Đi tránh bão trở về, bà Nguyễn Thị Chín bàng hoàng khi ngôi nhà đã tan hoang. Căn nhà được vợ chồng bà tu sửa năm ngoái, nợ chưa trả hết, năm nay đã bị bão đánh sập.
Căn nhà "không còn hình dạng"
"Không còn gì nữa, tài sản mất trắng, không biết gầy dựng lại từ đâu đây?", bà Nguyễn Thị Chín (52 tuổi, ở thôn Hà Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) nghẹn ngào kể khi đứng giữa ngổn ngang gạch đá nơi căn nhà đã bị bão số 4 (bão Noru) hất tung.
Bà Nguyễn Thị Chín thẫn thờ nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong căn nhà tan hoang (Ảnh: Ngô Linh). |
Những ngày sau khi bão Noru đổ bộ vào Quảng Nam, tại căn nhà của bà Chín, mọi thứ vẫn hoang tàn, không còn hình dạng. Căn nhà trống hoác, bay nóc, thấy cả bầu trời xanh biếc phía trên.
Đến giờ, bà Nguyễn Thị Chín vẫn không tin nổi căn nhà mà mình đã chằng chống cẩn thận mà bão quật sập chỉ sau một đêm. Mái nhà chính bị hất tung, nằm ngổn ngang bên hè, phần tường cao phía trên và chái hành lang cũng bị gió bão giật sập, làm gạch ngói rơi tung tóe, đổ xuống hư hại bàn ghế, tủ gỗ, vật dụng bên dưới.
Mái nhà chính bị bão hất tung nằm bên hông nhà (Ảnh: Ngô Linh). |
Theo bà Chín, ngôi nhà được xây dựng đã gần 20 năm nhưng hai năm trước, vợ chồng bà vừa bỏ thêm tiền tu sửa lại cho chắc chắn để chống bão lớn. Không ngờ, cơn bão số 4 đã cuốn bay tất cả.
"Số tiền vay mượn sửa nhà tôi còn chưa trả xong mà nay tan hoang thế này. Tôi suy sụp mấy ngày nay, ăn uống không nổi", bà Chín mệt mỏi nói.
Tránh bão trở về, chủ nhà bàng hoàng nhìn cảnh tượng tan hoang (Video clip: Ngô Linh).
Với tình trạng này, ông bà chỉ có cách tháo dỡ nhà, xây dựng lại nơi ở mới.
Chồng bà Chín, ông Nguyễn Văn Mẫn (54 tuổi) vừa mới trở về sau chuyến đi biển dài ngày. Nhìn cảnh nhà tan hoang, người đàn ông vùng biển vốn rắn rỏi, dạn dày cũng trở nên thẫn thờ, bất lực.
Ông Mẫn cho hay, rạng sáng 28/9, khi ông đang cùng bạn thuyền câu mực ngoài khơi gần đảo Trường Sa thì được tin vợ báo nhà sập do bão. Biết tin, chủ tàu đã cho phương tiện chạy về hướng Khánh Hòa để ông Mẫn lên bờ, bắt xe về quê.
Căn nhà không mái, nhìn lên chỉ thấy mảng trời xanh biếc sau bão lớn (Ảnh: Ngô Linh). |
"Từ lúc nhận điện của vợ, tôi cứ bồn chồn không yên. Quá lo lắng nên tôi xin chủ tàu cho về trước. Lúc đó cũng không còn tâm trạng làm việc nữa, ở lại chỉ ảnh hưởng đến người khác, lơ là dễ xảy ra tai nạn", ông Mẫn buồn bã nói.
Bà Nguyễn Thị Chín tâm sự, vợ chồng bà quanh năm bám biển mưu sinh, nuôi con ăn học. Bà Chín là lao động tự do, ai kêu gì làm nấy, khi thì gánh cá thuê, làm cá bò… còn ông Mẫn làm thuê cho các tàu đánh cá, câu mực tại địa phương.
Ông bà có hai con gái, đều đã gả chồng nhưng cuộc sống gia đình cũng chẳng mấy dư dả. Cậu con trai duy nhất hiện đang học tại một trường Cao đẳng tại TP Đà Nẵng.
Những trụ bê tông cốt thép chực chờ đổ sập (Ảnh: Ngô Linh).
Chiếc tủ đựng được một người anh của gia đình tặng cũng đã bị bê tông đè nát (Ảnh: Ngô Linh).
"Vợ chồng tôi hiện đang ở nhờ nhà hàng xóm, lúc này chưa biết phải xoay sở ra sao. Chắc phải đi vay nợ tiếp để dựng lại cái nhà nhỏ che mưa nắng thôi, chứ bây giờ lấy tiền đâu ra. Thấy cảnh nhà như vậy, con trai tôi bảo với mẹ sẽ vừa làm vừa học để tự trang trải học phí", bà Chín nói.
Vừa thoát nạn giam cầm ở Malaysia về lại mất nhà
Tại thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), căn nhà của vợ chồng anh Trần Văn Chung (35 tuổi) hư hỏng nặng sau bão số 4. Hàng xóm láng giềng ai cũng xót thương cho hoàn cảnh khó khăn, vất vả của đôi vợ chồng trẻ khi tai họa liên tiếp ập đến.
Anh Chung kể, khi hay tin bão Noru sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền tỉnh Quảng Nam, anh vội vã đưa vợ và ba con nhỏ sang nhà người bác tránh trú. Phần mình, anh cố gắng trụ lại giữ nhà. Tuy nhiên, do chỗ mái tôn nhô ra vuông góc với hướng gió nên toàn bộ mái nhà nhanh chóng bị thổi bay, bóc luôn cả mảng.
Căn nhà của anh Trần Văn Chung cũng bị bão tàn phá (Ảnh: Ngô Linh). |
Không những vậy, một phần bức tường bị đổ đè xuống bàn ghế, tivi và làm hư hỏng gần như tất cả mọi vật dụng có giá trị. Vợ vừa sinh con thứ 3 được hơn 20 ngày, anh Chung thấy may mắn vì đã di tản vợ con kịp thời.
Bà Hà Thị Lê (62 tuổi, mẹ ruột anh Chung) cho biết, con trai là một trong số 37 ngư dân bị Malaysia bắt giữ suốt mấy tháng, vừa được trả tự do, trở về một tuần trước, sau khi gia đình vay mượn lo khoản tiền nộp phạt và các thủ tục hỗ trợ pháp lý tổng cộng 160 triệu đồng. Vừa trở về với món nợ chồng chất thì căn nhà hai vợ chồng tích cóp xây dựng mới gần 4 năm trước lại tan nát do bão lớn.
"Để có tiền đóng phạt, nó phải vay mượn khắp nơi, giờ thêm cảnh này nữa, đúng là họa vô đơn chí. Hiện giờ con tôi cũng chưa thể đi biển lại vì không có tiền để mua sắm ngư lưới cụ. Vợ nó xưa nay ở nhà nuôi con nhỏ, giờ lại mới sinh, tất cả kinh tế gia đình dựa vào chồng. Vợ chồng tôi già cả, không giúp gì được nhiều cho con. Tương lai gia đình thật mịt mù", bà Lê mắt ngấn lệ.
Sau khi được bộ đội biên phòng hỗ trợ dọn dẹp, căn nhà anh Chung nay trống hoác (Ảnh: Ngô Linh). |
Bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch xã Bình Minh cho biết, với những trường hợp người dân có nhà cửa bị thiệt hại nặng do bão, xã sẽ kiểm đếm đầy đủ hư hỏng và có đề xuất hỗ trợ. Bên cạnh các chế độ hỗ trợ theo quy định, chính quyền xã và bộ đội biên phòng sẵn sàng tham gia, góp nhân lực dọn dẹp, sửa chữa nhà cho các hộ dân bị thiệt hại.
Theo Ngô Linh/Dantri.com.vn