành với cuộc sống người nông dân, đi vào bao ca dao quen thuộc. “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”, lời ru mộc mạc, đậm đà chất dân gian ấy thi thoảng vẫn được cất lên giữa đồng quê, ở lũy tre làng và đi vào lời ru con của người mẹ hiền.
Có không ít lần tôi đứng trên bờ nhìn ông chú bì bõm dưới ruộng kỳ cọ cho con trâu. Cũng có lần, nhìn nó làm việc quá sức, những đường cày nặng nề chậm chạp dần, miệng há hốc thở phì phào mà thương cho nó quá. Tôi bảo chú cho nó nghỉ sớm. Lúc ách cày vừa tháo ra, nó sung sướng nhảy tót lên bờ cặm cụi gặm cỏ xoằn xoẹt ngon lành vì đói. Khi lưng lửng bụng, trâu tìm chỗ nước trong uống một hơi dài rồi nằm lim dim đôi mắt, mồm trẹo trạo nhai, cái đuôi ngoe nguẩy. Nhớ lại lúc ấy mà thấy cảnh quê tuy nghèo, nhưng sâu nặng và thanh bình.
Bến sông quê có nhiều ký ức của tuổi thơ tôi.
Ở quê tôi bây giờ hình ảnh những chú mục đồng đội nón cời ngồi khoan khoái trên lưng trâu thả diều trong những buổi chiều vi vút gió đã thưa dần, chỉ còn những bậc làm cha, làm mẹ hay các cụ già cầm dây thừng trâu (thẹo) ra đồng, để ưu tiên bọn trẻ học hành.
Có lần lên Tây nguyên, tôi tận mắt chứng kiến lễ hội đâm trâu của đồng bào Bana. Họ buộc lỏng cổ trâu vào cây trụ rồi đám trai tráng lực lưỡng vừa nhảy múa vừa dùng lao đâm từng nhát. Trâu đau đớn cứ chạy vòng quanh, mắt long lanh nước, miệng sủi bọt, rống lên từng hồi thảm thiết cho đến khi đổ gục. Vẫn biết đây là lễ hội văn hoá truyền thống của người dân, nhưng sao tôi cứ chạnh lòng, xót xa…
Mỗi lần về quê, tôi có thói quen ghé ra bến sông Thu Bồn phía trước nhà ngụp lặn, tắm mình trong dòng nước mát. Đây cũng là địa điểm tuổi thơ mục đồng chúng tôi ngày trước thường cho các chú trâu cùng đằm mình sau những buổi cày bừa vất vả.
Bến sông quê chiều nay vẫn vậy, nhưng vắng lặng hơn bởi thiếu hẳn đi hình ảnh những chú trâu đen trũi của ai đó đang ngâm mình tắm táp. Bỗng nhiên, thấy lòng mình có gì đó chơi vơi, se sắt!
Theo Dân Việt
Theo